Dòng tiền bị “đánh cắp” đã tước đi cơ hội thịnh vượng của các nước nghèo.
(LĐ) Chỉ trong vòng một thập kỷ từ 2001-2010, các quốc gia đang phát triển đã bị “hút vốn trái phép” 5.860 tỉ USD - theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI) công bố tại Washington (Mỹ) ngày 18.12.
Chuyên gia kinh tế trưởng GFI Dev Kar và đồng nghiệp Sarah Freitas - hai tác giả của báo cáo - cho biết, dòng tiền chảy ra khỏi thế giới đang phát triển vào các thiên đường trốn thuế và ngân hàng phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng. “Điều này đã gây hệ lụy rất lớn với các nền kinh tế đang phát triển” - ông Freitas - đồng tác giả của báo cáo - giải thích. “Các nước nghèo đã bị “đánh cắp” hàng nghìn tỉ USD có thể được sử dụng để đầu tư cho chăm sóc y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đây là khoản tiền lẽ ra hữu ích để giúp người dân các nước này thoát đói nghèo, cứu được nhiều mạng sống” – ông cho hay.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, dòng vốn bị chuyển trái phép khỏi các quốc gia nghèo là 858,8 tỉ USD, gần bằng con số kỷ lục 871,3 tỉ USD ghi nhận năm 2008 – thời điểm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc chiếm đến gần một nửa trong tổng số tiền 858,8 tỉ USD bị lọt sang các thiên đường trốn thuế và các ngân hàng phương Tây năm 2010, cao gấp 8 lần so với các quốc gia kế tiếp là Malaysia và Mexico. Tất cả các quốc gia nằm trong nhóm 10 nước bị “đánh cắp” nhiều tiền nhất, gồm cả Ấn Độ, Nigeria và Philippines, đều đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo cũng như an ninh nội địa. Trung Quốc mất 420,4 tỉ USD trong năm 2010 và tính chung cả thập kỷ là 2.740 tỉ USD. Tuy nhiên, khoản tiền thất thoát chưa dừng lại.
Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới đang chú trọng tìm cách triệt phá nạn rửa tiền, bí mật ngân hàng, lỗ hổng thuế để ngăn việc đánh cắp công quỹ tại các quốc gia đang phát triển. Khoản tiền trên lớn đến mức cứ 1USD tiền viện trợ trực tiếp nước ngoài chảy vào các quốc gia nghèo, thì lại có đến 10USD mất đi. “Chưa cần bàn đến phương pháp “đánh cắp” vốn, một thực tế rõ ràng là các quốc gia đang phát triển ngày càng bị khai thác kiệt quệ nguồn tiền vào thời điểm mà cả nước giàu và nghèo đều đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế. Báo cáo này như một hồi chuông cảnh tỉnh yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng nạn chảy máu tiền tệ này” – Giám đốc GFI - ông Raymond Baker - nhận định.
Dòng chảy tiền bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng 13,3% mỗi năm kể từ 2001, cướp đi sự thịnh vượng của nhiều quốc gia và làm lợi cho một nhóm các nhà lãnh đạo tham nhũng. Ông Kar cho rằng, bức tranh ngày càng xấu đi trong một thập kỷ qua cùng với tình trạng toàn cầu hóa tài chính và nới lỏng kiểm soát vốn lại càng giúp việc chuyển vốn đến các ngân hàng phương Tây và các thiên đường trốn thuế khác dễ dàng hơn. “Chỉ đến khi cải thiện được nền quản trị và các biện pháp chặn nền kinh tế ngầm, chúng ta mới thực sự giảm được một cách bền vững dòng chảy tài chính trái phép” - ông Kar nói.
Theo Indian Express, GF
Nhận xét
Đăng nhận xét