ĐINH VĂN QUẾ
Việc xây dựng pháp luật ở nước ta đang từng bước đổi mới, từ khâu soạn thảo đến khi đưa ra Quốc hội thông qua.Tuy nhiên vẫn còn nhiều đạo luật Quốc hội vừa thông qua đã thấy không phù hợp hoặc chồng chéo với các đạo luật khác.
Nguyên nhân có nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa là do cách xây dựng pháp luật (làm luật) ở nước ta chưa hay: Khi cần ban hành một đạo luật thì việc đầu tiên là chọn cơ quan nào chủ trì soạn thảo. Nếu luật đó liên quan đến tiền tệ thì giao cho Ngân hàng Nhà nước; liên quan đến lao động, bảo hiểm, chính sách xã hội thì giao cho Bộ LĐ-TB&XH; liên quan đến văn hóa thì giao cho Bộ VH-TT&DL… Các bộ, ban, ngành khác có liên quan thì phối hợp. Sau khi đã “hòm hòm” thì trình một ủy ban chuyên trách của Quốc hội thẩm định rồi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; nếu thấy được thì đưa ra Quốc hội thảo luận thông qua.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi quy trình xây dựng pháp luật nhưng thay đổi thế nào lại là điều không dễ. Ai cũng biết là nếu để cơ quan chủ quản soạn thảo, cơ quan đó sẽ gắn “cái tôi” trong đó, nhất là đối với các đạo luật có liên quan đến quyền và lợi ích của bộ, ngành đó.
Có những đạo luật do thời gian cấp bách, chưa chuẩn bị kỹ nhưng ban soạn thảo vẫn đề nghị Quốc hội cứ thông qua rồi giao cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn sau! Hệ quả là luật ban hành vẫn phải chờ hướng dẫn mà hướng dẫn thì lâu lắc (đó là chưa nói đến việc giao luật của Quốc hội cho cơ quan hành pháp đi giải thích).
Ở nhiều nước có hẳn một ủy ban soạn thảo dự án luật. Để ban hành một đạo luật, người ta tiến hành theo một quy trình cơ bản như sau: Mỗi khi có yêu cầu ban hành một đạo luật nào đó, ủy ban này “đặt hàng” cho các chuyên gia pháp luật, có thể đặt hàng cho nhiều chuyên gia, mỗi chuyên gia chỉ soạn thảo một chương hoặc một số điều. Một đạo luật được ví như là một đề tài (công trình) khoa học cấp quốc gia, mà ủy ban dự thảo dự án luật là hội đồng nghiệm thu đề tài.
Các chuyên gia được mời soạn thảo dự án luật, phải trả lời được câu hỏi đối với từng vấn đề mà chuyên gia đó nêu trong từng điều khoản của dự án luật: Vì sao quy định như vậy, quy định như vậy thì được hiểu như thế nào?
Nếu dự thảo luật của chuyên gia được nghiệm thu, nội dung các câu trả lời sẽ được coi là văn bản “giải thích chính thức” sau khi dự án luật được ban hành. Khi ủy ban soạn thảo dự án luật có một đạo luật (dự thảo) hoàn chỉnh thì mới trình Quốc hội thông qua.
Khi một đạo luật được thông qua thì đồng thời Quốc hội cũng ban hành văn bản giải thích chính thức, không cần phải hướng dẫn gì thêm, luật dễ dàng đi vào cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu lập pháp ở nước ta đã đi nhiều nơi, đến nhiều nước để học hỏi, nghiên cứu, tham khảo cách làm luật để áp dụng cho nước ta. Tuy nhiên, cử tri và người dân vẫn chưa thấy quy trình ban hành luật của ta được đổi mới; tính chuyên nghiệp chưa cao.
Đã đến lúc không phải đặt vấn đề mà là cần thực hiện việc thay đổi cách làm luật để không còn tình trạng luật nằm trong két sắt, luật nọ chỏi luật kia…
Nhận xét
Đăng nhận xét