(Dân Việt 17/06/2013) - Ông Trần Hữu Hiệp (ảnh) – Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có nhận định như trên khi trao đổi với NTNN về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án (ĐA) đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008. Theo ông, cần làm gì để vực dậy đời sống nông dân (ND)?
- Điều quan trọng của việc triển khai ĐA là làm sao giải được bài toán lợi nhuận cho ND. Phải đặt vấn đề người ND là chủ thể chính. Cần xác định hết sức rõ ràng trên phương thức kinh doanh nông nghiệp, từ đó mới từng bước giải được bài toán lợi nhuận cho người dân.
Tập quán lâu nay của chúng ta là sản xuất chỉ chạy theo sản lượng, không chú trọng đến thị trường dẫn đến người sản xuất không tự định đoạt được giá bán, đầu ra bấp bênh. Vì thế, ĐA tái cơ cấu nông nghiệp cần phải giải được bài toán này, kết nối cho được sản xuất với thị trường, có như vậy mới từng bước vực dậy đời sống ND.
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, nhưng đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, theo ông cần có giải pháp hữu hiệu gì để tháo gỡ “điệp khúc” này?
- Hai thách thức lớn đang đặt ra đối với ND ĐBSCL cần được giải quyết bằng sự tiếp cận đa ngành. Một là, từ tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu từ thượng nguồn sông Mekong gây khô hạn, cùng với nhiều tác động tiêu cực khác của thị trường nông sản. Hai là, nội tại nền sản xuất nông nghiệp đang chuyển từ “tăng lượng” sang “đổi chất” còn nhiều bất cập. “Thách thức kép” như “hai gọng kìm” mà ĐBSCL cần phải thoát ra nếu muốn giữ và phát huy vị thế của một trung tâm trong mạng lưới sản xuất nông sản toàn cầu.
Đứng về góc độ chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, ông có những kiến nghị hay những giải pháp gì để giúp cho nền kinh tế ĐBSCL phát triển một cách bền vững?
- Chúng ta phải tăng cường liên kết vùng để gia tăng giá trị hàng hóa. Liên kết vùng ngoài việc khắc phục các nhược điểm hiện nay khiến chúng ta chưa phát huy hết các tiềm năng và lợi thế, thì còn tính đến “liên kết 4 nhà” và sự đồng thuận của chính quyền 13 tỉnh, thành trong vùng. Về sản xuất lúa gạo, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: Ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa gạo, tổ chức và liên kết sản xuất và giải pháp thị trường.
Về cây ăn quả, sẽ xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ thông qua giải pháp tham gia 4 nhà, liên kết các viện- trường nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ theo chuẩn GAP, mô hình công nghệ sau thu hoạch… Còn con cá da trơn tập trung 3 nhóm giải pháp cơ bản là thông tin kinh tế, thị trường và sản xuất; quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua mô hình liên kết sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu, phát triển chuỗi cung ứng qua liên kết vùng…
Đức Khánh (thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét