(Vn.Express)-Gặp gỡ lãnh đạo 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ triển lãm 10 năm xây dựng phát triển, nhiều đại sứ, tổng lãnh sự, đại diện cơ quan ngoại giao các nước đánh giá miền Tây đang có sức hút đầu tư lớn.
Hội chợ triển lãm 10 năm xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long kết thúc hôm qua, 1/5, tại Cần Thơ. Bên cạnh hoạt động này, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa các địa phương với trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đại sứ, tổng lãnh sự, tham tán các cơ quan ngoại giao đại diện cho 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như Indonesia, Canada, Hà Lan, Thái Lan, UNDP, IMF, EuroCham... tham dự cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là lần đầu tiên tổ chức chương trình gặp gỡ giữa đại diện của 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Cửu Long với các ngoại giao đoàn.
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, đóng góp khoảng 22% GDP cả nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu. Vùng đất này cũng đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Vùng sông nước Cửu Long luôn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước vì vẻ trù phú, sinh thái đa dạng. Ảnh: Gia Bảo. |
Nơi đây cũng là vùng đất tươi đẹp, có cảnh quan sinh thái đa dạng, có nhiều biển đảo với tài nguyên thiên nhiên phong phú với những danh lam thắng cảnh tươi đẹp hữu tình. Do vậy, khu vực này đã và đang được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Sơn cho biết thêm: "Đồng bằng Cửu Long đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều. Ngành ngoại giao cũng hỗ trợ để đưa vùng kinh tế trọng điểm đầy tìm năng này phát triển trong tương lai. Trong đó có việc giới thiệu những tiềm năng, nhu cầu phát triển của địa phương để tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch...".
Đánh giá cao tiềm năng của vùng sông nước miền Tây, song các nhà ngoại giao cũng bày tỏ sự quan tâm đến những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt như tình trạng biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và khai thác hiệu quả, hợp lý tài nguyên nước, tình trạng ngập lụt kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư cho vùng đất này trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các công trình cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP HCM - Mỹ Tho triển khai ỳ ạch. Nhiều tuyến đường huyết mạch xuống cấp như Quốc lộ 91 nối TP Cần Thơ với TP Long Xuyên (An Giang) và nối Long Xuyên với biên giới.
Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng thống kê, hiện còn 144 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu, cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng. Về thủy lợi, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và dự án thủy lợi Ba Lai (Bến Tre) đầu tư chưa đồng bộ… Nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo của vùng đất này.
Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ El Houcone Fardari cho rằng: "Đồng bằng sông Cửu Long là miền đất tốt, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới để phát triển trong tương lai".
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Mayerfas nói rằng ông kỳ vọng nhiều vào sự phát triển hợp tác thương mại song phương giữa Indonesia và Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Việt Nam từ mức 519,5 triệu USD của năm 2000 lên 4,6 tỷ USD năm 2011. 11 mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia như: Gạo, cà phê, dệt may, máy móc, cao su, điện tử, cơ giới…
"Năm 2011 Indonesia nhập gần 2 triệu tấn gạo của Việt Nam, tôi tin rằng đây là sản phẩm đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long", Đại sứ Mayerfas bày tỏ.
Gia Bảo
Nhận xét
Đăng nhận xét