Bài 1. Không phải chuyện riêng của Hậu Giang
Bài trên báo LAO ĐỘNG ngày 29-5-2012
Trần Hữu Hiệp
Hậu Giang là 1/8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có sản lượng cá tra (CT) lớn, chiếm 40% sản lượng thủy sản của tỉnh. Sốt ruột trước tình hình bất ổn đối với CT, ngày 24.5 tại TX.Ngã Bảy, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tọa đàm “Hợp tác và phát triển CT” để người nuôi cá, doanh nghiệp (DN), chính quyền và các viện, trường gặp gỡ, trao đổi nhằm giải quyết khó khăn hiện tại, tìm hướng đi mới cho nghề nuôi CT. Nhưng vấn đề đang đặt ra không phải trong phạm vi một tỉnh mà là yêu cầu liên kết vùng và liên kết các DN chế biến, xuất khẩu CT Việt Nam.
Phía sau một kỳ tích
Từ giống cá trôi sông ở ĐBSCL, con CT đã vượt biên giới quốc gia đến hơn 136 nước và vùng lãnh thổ, vào các siêu thị sang trọng, lên bàn ăn của các đại gia khắp các châu lục, đánh gục những con cá nheo Hoa Kỳ qua vụ kiện “bán phá giá CT, cá basa” nổi tiếng thế giới. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu CT đã tạo ra kỳ tích. Sản lượng tăng hơn 50 lần, kim ngạch xuất khẩu hơn 65 lần, chiếm 99% thị phần CT, cá basa toàn cầu. Với hơn 5.000ha mặt nước, đã tạo ra 600.000 tấn, hơn 1,8 tỉ USD giá trị xuất khẩu CT năm 2011, góp khoảng 2% GDP cho quốc gia; tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và “lao động phụ trợ” khác.
So với sản xuất lúa gạo, sản xuất CT có giá trị hơn nhiều. Xuất khẩu 1 tấn gạo chỉ khoảng 400 - 500 USD, tức 1 ký gạo thu từ 0,4 - 0,5 USD. Trong khi 1 ký fillet CT 3 - 4 USD, hơn gần 10 lần. Nông dân nuôi CT năng suất cao, 1ha mặt nước đạt năng suất 3 - 4 trăm tấn, coi như đứng đầu thế giới. Về mặt dinh dưỡng học, ngành này đang đáp ứng xu thế ẩm thực mới, cung cấp lượng thịt trắng được ưa chuộng.
Nhưng đằng sau ánh hào quang của loài “đế ngư” đặc hữu vùng sông nước Mekong này là thách thức mới trước yêu cầu phát triển bền vững. Đường bơi trồi sụt của “kình ngư” dường như đang lặp lại lịch sử của năm 2008, từng làm người nuôi lao đao, sản xuất chế biến đình đốn. Chính phủ phải thực thi “Chiến dịch giải cứu CT”. Các nhà hoạch định chính sách giựt mình bắt tay làm qui hoạch vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu cho con cá mà nhiều năm trước đó hầu như để mặc cho nó bơi. Lịch sử đã tái diễn, nhưng lần này còn đáng lo ngại hơn khi nguy cơ chực chờ cảnh “chết chìm” của nhiều DN, làm đỗ vỡ một ngành kinh tế vừa tỏa sáng ánh hào quang. Từ đầu năm 2012, giá CT liên tục sụt giảm, gần đây tuy có nhích lên chút ít, nhưng chỉ cần tính rợ theo kiểu nông dân, người nuôi đã phải chịu lỗ ngay trong ao nhà. Cảnh “treo ao”, nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc cho công nhân nghỉ việc diễn ra thường xuyên. Nhiều DN chế biến, xuất khẩu đang trong cơn “lâm nạn”, đã lộ diện những DN không đủ sức gồng mình gánh nợ, bên bờ vực phá sản. Giới quan sát “kiểm đếm” hiện đang có khoảng 70% DN thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất. Dư luận đang rất quan tâm và lo ngại về tương lai nghề nuôi CT vốn nổi tiếng thế giới hơn thập kỷ qua.
“Nhà độc quyền” bị lệ thuộc
Cảnh khốn đốn của ngành kinh tế CT được nhận diện là do giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, “hiệu ứng đôminô” lây lan khi DN, người nuôi cá, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Ngoài ra, con CT vẫn đang đứng trước nguy cơ bị một số tổ chức, quốc gia dọa bằng các chiêu bài “đút vào, rút ra” danh sách “khuyến cáo người tiêu dùng”, hạn chế hay cấm nhập khẩu như họ đã làm mấy năm trước đây. Điều kỳ lạ là Việt Nam đang nắm giữ 99% thị phần CT toàn cầu, xét về mặt kinh tế học, ta đang nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm đặc hữu này cho cả thế giới. Thế nhưng “nhà độc quyền” lại không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần!
Đi tìm lời đáp, thực tế đã lộ diện. Từ hệ lụy do phát triển nóng ngành CT, thiếu qui hoạch, mạnh ai nấy làm mấy năm trước. Nay trong cơn khát vốn, nhiều DN xuất khẩu làm ăn chụp giựt, đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán CT với giá thấp để có tiền xoay vòng. Đó là cái cách “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách”. Chính điều này đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”. Và giá trần liên tục hạ theo chiều hướng gây bất lợi cho ngành xuất khẩu CT Việt Nam.
Để “kình ngư” tiếp tục đường bơi mới trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức này, cần đưa CT trở lại bầy đàn để vươn xa.
Nhận xét
Đăng nhận xét