Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Cần liên kết vùng theo chuỗi giá trị hàng hóa
Phỏng vấn của BÁO HÀ NỘI MỚI (Click vào)
Chủ Nhật 06:43 16/12/2012
(HNM) - Liên kết vùng nhằm phát huy tiềm năng, khai thác lợi
thế từng địa phương để phát triển bền vững là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều
năm nay, nhưng việc thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cuộc trao đổi
của Báo Hà Nội Mới với ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây
Nam bộ) góp phần làm rõ hơn vấn đề liên kết vùng.
Những “nút thắt”liên kết vùng
- Liên kết kinh tế vùng đã được thực hiện nhiều năm nay
nhưng điểm yếu của các địa phương vẫn là “mạnh ai nấy làm”. Có phải vì vấn đề
này còn vướng, thưa ông?
- Cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề
cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, như các thách thức về ứng phó biến đổi
khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý dịch bệnh, phát triển kinh tế… Ví dụ như ở
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu các địa phương đầu nguồn và cuối nguồn hai
con sông Tiền, sông Hậu không liên kết tốt, chỉ biết có mình, tỉnh ở trên phát
triển công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khiến tỉnh ở dưới “lãnh đủ”. Lợi ích
của tỉnh này có khi là thiệt hại của tỉnh khác. Không chỉ có vậy, phát triển
kinh tế hiện nay cần phải hợp lực mới mang lại được lợi ích lớn hơn. Chẳng hạn,
nếu tỉnh Long An quan tâm phát triển kinh tế các vị trí gần TP Hồ Chí Minh,
nhưng TP Hồ Chí Minh lại không quan tâm địa bàn đó nên không ưu tiên đầu tư,
vấn đề này nếu không liên kết là không giải quyết được. Đó là nhìn ở góc độ
chính quyền, còn bản thân doanh nghiệp (DN) cũng luôn có nhu cầu liên kết vì họ
cần có lao động để làm ra sản phẩm, cần có thị trường nguyên liệu và tiêu thụ
hàng hóa. ĐBSCL cần TP Hồ Chí Minh vì đây là trung tâm tiêu thụ nông sản lớn
nhất nước, là trung tâm giao dịch hàng hóa xuất khẩu, nơi hỗ trợ công nghệ kỹ
thuật cao… Còn TP Hồ Chí Minh cần ĐBSCL là nơi cung cấp nguyên liệu, nguồn cung
lao động và thị trường tiêu thụ hàng hóa với 20 triệu dân.
- Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng liên kết vùng cũng chỉ
là phép cộng của các địa phương trong vùng?
- Dù nhiều quy
hoạch hiện nay đã theo vùng, như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên, vùng ĐBSCL… nhưng khi triển khai trong thực
tế còn nhiều hạn chế, kể cả “cục bộ lợi ích địa phương” nên mới có ý kiến như
vậy. Phải thừa nhận rằng, mỗi địa phương “lo cho mình”, phát triển cho địa
phương mình thì cũng có nghĩa là đóng góp kinh tế vùng. Nhưng ở chiều ngược lại
là không phải vậy, nếu mỗi tỉnh, thành trong vùng liên kết đều hướng theo một
“cơ cấu đẹp”, chỉ ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm nông - lâm -ngư
nghiệp mà không dựa trên lợi thế chung (hợp tác) và khai thác lợi thế đặc thù
của từng tỉnh, thì việc đầu tư trùng lặp, manh mún. Dễ thấy nhất là tình trạng
tỉnh nào cũng muốn có sân bay, có cảng, cụm công nghiệp, hoặc đang có xu hướng
“chạy đua” xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Ai cũng nhìn lợi
ích kinh tế từ tỉnh mình, mà đáng lẽ ra phải nhìn từ cấp vùng, từ tổng thể,
phải thấy mình ở vai nào, vị trí nào để phát triển chứ không phải xung đột
nhau. Vì vậy, cần một cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả giữa các tỉnh, thành để
tạo ra kinh tế vùng mà vẫn không mất đi vai trò của các địa phương.
- Có thể thấy sẽ xảy ra vấn đề xung đột lợi ích khi các tỉnh
chỉ “lo cho mình”. Giải quyết vấn đề này làm sao cho hài hòa, thưa ông?
- Điều đó có đấy,
tuy rằng không phải xung đột “dữ dằn” lắm. Ví dụ như vừa qua, tỉnh Sóc Trăng
muốn làm thủy lợi để trồng lúa, nhưng Bạc Liêu liền kề bên lại muốn đưa nước
mặn vào để nuôi tôm. Tỉnh nào cũng muốn ưu tiên. Rõ ràng là có “xung đột lợi
ích”. Nhưng cơ chế giải quyết như thế nào? Phải lấy quy hoạch vùng, công cụ
vùng ra mà phân xử. Phải có ai đó đứng ra giải quyết chứ. Vậy nên, đòi hỏi một cơ
chế liên kết hiệu quả, hài hòa lợi ích, phải có “nhạc trưởng” để điều hành.
Nhưng cái vai “nhạc trưởng vùng” này thì chưa rõ lắm.
- Với tầm quan trọng được xác định như vậy, tại sao các liên
kết vùng vẫn chưa được xúc tiến tốt, thưa ông?
- Có những “nút
thắt” cần phải được tháo gỡ. Thứ nhất là, cách phân vùng kinh tế của
chúng ta chưa thống nhất, còn trùng lắp về địa bàn như trường hợp của hai tỉnh
Long An và Tiền Giang, vừa nằm trong vùng ĐBSCL, vừa nằm trong vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam. Vậy là có tình trạng “vùng nằm trong vùng”. Hai là,
cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích các địa
phương như tôi đã nêu ở trên. Rồi phát triển kinh tế vùng dựa trên nguồn lực
nào? Chắc chắn đó không chỉ là phép cộng ngân sách của các tỉnh, thành. Cấp
vùng hiện nay không phải là một cấp hành chính, nên nhìn góc độ đầu tư công,
vùng không có ngân sách riêng để chủ động phát triển, việc phân bổ ngân sách,
nguồn lực đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của trung ương và các tỉnh,
thành (chủ yếu là để phát triển địa phương, qua đó đóng góp cho vùng). Vì thế,
cần xác định rõ các nguồn lực đầu tư để thực thi các chương trình, kế hoạch, dự
án đầu tư phát triển vùng một cách chủ động. Tóm lại, muốn phát triển kinh tế
vùng, cần xác định rõ “chủ thể vùng” và “nguồn lực vùng”.
Còn nặng về liên kết “chính quyền”, nhẹ liên kết “thị
trường”
- Ở lĩnh vực
kinh tế, có thể thấy DN sẽ tự liên kết vì động lực kinh tế, vậy có cần vai trò
của Nhà nước ở đây không, thưa ông?
- Bản thân DN rất ý
thức được cái lợi của liên kết, nên dù Nhà nước không khuyến khích họ vẫn làm.
Nhưng khi Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo ra điều kiện, môi trường tốt thì
sẽ thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn. Theo tôi, có hai nhóm đối tượng cần liên kết
là chính quyền và DN. Thời gian qua chúng ta chỉ mới quan tâm liên kết “chính
quyền - chính quyền”. Ví dụ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và thực hiện
chương trình hợp tác toàn diện với nhau và liên kết với TP Hồ Chí Minh. Đó chỉ
mới là điều kiện cần, cái chính là hiệu quả liên kết thị trường. Vậy nên cái
liên kết thứ hai là liên kết DN phải được xác định đúng vai trò, vị trí. Từ các
hình thức “liên kết nhà nước” giữa các chính quyền địa phương với nhau và với
các bộ, ngành, cần chuyển sang chủ yếu liên kết DN, liên kết thị trường dựa
trên nền tảng lợi ích.
- Từ năm 2009, TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Kết quả của liên kết này đã đến đâu, thưa ông?
- Từ năm 2009, TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Kết quả của liên kết này đã đến đâu, thưa ông?
- Mặc dù đã đạt
được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, nhưng cần phải thúc đẩy hơn nữa để mang
lại hiệu quả nhiều hơn.
- Nếu so sánh những kết quả đạt được với những đợt ký kết
rầm rộ thì có phải việc ký kết hợp tác giữa các tỉnh, thành thời gian qua còn
nặng hình thức, có tính phong trào?
- Không hẳn vậy, vì
cũng đã làm được một số việc, đã đi vào thực chất rồi chứ không chỉ hô hào. Ví
dụ như liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, đến nay đã có hơn 800 dự án đầu
tư với tổng giá trị hơn 200.000 tỷ đồng từ các DN của TP đầu tư vào vùng ĐBSCL.
- Nhưng đó cũng chỉ là những dự án đầu tư mà DN tự làm, chứ
chưa hẳn phải là những đợt đầu tư theo quy hoạch vùng, theo “liên kết”?
- Đúng là nếu chính
quyền không ký kết hợp tác thì tự bản thân DN họ cũng làm, nhưng phải thừa nhận
việc tạo ra môi trường của chính quyền có tác dụng hỗ trợ tích cực. Thực tế
đang đòi hỏi cần có một cơ chế pháp lý cho liên kết vùng hơn là các cam kết, ký
kết chung chung. Theo đó, cần xây dựng mô hình tổ chức liên kết hiệu quả hơn.
Liên kết theo
chuỗi giá trị hàng hóa
- Điểm yếu của các địa phương vẫn là “mạnh ai nấy làm”,
khiến không gian kinh tế bị chia cắt. Tại sao vậy, thưa ông?
- Yêu cầu liên kết,
hợp tác là toàn diện, nhưng phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Không phải các
tỉnh, thành đều có thế mạnh như nhau. Dù cùng là tỉnh nông nghiệp, nhưng có địa
phương mạnh về trồng lúa như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp; Cà Mau không mạnh
về lúa thì mạnh về tôm; Tiền Giang, Bến Tre mạnh về trái cây. Vì vậy, liên kết
vùng phải chọn thế mạnh của từng địa phương để phát huy thành thế mạnh của
vùng. Làm được việc này phải cần vai trò của Nhà nước tạo ra cơ chế chính sách,
định hướng và thông tin để DN thực hiện. Nhà nước cũng phải xác định những sản
phẩm chủ lực và thế mạnh của hai phía. Ví dụ, với lợi thế của mình, ĐBSCL cần
tập trung 3 chuỗi giá trị sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, trái cây. Xoay quanh 3
chuỗi giá trị đó tổ chức thế nào để làm ra sản phẩm; rồi tổ chức thị trường các
kênh phân phối ra sao… Phải chuyên môn hóa, mỗi người, mỗi đơn vị đảm nhận nhịp
nhàng công việc của mình trong chuỗi sản phẩm. Có như vậy mới tạo ra được nhiều
giá trị và đó mới là điều kiện tốt để phát triển bền vững của kinh tế vùng.
- Theo ông thì cơ chế liên kết sẽ như thế nào?
- Theo ông thì cơ chế liên kết sẽ như thế nào?
- Ai cũng thấy liên
kết vùng là cần, nhưng thực hiện lại lúng túng. Cần phải có lời giải cho ba câu
hỏi: Liên kết cái gì? Ai làm và làm như thế nào? Điểm yếu muôn thuở của mình
lại là phối hợp không đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Tình trạng này đều có ở các
ngành, các địa phương. Vì vậy, cần phải làm rõ, tại sao “ba ông không mạnh hơn
một ông”? Phải giải cho được bài toán liên kết - phối hợp này. Cũng đã có nhiều
đề xuất mô hình tổ chức như thành lập hội đồng liên kết vùng, nhưng theo đề
xuất này thì lại đẻ thêm bộ máy, cồng kềnh về hành chính ...
- Vậy theo ông, mô hình hiệu quả sẽ như thế nào?
- Tôi nghĩ, hiện
nay mà đề xuất ra một tổ chức quản trị công cấp vùng thì càng chồng chéo, cồng
kềnh và không khả thi. Cần nghiên cứu tăng cường liên kết vùng theo các chuỗi
giá trị sản phẩm chủ lực của vùng, theo các cụm kinh tế ngành mà kinh tế học
gọi là các “Cluster”. Lưu ý là cụm kinh tế ngành khác với khu công nghiệp, cụm
công nghiệp ở chỗ không nhất thiết các bên liên quan phải ở chung một không
gian địa lý, mà là liên kết theo chuyên môn, mỗi người một việc. Những người
nông dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng... gắn với nhau không chỉ là
chuyện phân công làm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu mà gắn với nhau trong một
chuỗi giá trị. Các viện nghiên cứu, trường đại học cũng tham gia với tư cách là
người trong “cụm ngành” chứ không phải người hỗ trợ. Liên kết theo chuỗi giá
trị cũng là xu hướng của nhiều nước hiện nay.
- Ông có thể cho ví dụ cụ thể về liên kết theo chuỗi giá
trị?
- Tôi lấy ví dụ con
tôm. Thực chất đã hình thành điều kiện ban đầu của cụm kinh tế ngành này ở Cà
Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, nhưng là tự phát, thiếu đồng bộ, vì vậy nên việc ứng
dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong kỹ thuật làm giống, kỹ thuật nuôi,
kiểm soát dịch bệnh… còn nhiều hạn chế. Năm trước, nuôi tôm có nơi thiệt hại
đến 90%. Theo Phó Giáo sư, TS Nguyễn Thanh Phương, Hiệu phó Trường Đại học Cần
Thơ là người rất am hiểu về ngành thủy sản thì là do bệnh hoại tử gan của con
tôm mà đến nay vẫn chưa xác định được thuốc trị. Do không tham gia với tư cách
“cụm ngành” nên nhiều kết quả nghiên cứu chỉ đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn
vậy thôi, còn việc người nuôi có nghe theo, có thực hiện hay không là chuyện
khác. Trong trường hợp này, nếu như có liên kết thì các nhà khoa học được tham
gia ngay từ đầu, sẽ sớm phát hiện dịch bệnh, giải quyết được vấn đề từ con
giống, phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật… thì những thiệt hại có thể sẽ không xảy
ra.
- Như vậy, liên kết theo chuỗi giá trị, ngoài việc mang lại lợi ích tối đa còn giải quyết vấn đề xung đột lợi ích của các địa phương?
- Như vậy, liên kết theo chuỗi giá trị, ngoài việc mang lại lợi ích tối đa còn giải quyết vấn đề xung đột lợi ích của các địa phương?
- Đúng vậy, liên
kết hành chính chỉ là tác động, tạo “sân làm” cho DN, còn thực ra phải liên kết
thị trường mà đặc biệt là liên kết chuỗi giá trị mới là chính. Trong nền kinh
tế thị trường thì phân công lao động là đương nhiên, nhưng phải xâu chuỗi lại
chuỗi giá trị, với sự đóng góp của nông dân, người chế biến, xuất khẩu... Người
nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng thường chỉ
được nhận phần nhỏ nhất. Phải làm sao cho hài hòa lợi ích, ai đóng góp nhiều
được nhiều cho công bằng. Điều quan trọng không phải là lấy của người này cho
người kia mà làm cho giá trị tổng thể nó lớn hơn. Chính vì vậy mà cần phải liên
kết vùng, đặc biệt với kinh tế cần liên kết theo chuỗi giá trị.
- Xin cảm ơn ông
về cuộc trò chuyện này!
Châu
Duyên thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét