(Lời tựa Quyển sách CHUYỆN ĐỒNG BẰNG, NXB Lao Động, 2012)
Vấn đề phát triển kinh tế, nhìn rộng ra trên thế giới, một câu hỏi lớn rất đáng
được suy ngẫm và lý giải: Tại sao có một số nước vốn bất lợi về điều kiện tự
nhiên, hạn chế về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực phát triển lại có thể sớm
vươn lên trở thành quốc gia thịnh vượng?
Đó là trường hợp của Nhật, trong điều kiện kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng chỉ sau vài thập niên
đã trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nổi tiếng với ngành công
nghiệp ô tô, điện tử và thiết bị tự động hóa có nhiều thương hiệu quốc gia đã
trở thành quốc tế: Toyota, Honda, Sony, Sanyo ... Là
Hàn Quốc, trong tình trạng“một nửa” quốc gia, với khát vọng thống nhất đất
nước, luôn phải “đối phó” với tình huống “nóng – lạnh” của trạng thái vừa hòa
bình, vừa sẵn sàng chiến tranh, gần như “không có đồng vốn nào” sau cuộc Chiến
tranh Triều Tiên (1950 – 1953), nhưng chỉ vài thập niên, đã thoát khỏi nhóm các
nước kém phát triển, vượt qua nhóm các nước đang phát triển, ghi tên mình vào
NICS, là một trong số quốc gia có tốc độ phát triển thần kỳ, đạt được khối
lượng xuất khẩu đáng kể ở nhiều ngành công nghiệp cần nhiều vốn như sắt thép,
đóng tàu và sản xuất xe hơi. Đặc biệt là sự phát triển kỳ diệu của ngành công
nghiệp thép Hàn Quốc. Là một nước phải nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu thép,
lại trở thành cường quốc thứ 2 thế giới của ngành công nghiệp “xương sống” cho
sản xuất công nghiệp và xây dựng. Park Tae Joon – “Người đàn ông của thép”,
người sáng lập tập đoàn Posco đã làm cho nhiều lý thuyết gia kinh tế thế giới
phải suy nghĩ lại về việc nhà máy sản xuất có nhất thiết phải gắn với vùng
nguyên liệu hay không? Không chỉ có thế, nhiều thương hiệu xứ Hàn đã trở nên
nổi tiếng và quen thuộc trên toàn thế giới như xe hơi, sản phẩm điện tử, điện
thoại mang tên Samsung, Deawoo, Huyndai, các thương hiệu LG, KIA ...
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là trường hợp của đảo quốc Sư
Tử Singapore nhỏ bé, dân ít, đất hẹp, bốn bề là biển, nước uống cũng phải nhập
khẩu từ Malaysia, chỉ trong vài thập niên lập quốc đã trở thành một mẫu mực của một quốc
gia phát triển, khai thác lợi thế cạnh tranh, nổi tiếng với nhiều ngành dịch vụ
và “công nghệ” quản lý đất nước, xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch,
lành mạnh và cạnh tranh.
Ngược lại với sự phát triển thần kỳ, có một số nước tuy
điều kiện tự nhiên thuận lợi, mưa thuận, gió hoà, sẵn tài nguyên “trời cho” với
“rừng vàng, biển bạc”, có mỏ dầu, mỏ kim loại quý trữ lượng lớn, …lại kém phát
triển. Hoặc có quốc gia đã từng đạt đỉnh hoàng kim của thời hưng thịnh, nhưng
nay vẫn là nước nghèo nàn, lạc hậu?
Việc phát triển nhanh – chậm của một vùng kinh tế hay một
quốc gia chắc chắn có rất nhiều lý do, từ địa chính trị - kinh tế, yếu tố
truyền thống, văn hoá, tinh thần dân tộc, hiệu quả của nền quản trị công và
thiên tài của những lãnh đạo kiệt xuất ... Sự thụt lùi hay phát triển chậm chạp còn có thể do ảnh
hưởng và tàn phá của chiến tranh. Có những cuộc chiến là chọn lựa duy nhất cho
sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc, như cuộc chiến tranh Việt Nam – xứ sở nụ
cười, như lịch sử oai hùng mấy nghìn năm được viết bằng những cuộc chiến tranh
vệ quốc. Trong cái màu thẳm xanh của cánh đồng lúa Việt Nam, của những vườn cây
trĩu quả, ... là màu đỏ máu xương của các thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống.
“Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa
ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi,
máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh ...”(Nguyễn Trung Thành, Đường
chúng ta đi). Người ta không thể lao động hết năng suất trong điều kiện súng
nổ, bom rơi, sống nay, chết mai, trong phập phồng lo sợ của khủng bố và bạo lực
tràn lan, đừng bàn gì đến phát triển kinh tế, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh
tranh, những lý thuyết kinh tế hay ho, “Bàn tay vô hình” của Adam Smith, “Hình
thoi phát triển” hay các “Cluster” của Michael Porter, những dự báo có tầm ảnh
hưởng kinh tế thế giới của Alan Greenspan, .... Sẽ có vô vàn lý do để giải
thích cho “sự phát triển thần kỳ” hay biện minh cho tình trạng nghèo nàn, lạc
hậu. Những sử gia, chính trị gia, các nhà nghiên cứu văn hóa ... chắc chắn sẽ
phản đối tôi nếu quyển sách này chỉ lý giải nguyên nhân phát triển kinh tế
thành công của một quốc gia, vùng kinh tế chỉ thuần túy ở góc độ kinh tế, rồi
so sánh với Việt Nam, với vùng kinh tế này hay kinh tế khác, giữa đồng bằng
sông Cửu Long với các vùng, miền khác là sự so sánh khập khiễng. Bỏ qua những
lý do để biện minh, hãy nhìn nhận hiện trạng vùng đồng bằng sông Cửu Long để
hướng về phía trước với những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức; những
trăn trở, suy tư cũng như lạm bàn của tác giả về định hướng, gói các giải pháp
phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm tới qua những câu
chuyện với niềm tin những “Tứ giác động lực” - Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang
– Cà Mau, cụm kinh tế ven biển ĐBSCL gắn với Chiến lược phát triển kinh tế biển
Việt Nam, kinh tế cửa khẩu Tây Nam – “cánh cửa” thị trường đang mở ra nhiều cơ
hội và đảo ngọc Phú Quốc – một “Singapore của Việt Nam”.
Tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét