Thứ Sáu, 04/05/2012, 07:25 (GMT+7)
TT - Khó cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước, cần cai bệnh “nghiện” đầu tư từ ngân sách, chống lợi ích nhóm... là nội dung các chuyên gia kiến nghị trong hội thảo về tái cơ cấu do Viện Kinh tế VN tổ chức ngày 3-5.
Cả nước hiện có 260 cảng biển, thế nhưng tại nhiều địa phương vẫn triển khai quy hoạch xây dựng cảng mới. Trong ảnh: tàu chở hàng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Đông Hà |
Đặc biệt, nhiều quan điểm đồng tình Quốc hội cần có bộ máy thúc đẩy tái cơ cấu, giúp vượt lên sức ì hệ thống hiện tại...
"Cần giảm chức năng “nhà nước kinh doanh” mà cần tăng chức năng “nhà nước phúc lợi”. Đồng thời dứt khoát đoạn tuyệt với cơn nghiện đầu tư công nhằm đạt tốc độ tăng trưởng"
Ông VŨ TUẤN ANH (Viện Kinh tế VN)
Mỗi tháng lập hai trường ĐH
“Đột kích” thực tế dàn trải trong đầu tư công, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, trích dẫn báo cáo của chính các cơ quan nhà nước cho thấy một nền kinh tế với GDP mới đạt 130 tỉ USD mà VN đang có tới 100 cảng biển. Còn nếu dễ tính trong phân loại, VN có tới 260 cảng biển. Cùng phong trào làm khu công nghiệp, ông Thiên cho biết VN đã có 18 khu kinh tế ven biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, hơn 650 cụm công nghiệp... Cho rằng các tổ chức công nghiệp đó rất “li ti”, ông Thiên đánh giá dù thành lập trên bất cứ chuẩn mực nào thì đều cho thấy sự dàn trải, phân tán và lãng phí.
Một biểu hiện của đầu tư lãng phí nữa, theo ông Thiên, là trong mười năm (2001-2010) VN đã thành lập thêm tới 233 trường đại học, cao đẳng. Tính ra mỗi tháng VN thành lập thêm hai trường. Theo ông Thiên, càng đầu tư, tình trạng chia cắt, cát cứ trong nền kinh tế VN càng rõ nét.
Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nêu thực tế địa phương nào cũng muốn có đài truyền hình, sân bay, trường đại học và hướng tới là muốn có tất cả... Chỉ lên tấm bản đồ VN, ông Doanh đánh dấu chi chít sân bay, cảng biển. “VN đang xây dựng và mở rộng 22 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế, 22 cảng biển quốc tế” - ông Doanh cho hay. Ngoài ra, hiện chỉ có tỉnh Gia Lai không có trường đại học, còn lại tính trung bình mỗi tỉnh của VN có tới sáu trường đại học, cao đẳng...
Về hiệu quả đầu tư, theo ông Doanh, khu vực nhà nước cần 7,8 đồng mới đạt 1 đồng tăng trưởng. Điều nghịch lý đang tồn tại là mặc dù hiệu quả thấp nhưng đầu tư của khu vực nhà nước vẫn được ưu tiên với tỉ lệ rất lớn. Về “địa chỉ” được Nhà nước tiêu tiền, theo ông Doanh, cũng cần xem lại. Từ năm 2000-2009, Nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực kinh tế tới trên 73% vốn đầu tư nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực xã hội liên quan đến sự phát triển con người lại giảm từ 17,6% năm 2000 xuống 15,2% năm 2009. Đầu tư cho quản lý nhà nước những năm gần đây đang được tăng lên. “Đầu tư công phải ưu tiên cho người dân. Vì vậy đầu tư nhà nước cần được định hướng lại. Nhà nước chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực tư nhân không muốn làm, nếu không sẽ chèn lấn, khu vực khác khó có thể đầu tư thêm” - ông Doanh nói.
Nên có Luật đầu tư công
Về giải pháp, ông Doanh đặt câu hỏi về trách nhiệm: “Nói địa phương làm sân bay, cảng biển nhưng tất cả đều do trung ương quyết đó chứ?”. Dẫn ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phải khắc phục tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm, ông Doanh đề nghị phải tập trung vào nội dung này để chống lãng phí: “Đầu tư công ở VN như miếng bánh, được trao đi đổi lại giữa trung ương, như dầu mỡ bôi trơn cho các mối quan hệ”. Ngoài ra, theo ông Doanh, đầu tư công là sản phẩm của thể chế, nên muốn cải cách phải cải cách thể chế, chính sách.
Đặt vấn đề mối quan hệ giữa đầu tư công và nợ công, TS Vũ Đình Ánh nêu quy định VN đang đi vay cả trong nước và nước ngoài để đầu tư và nợ công của VN đang ngày càng lớn. Nợ nước ngoài thì ngày càng tăng và mấy năm gần đây tăng rất nhanh, chi trả nợ bình quân đã chiếm 12-15% tổng chi ngân sách của VN.
TS Võ Đại Lược, Viện Kinh tế chính trị thế giới, nêu thực tế VN đang phân quyền cho địa phương quá lớn, họ được làm cả quy hoạch, quyết dự án... khiến VN như có 63 nền kinh tế của 63 tỉnh thành. Ông Lược cho rằng nếu cứ phân cấp quá mạnh cho địa phương như hiện nay thì tạo sự phân tán, lãng phí, khó có hiệu quả. Ông Lược đề nghị VN phải soạn Luật đầu tư công theo đúng thông lệ quốc tế. Cụ thể, ông Lược chỉ rõ cần tham khảo Luật đầu tư của Singapore, Hàn Quốc...
Ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế VN, khuyến nghị để cải cách đầu tư công, trước tiên cần quán triệt tư duy phải tiết kiệm chi tiêu công để cân đối ngân sách. Để hạn chế lợi ích nhóm, những mục tiêu đầu tư công cần được xác định rõ ràng. Tiếp theo, cần thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và công khai các chương trình, kế hoạch đầu tư trong năm và giai đoạn năm năm.
Cần phân loại đối tượng DN
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, khẳng định tái cơ cấu DN nhà nước sẽ là vấn đề khó nhất trong tái cơ cấu lần này vì 30 năm qua, cái không “tái” được chính là DN nhà nước. Ông Nam nhận định ngày xưa “tái” DN nhà nước đã khó, nay sẽ còn khó hơn vì sau lưng có lực lượng hùng hậu ủng hộ và vấn đề lợi ích ngày nay lớn hơn xưa rất nhiều. Ông Nam cho rằng cái giá lớn nhất là từ các biện pháp không kiên quyết tái cơ cấu DN nhà nước khiến khu vực này luôn nghĩ Nhà nước không bao giờ dám bỏ họ nên việc gì họ cũng làm, gây nhiều thiệt hại rất lớn.
Theo GS Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, các DN nhà nước đang chiếm tới 60% vốn tín dụng ưu đãi, được hưởng vốn viện trợ phát triển (ODA) một cách rộng rãi nhưng hiệu quả vẫn không cao. Vì vậy cần phân loại, giảm bớt số lượng DN nhà nước mà Nhà nước chiếm 100% vốn. Qua kinh nghiệm từng làm ở Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông Thái đề nghị Thủ tướng không nên tiếp tục giữ vị trí trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty mà nên là trọng tài cuối cùng để xử lý hành chính, không đi vào quyết định sự vụ. Để thúc đẩy cạnh tranh, theo ông Thái, cần xếp hạng cạnh tranh cho DN nhà nước, công khai thông tin này...
Ông Nguyễn Quang Thái “chốt” bằng nhận xét: “Ai cũng nói tái cấu trúc nhưng có vẻ còn đồng sàng dị mộng, mỗi người nghĩ một hướng”. Vì vậy, do tái cơ cấu rất hệ trọng, Quốc hội nên có nghị quyết đặc biệt để tạo bộ máy thực thi liên ngành, vượt trên những quy định, hệ thống hiện tại. Theo ông Thái, cải cách nào cũng phải vượt lên cái cũ, nếu cứ giữ hệ thống cũ sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị làm rõ xem trong 12 tập đoàn có tập đoàn nào không cần tái cơ cấu. Ông Phúc hé mở một hướng ra quan trọng khi cho biết ngay nhiều vị lãnh đạo cũng đã nói “trong 12 tập đoàn, không nhất thiết tất cả đều là tập đoàn nhà nước”.
Đầu tư công ngày càng kém hiệu quả
Với cách đầu tư như hiện nay, TS Lê Đăng Doanh nêu số liệu khẳng định đầu tư công của VN có dấu hiệu ngày càng kém hiệu quả: Giai đoạn 1991-1995, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP của VN chỉ ở mức 28,2% nhưng đất nước đã đạt tăng trưởng 8,2%. Giai đoạn 2006-2010, đầu tư toàn xã hội lên đến 42% GDP nhưng tăng trưởng chỉ 6,9%. “Ta đang đi vào mâu thuẫn về việc đầu tư càng cao thì tăng trưởng càng giảm” - ông Doanh nói.
CẦM VĂN KÌNH
Nhận xét
Đăng nhận xét