Trần Hữu Hiệp
(LĐ) - Việt Nam hiện có khoảng
550.000 doanh nghiệp (DN). Mỗi năm thành lập thêm khoảng 90.000 DN mới. Đến năm
2015, cả nước ước đạt 1 triệu DN, chiếm tỉ lệ bình quân 85 DN/vạn dân, tăng gần
4,5 lần so với tỉ lệ 19 DN/vạn dân đạt được năm 2005. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ
tịch VCCI - nếu tính cả chủ hộ kinh doanh, cả nước có tới khoảng 5 triệu doanh
nhân, đóng góp 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách, tạo ra 13,5 triệu công ăn việc
làm...
Doanh nhân VN không ít người có lý tưởng và hoài bão lớn
lao, trí tuệ sắc sảo và bản lĩnh vững vàng, thực sự là những người lính trên
mặt trận kinh tế nóng bỏng, được xã hội tôn trọng. Nhưng cái họ đang cần không
chỉ là sự thừa nhận, tôn vinh mà còn là một sự “chính danh”.
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát huy
vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, thanh
niên, phụ nữ, cựu chiến binh... và bằng năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện
của mình đã đưa các nghị quyết ấy đi vào cuộc sống, tạo động lực mới cho sự
nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế
quốc tế hiện nay, thiết nghĩ Việt Nam đang rất cần một nghị quyết chuyên đề nữa
về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết này sẽ
tạo ra quyết tâm chính trị và thống nhất hành động trong toàn xã hội, thúc đẩy
mạnh mẽ sự phát triển của DN, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây sẽ
là một trong những điểm đột phá giúp DN, doanh nhân Việt Nam vượt qua sự hạn
chế về đồng vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý... để vươn lên, đủ
sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Doanh nhân Việt Nam là chủ thể chính của thể chế kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. DN Việt Nam đóng vai trò quyết định
trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế. Ngày nay, hoạt động nghiên
cứu của giới khoa học, lao động xã hội của tầng lớp trí thức, của công nhân và
nông dân đang có xu hướng thiên về phục vụ DN bằng các hình thức “sản xuất hàng
hóa trong nền kinh tế thị trường”.
Nhiều công nhân, nông dân đang phấn đấu trở thành doanh
nhân. Những nỗ lực đưa kiến thức khoa học kỹ thuật, quản trị DN vào trang trại,
đồng ruộng đã hình thành một bộ phận doanh nhân xuất thân từ nông dân. Lực
lượng này đang phát triển và mở rộng, tạo thành xu hướng “doanh nhân hóa nông
dân”. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ nông dân đã “chuyển hóa” thành công nhân,
đặt dưới sự quản lý của doanh nhân. Một nghị quyết chuyên đề về doanh nhân của
Đảng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình nêu trên, tiếp tục làm sáng tỏ những vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ trương thí điểm kết nạp chủ DN tư nhân vào Đảng
và đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Việc triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề này chính là
quá trình tiếp tục tạo ra đội ngũ doanh nhân mới, có khát vọng làm giàu, tầm
nhìn xa, kỹ năng quản trị kinh doanh chuyên nghiệp, có bản lĩnh, thông thạo
kinh doanh trong nước và quốc tế, đảm bảo cho DN và nền kinh tế Việt Nam có
năng lực cạnh tranh cao. Phát huy sức mạnh của doanh nhân, gắn doanh nhân với
sự phát triển của đất nước, dân tộc là yêu cầu khách quan của thời kỳ mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét