BÁO PHÁP LUẬT TP. HCM
Trong hiến pháp hiện hành, nhiều nội dung của quyền con người đang được lồng ghép vào quyền công dân.
Hiện nay quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và đề xuất những nội dung cần phải sửa đổi đã vào giai đoạn nước rút. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những nội dung lớn cần cấp thiết sửa đổi trong Hiến pháp 1992, GS-TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh: Có nhiều vấn đề cần sửa đổi trong đợt này nhưng sửa đổi gì cũng cần phải đảm bảo sự ổn định của chế độ chính trị cũng như sự ổn định của xã hội. Sửa đổi nhiều gây xáo trộn thì cũng không phải là điều hay.
Tôn trọng quyền con người
. Theo GS, những vấn đề nhất thiết phải bổ sung, sửa đổi, không thể trì hoãn trong đợt sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là gì?
+ Theo tôi, trước hết vấn đề nhân quyền phải thể hiện rõ trong bản hiến pháp sửa đổi. Trong hiến pháp hiện hành, những quyền con người đang được lồng ghép vào quyền công dân, ví dụ như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do cư trú, quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Điều đó có thể là hợp lý trong giai đoạn vừa qua nhưng đến nay thì phải khác. Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay cũng như mặt bằng nhận thức về dân chủ của người dân đòi hỏi Hiến pháp cần phải làm rõ hơn cái gì là nhân quyền, cái gì là quyền công dân, cái gì là quyền thiết yếu, quyền tự nhiên của con người mà Nhà nước phải cam kết đứng ra bảo vệ.
Nhà nước nào cũng vậy thôi, nhà nước XHCN của chúng ta thì càng phải bảo vệ tốt quyền con người, nhất là trong vấn đề bắt, giam, tha phải làm sao cho đúng luật. Bảo vệ quyền con người cũng là tiến tới bảo vệ chế độ. Đó là vấn đề căn bản trong sửa đổi Hiến pháp lần này.
Theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung, trong hiến pháp hiện hành,quyền tự do cư trú, quyền tự do ngôn luận… là quyền con người đang được lồng ghép vào quyền công dân. Trong ảnh: Làm thủ tục cư trú tại Công an quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
. GS nói Hiến pháp hiện hành đã lồng ghép nhiều nội dung của quyền con người vào quyền công dân. Vậy thì Hiến pháp sửa đổi sẽ phải thiết kế lại như thế nào?
+ Như tôi đã nói, việc lồng ghép ấy có thể phù hợp trong giai đoạn lịch sử đã qua nhưng đến nay thì không còn đúng nữa. Tôi lấy ví dụ, biểu hiện cụ thể của quyền công dân là quyền bầu cử. Một người phạm tội có thể bị tòa án tước một số quyền công dân như quyền bầu cử nhưng họ vẫn còn quyền con người chứ. Hay là những người nước ngoài, họ không phải là công dân VN nhưng họ sinh sống và làm việc trên lãnh thổ VN thì họ cũng phải được bảo đảm những quyền con người.
Do đó, hiến pháp sửa đổi cần có chương riêng về quyền con người để khẳng định rõ đó là những quyền căn bản nhất của con người.
. Hiến pháp hiện hành trong nhiều quy định liên quan đến quyền công dân (thực chất là quyền con người) thường thiết kế theo kiểu công dân có quyền làm gì đó “theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, nhiều quyền của công dân đã được hiến pháp quy định, ví như quyền được trưng cầu dân ý, quyền biểu tình, lập hội…, tuy nhiên lại có “thòng” câu “theo quy định của pháp luật”. Và do pháp luật không quy định cụ thể nên các quyền này đã bị “treo”. Theo GS, lần sửa đổi này có thể bỏ cách thiết kế ấy được không?
+ Tôi cho rằng về nguyên tắc là có thể bỏ được bởi bản chất những quyền ấy là quyền tự nhiên, không thể hạn chế bằng pháp luật. Còn nếu trong một hoàn cảnh nào đó thì có thể chỉ theo luật của QH thôi, chứ theo pháp luật thì lại đến cơ quan hành pháp là không được. Nhưng căn bản nhất vẫn là phải theo quy định của Hiến pháp, đã là quyền hiến định thì công dân được quyền thực hiện ngay.
Phân công rõ ràng để kiểm soát
. Cương lĩnh Đại hội XI đã đưa ra nguyên tắc “kiểm soát quyền lực nhà nước”. Vậy nội dung này cần được bổ sung vào Hiến pháp như thế nào, thưa GS?
+ Trọng tâm của lần sửa đổi Hiến pháp này chính là vấn đề kiểm soát quyền lực. Đây là vấn đề cần thiết của bất kỳ một bản hiến pháp nào. Với tư cách là một bản hiến pháp dân chủ, thực sự xây dựng một chế độ tươi đẹp, ổn định cho xã hội VN thì những nội dung này càng phải được chú trọng.
Ở chế độ phong kiến, quyền lực của ông vua không bị và không thể kiểm soát. Hoặc ở giai đoạn trước, vấn đề kiểm soát quyền lực cũng không được đặt nặng bởi chúng ta còn nhiều mục tiêu quan trọng khác để hướng tới như bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc… Nhưng đến giờ này thì vấn đề kiểm soát quyền lực phải được nhấn mạnh để hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong giai đoạn quá độ - giai đoạn có rất nhiều sơ hở của pháp luật để có thể bị lợi dụng, bởi quyền lực và tham nhũng gắn liền với nhau.
Kiểm soát quyền lực là một tiêu chí của bản hiến pháp và bản thân bản hiến pháp thành văn cũng đã là một sự kiểm soát ở nghĩa rộng. Ở nghĩa hẹp thì kiểm soát phải tập trung vào nơi có nhiều quyền hành, nhất là hành pháp và kể cả ở các cơ quan đảng.
. Muốn kiểm soát quyền lực thì cần phải làm gì, thưa ông?
+ Quan trọng nhất là Hiến pháp phải phân công, phân quyền rõ ràng. Không phân ra thì không thể nào kiểm soát được. Phân ra để tự kiểm soát, để lấy cơ quan này kiềm chế cơ quan kia. Hiến pháp hơn các văn bản khác là phải trù liệu trước sự có thể vi phạm của bất kỳ cành quyền lực nào. Vì con người không phải là hoàn thiện và trong khi không thể hoàn thiện được thì phải phân ra để kiểm soát lẫn nhau.
. Xin cảm ơn GS.
Sở hữu nhà nước thì cũng vậy thôi!
. Đối với vấn đề sở hữu đất đai, bộ truởng TN&MT đã có đề xuất chuyển sở hữu toàn dân thành sở hữu nhà nước. Quan điểm của GS thế nào?
+ Sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước thì cũng không khác nhau bao nhiêu đâu! Quan trọng là có thừa nhận đa sở hữu trong đó có sở hữu tư nhân với đất đai hay không, chứ còn sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước thì cũng vậy thôi. Tuy nhiên, người ta cũng phân tích rằng nói đến sở hữu nhà nước thì tức là nó có chủ thể của quyền sở hữu rõ ràng, người chủ là Nhà nước còn sở hữu toàn dân thì người chủ không biết là ai. Nhưng dù thế nào thì cuối cùng người chủ vẫn là Nhà nước và quyền của người dân không được đảm bảo.
Cần phải nói rõ quan điểm của tôi là sở hữu tư nhân là một thành công rất lớn trong Hiến pháp 1992, góp phần quan trọng vào việc khắc phục được khủng hoảng kinh tế. Nhưng đến giờ nó nảy ra nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề đất đai. Chúng ta đều biết trong lĩnh vực này quy định rất là mâu thuẫn, khiếu nại tố cáo rất nhiều. Có lẽ lần này chúng ta hãy thừa nhận đa sở hữu đối với đất đai, trong đó có sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng và kể cả sở hữu tư nhân.
|
THANH HOA
Nhận xét
Đăng nhận xét