Trần Hữu Hiệp
"Phát chẩn" cho cá tra ở ao nhà |
Cá tra cùng với tôm là 2 con chủ lực trong “mũi nhọn” thứ hai của kinh tế ĐBSCL. Cá tra từ ao nhà đã vượt biên giới quốc gia đến hơn 136 nước và vùng lãnh thổ. Nhưng đằng sau ánh hào quang của kỳ tích là nghịch lý.
Theo VASEP, trong quý I/2012, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu cá tra sang 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị 425 triệu USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Trong khi giá cá tra trên thế giới vẫn ổn định ở mức khoảng 3 USD/kg phi lê, thì giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang xuống, có nơi dưới 20.000đ/kg, thấp nhất từ năm 2011 đến nay. Người nuôi “treo ao”, nhà máy sản xuất cầm chừng. Đó là hệ quả từ thiếu vốn, “hiệu ứng đôminô” khi doanh nghiệp, người nuôi cá, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản ... nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Là hệ quả tất yếu của kiểu kinh doanh “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách”: Hạ giá bán để quay vòng vốn nhanh, dâng cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”, gây bất lợi cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Điều nghịch lý đến kỳ lạ là khi Việt Nam nắm giữ đến 99% thị phần cá tra toàn cầu, giữ thế độc quyền cung ứng cho cả thế giới tiêu dùng cá tra, nhưng lại không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần.
Chính phủ tỏ ra rất quan tâm đến tình hình này. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu Bộ NNPTNT kịp thời nắm tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định đưa cá da trơn chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn vào danh mục thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 để tập trung đầu tư.
Tất nhiên, giải bài toán cá tra không chỉ là việc hỗ trợ người nuôi, mà chắc chắn cần sự tiếp cận đa ngành, từ qui hoạch nghề nuôi, chế biến, tổ chức lại sản xuất, tăng cường quản lý nhà nước về giống, thức ăn và chế biến, xuất khẩu (XK) cá tra. Cần luật hóa những quy định như giá sàn XK, cơ chế đàm phán giá, mức phí XK, sử dụng quỹ phát triển XK, tăng cường hoạt động thực chất của hiệp hội ngành nghề. Yêu cầu bức xúc là cần gói cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết nghịch lý cá tra chứ không chỉ là cách hỗ trợ như “mua tạm trữ” kiểu mua lúa theo thời vụ.
Nhận xét
Đăng nhận xét