(TBKTSG) - LTS: Hiện nay, việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành song song với việc đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp 1992. Trong vai trò là một tờ báo chuyên về kinh tế, TBKTSG sẽ lần lượt đăng tải các ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp này nhìn từ góc cạnh sửa đổi Hiến pháp và con đường phát triển kinh tế của nước nhà. TBKTSG mong nhận được bài vở đóng góp cho chuyên mục này.
Quyền lực nhân dân, hai tiếng đó đẹp đẽ làm sao! Đã có bao nhiêu cuộc cách mạng đổ máu vì mục tiêu lý tưởng này. Cách mạng tháng 8 vĩ đại của dân tộc ta cũng vậy. Tuy nhiên, tại thời điểm này, sau hơn nửa thế kỷ kể từ cuộc cách mạng đó, khi bàn về sửa đổi Hiến pháp, Đảng và Nhà nước lại yêu cầu phải thực thi và bảo đảm quyền lực nhân dân. Tại sao vậy? Nghiên cứu và suy xét, tác giả, với quan điểm cá nhân của mình cho rằng bên cạnh nhiều vấn đề và yếu tố cần lý giải, trong nhận thức, có lẽ chúng ta đã sa vào những ngộ nhận hay hiểu biết thiếu căn bản về quyền lực nhân dân cũng như việc bảo đảm và thực thi nguyên lý này bằng Hiến pháp. Xin mạnh dạn đưa ra ba vấn đề sau đây để cùng bàn luận.
Ngộ nhận thứ nhất: đồng nhất quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước
Tại một phiên họp của Quốc hội hồi tháng 8-2011 bàn về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có đại biểu đã nêu vấn đề cần phải giải mã nguyên tắc “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Câu nói này, bản thân nó đã là một sự phi logic bởi Nhà nước và nhân dân là hai chủ thể và phạm trù khác nhau.
Nhà nước, xét dưới góc độ chủ thể quyền lực, là một bộ máy, còn nhân dân là một cộng đồng các con người cụ thể liên kết với nhau bởi dân tộc, lịch sử và văn hóa. Quyền lực chỉ có thể nắm giữ bởi bộ máy nhà nước bởi nó vừa có “quyền” (lập pháp, hành pháp và tư pháp) lại vừa có “lực” (phương tiện tài chính và lực lượng vũ trang) để thực thi các quyền ấy. Còn nhân dân, quyền lực của họ ở đâu, nếu chỉ duy nhất được nhìn thấy điều đó trong các tình huống cách mạng? Vậy, phải chăng nhân dân không đóng vai trò gì? Không, họ đóng vai trò sống còn, bởi không có “nhân dân” thì không có “nhà nước”. Nguyễn Trãi xưa đã từng ví dân là “nước”, nhà nước là “thuyền”, không có “nước” thì “thuyền” ở đâu? Nói một cách lý luận, nhân dân chính là nguồn của quyền lực nhà nước, hay quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân.
Lý giải điều trên để làm gì? Ý nghĩa ở chỗ sau mỗi cuộc cách mạng dân chủ (lật đổ nhà vua và chế độ phong kiến), người ta thực thi chế độ dân bầu để lập ra chính quyền và lầm tưởng rằng như vậy là có quyền lực nhân dân (tức chế độ dân chủ). Và như thế hầu như không cần làm gì thêm nữa. Bầu cử, về bản chất, không phải là xác lập quyền lực mà chỉ là hợp thức hóa quyền lực, tức bảo đảm tính chính đáng của quyền lực nhà nước. Bởi, sau bầu cử, khi nhà nước được thiết lập xong, rất có thể chính cái bộ máy ấy, dù ở đâu và dưới hình thức nào, sẽ “quay lưng lại” với người dân! Nhà nước như một tổng thể, xét theo quy luật và bản chất tự nhiên, không chống lại nhân dân vì điều đó đồng nghĩa với làm bùng nổ cách mạng. Tuy nhiên, những con người và từng bộ phận của nó thì hoàn toàn có thể làm điều ấy.
Ngộ nhận thứ hai: bỏ quên nguyên lý kiểm soát và cân bằng quyền lực
Nói quyền lực nhân dân, không nên nhầm lẫn với trao hay trả lại cho người dân quyền lực, là cái mà người dân không cần và cũng không thể có. Nhân dân cần các quyền tự do và bởi vì thế, nhà nước được thành lập với một bộ máy có quyền lực để bảo đảm cho nhân dân được tự do. Để có được điều này, và tránh nguy cơ “quay lưng lại” với nhân dân của chính bộ máy nhà nước, người ta không thể chỉ ước muốn hay dựa vào thiện chí của các nhà chính trị. Bởi đó thật sự là một khoa học mới về tổ chức quyền lực và bộ máy nhà nước đã được các vị cha tinh thần của Cách mạng dân chủ Pháp sáng tạo ra từ hơn 200 năm trước, trong đó phát minh quan trọng nhất là nguyên lý kiểm soát và cân bằng quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Ai cũng biết rằng tập trung quyền lực sẽ dẫn đến lộng quyền và tha hóa. Đó không chỉ là khuyết tật cố hữu của một bộ máy mà của chính con người. Đại tá Gaddafi ở Libya đã bị giết chết bởi chính khuyết tật này khi ông ta bị quyền lực làm cho tha hóa đến mức không còn biết sợ gì nữa.
Trên thực tế, kiểm soát và cân bằng quyền lực như một nguyên lý có thể được thực hiện dưới các hình thức phong phú và khác nhau ở mỗi quốc gia và nhà nước.
Điều cần thiết là chia sẻ một nhận thức rằng nếu quyền lực nhà nước không bị giới hạn, kiềm chế và giám sát theo các tiêu chuẩn khắt khe và minh bạch thì nó sẽ không còn sáng suốt và quên đi mục tiêu chính đáng duy nhất: phục vụ nhân dân. Nói điều này để chúng ta cùng liên hệ với câu chuyện thời sự đang làm nóng dư luận, đó là đề xuất của ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải tăng thu các khoản phí xe cộ để giải quyết nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông của mình. Ông bộ trưởng có quyền làm tất cả một khi trong ông còn có nỗi sợ của sự sáng suốt để nhận thức được lợi ích và quyền lực nhân dân!
Ngộ nhận thứ ba: không nhận thức đúng vai trò của nhà nước
Sẽ cần phải làm nhiều điều hơn nữa chứ không chỉ là thiết lập cách thức kiểm soát và cân bằng quyền lực, để đến một ngày mỗi chúng ta có thể tự hào và hạnh phúc nói về quyền lực nhân dân trên thực tế. Một nhà nước có hoàn chỉnh đến đâu về bộ máy cũng không được phạm một sai lầm (còn lớn hơn), đó là xu hướng phình to và phình to mãi đến lấn át và chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Nhớ lại rằng chính Karl Marx, cha đẻ về tư tưởng của Chủ nghĩa cộng sản, đã đề ra nguyên lý nhà nước ngày càng nhỏ dần và thu hẹp (thậm chí biến mất hẳn).
Với các quyền của mình, con người sẽ sống một cách thanh thản và hạnh phúc nhất trong cái được gọi là xã hội công dân. Bởi đó là nơi ra đi và cũng là chốn trở về của bất kỳ ai. Do vậy, cần phải khẳng định và tạo mọi điều kiện để cho các thiết chế của xã hội công dân phát triển. Xã hội công dân không bao giờ đối lập với nhà nước bởi chính nó cần nhà nước che chở, bảo vệ. Xã hội công dân cần tồn tại thông qua các thiết chế (mà hình thức biểu hiện của nó là các hiệp hội) bởi mọi người dân cần hành động một cách có tổ chức, khác chăng đó là các tổ chức do chính họ lập nên và tự quản. Chủ trương xã hội hóa nhiều bộ phận chức năng của bhà nước được Đảng khởi xướng những năm qua đã nằm đúng trong giai điệu tự nhiên của cuộc sống này.
Thay cho lời kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cơ hội để chúng ta nhìn thẳng và luận bàn mạnh mẽ về những vấn đề trên, trong đó có vấn đề: dễ hay khó quyền lực nhân dân?
Nhận xét
Đăng nhận xét