Bài trên Trang ĐBSCL - BÁO LAO ĐỘNG ngày 10-5-2012
Hữu Hiệp
Các “tốp chạy” căng thẳng nhất là nhóm gia đình có con em chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10, đặc biệt là các lớp bán trú, trường điểm và học trái tuyến. Ở những đô thị càng lớn, tính tranh đua càng gay gắt, quyết liệt. Như ở Cần Thơ, điểm nóng là các trường điểm, trường trung tâm như Lê Quý Đôn, Ngô Quyền, Đoàn Thị Điểm, Châu Văn Liêm, kể cả Trường chuyên Lý Tự Trọng, mặc dù áp dụng chế độ thi tuyển học sinh khá giỏi rất nghiêm ngặt, nhưng nhiều người vẫn cố chen vào “đường đua hẹp” cho những suất chính sách, chế độ ưu tiên.
Hữu Hiệp
Năm học cũ chưa kết thúc, còn hơn 3 tháng nữa mới đến ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường”. Nhưng khi các nơi rục rịch công bố kế hoạch, đối tượng xét tuyển, thi tuyển, thì các bậc cha mẹ ở Miền Tây đã bắt đầu “khởi động” cho “cuộc đua” gian khổ chạy trường cho con em mình.
Ở nơi không có "chạy trường" (Ảnh: Tăng Bình Quốc - dự thi Ảnh đẹp ĐBSCL do BCĐ TNB tổ chức) |
Cho con em được học ở trường có điều kiện tốt, thầy cô giáo giỏi là nhu cầu chính đáng của bất kỳ bậc cha mẹ nào rất đáng được trân trọng. Nhưng khi “cung không đủ cầu”, thì nhiều người phải “chạy”. Từ các kiểu chạy truyền thống lâu nay như “chạy hộ khẩu” theo kiểu ở nhờ, tạm trú, mua thêm nhà để có hộ khẩu ở khu vực trung tâm, đến chớp thời cơ từ các “suất nội bộ” của giáo viên, tranh thủ các mối quan hệ kiểu bắc cầu, thậm chí “chạy thư tay” từ các lãnh đạo hay nhà hảo tâm có nhiều đóng góp cho trường được đền ơn, đáp nghĩa, đủ các “bước chạy hoàn vũ” xuất hiện. Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục, hiệu trưởng mùa “chạy trường” phải thường xuyên tắt máy điện thoại, dặn người nhà báo vắng để khỏi tiếp khách. Ngành giáo dục đối phó bằng cách trao quyền cho “Hội đồng” quyết định, cơ quan quản lý đặt ra các quy định như “không cho nhập hộ khẩu” vào trung tâm, đã “lỡ nhập” thì bị khống chế phải có thời gian từ 2-3 năm … Hệ quả là các trường điểm phải gồng mình gánh các em học sinh, nhiều lớp học chật chội 45-50 em học sinh; chưa kể những trường hợp tiêu cực phát sinh.
Vấn nạn trên đã xảy ra nhiều năm. Có người đổ lỗi do tâm lý “ranh đua” của phụ huynh. Nhưng không hẳn thế. Mấy năm gần đây nhờ xã hội hóa giáo dục, nhiều trường tư nhân “chất lượng cao”, “trường quốc tế” ra đời, điều kiện học tập tốt. Nhưng gặp phải “phân biệt đối xử” kiểu như không xét hồ sơ tuyển sinh đầu vào đối với các em học trường quốc tế; nên tâm lý chung ai cũng muốn đưa con vào trường công. “Bệnh chạy trường” đã rõ, nhưng “bốc thuốc và trị bệnh” cần góc nhìn khác hơn lâu nay. Thay vì hạn chế do sức ép lên các trường điểm, thì nên tăng cường đầu tư để có nhiều trường tốt hơn, ưu tiên kiên cố hóa trường lớp học, xóa khoảng cách giữa các trường. Có “phần cứng” – cơ sở vật chất, phải giải quyết “phần mềm” - chất lượng giáo viên. Cần áp dụng chế độ luân chuyển giáo viên giỏi giữa các trường với nhau theo cấp quản lý, có chế độ đãi ngộ người luân chuẩn như chế độ “biệt phái” hay chế độ luân chuẩn cán bộ hiện nay.
Xem ra, trị bệnh chạy trường cần giải pháp đồng bộ, chứ không chỉ là tuyên truyền vận động suông. Ngành giáo dục lo dạy dỗ cho tương lai xã hội, thì toàn xã hội cũng phải chung vai với ngành giải quyết nạn chạy trường mới hợp lẽ.
Nhận xét
Đăng nhận xét