Chuyển đến nội dung chính

THƠ VUI BẢO SINH

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Ông Nguyễn Bảo Sinh
Ông Nguyễn Bảo Sinh
Tôi gặp Bảo Sinh (Nguyễn Bảo Sinh) ở quán bia Bầu Bạn, ông đang đọc thơ vui cho mấy người bạn nghe. Câu thơ nào của ông cũng làm mọi người phá lên cười. Mấy em “chân dài” thì cười đỏ mắt khi nghe câu:
Em dại tụt quần quá nhanh
Nếu mà tụt chậm em thành phu nhân.
Tôi nói đùa: Thơ ông mà dự giải Nobel chắc chắn đoạt giải liền. Ông tủm tỉm đọc:
Nghe phò đọc thuộc thơ ta
Sướng hơn được giải gọi là Nô-ben.
Đoàn Tử Huyến đọc nối vào 2 câu Bảo Sinh chưa kịp đọc:
Làm thơ được tử tù khen
Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu rùa.
Lại cười, vì thấy mấy em chân dài vừa cười vừa nhìn xuống phía bụng dưới.
Tôi lại nói: Anh cứ làm mãi thơ kiểu này thì tên anh càng ngày càng to đấy… Bảo Sinh bảo, to nhỏ gì đâu, mình làm thơ chỉ để quảng cáo cho cái nghề nuôi chó của mình thôi mà. Rồi ông đọc tiếp:
Làm thơ nuôi chó chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà.
Thì ra là thế thật? Bảo Sinh giải thích: Chả là mình mê chó mèo, nuôi chó, chăm chó mèo rồi làm khách sạn 5 sao cho chó mèo ở, lại làm cả nghĩa trang chó mèo nữa. Mình làm thơ chẳng qua chỉ để PR cho thương hiệu “Sinh chó mèo” nổi tiếng. Nổi tiếng để khách người ta biết mà tìm đến với “Khách sạn chó mèo”.
Nghĩa trang chó mèo
Nghĩa trang chó mèo
Tôi theo ông về ngõ 167 Trương Định thấy hiện tấm biển “Vương Quốc chó mèo – Resort Chó Mèo Bảo Sinh”, với chiếc cổng mô phỏng cổng Ô Quan Chưởng được xây rất đẹp. Ông bảo mẹ ông ở Ô Quan Chưởng. Qua cổng, thấy bên trái hiện ngay một khách san 5 tầng rất đẹp, nơi đây có những căn phòng dành cho chó, mèo, có căn phòng làm shop thời trang, các dụng cụ đồ dùng, thuốc thang, nước hoa cho… chó mèo. Thì ra rất nhiều người nuôi chó mèo đã chọn đây làm nơi gửi chó, điều trị bệnh và mua sắm cho con vật yêu quý.
Lễ cầu siêu chó mèo
Lễ cầu siêu chó mèo
Cả một khu đất khoảng 2.000 mét vuông, cây lá um tùm giữa lòng Hà Nội là khuôn viên thơ mộng của Bảo Sinh. Ở đây ngoài khu nhà ở, khách sạn chó mèo còn có hồ nước dựng tượng Quan thế âm Bồ tát, tượng chủ nhân Bảo Sinh và một nghĩa trang dành cho chó mèo… Ông coi chó mèo cũng có linh như người, và cả đời gắn bó với chúng.
Nhiều khách hàng đến đây mua chó mèo, gửi chó mèo, mua các vật dụng, thời trang, thức ăn, thuốc thang cho chó mèo, trong đó có không ít khách ngoại quốc.
Và hơn nữa, Bảo Sinh chủ trương “Thơ – Đạo”, trong đó có “đạo chó mèo”. Nhiều tập thơ “Huyền Thi” của ông được phô tô đóng thành quyển nhỏ bằng bàn tay, bìa vàng chỉ để tặng bạn bè và khách hàng.
Nhiều câu thơ được truyền tụng trong dân gian là của Bảo Sinh. Ví dụ: “Ra đường sợ nhất công nông – về nhà sợ nhất vợ không nói gì” hay “Vợ là cơm nguội nhà ta – Lại là phở tái thằng cha láng giềng”.
Ngày xuân, mời bạn dạo qua vườn thơ của Bảo Sinh để thưởng thức những hương vị đặc sắc của Niềm Vui.
Bảo Sinh và Nguyễn Trọng Tạo
Bảo Sinh và Nguyễn Trọng Tạo

THƠ BẢO SINH

Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?…
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang
Những cái nghĩ mãi mới ra
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chăn bồ còn khổ hơn trâu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Mặt tôi như thể con trâu đang cười.
Vợ là cửa cái
Bạn gái là cửa sổ
Càng nhiều cửa sổ càng sang
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra
Vợ là cửa cái nhà ta
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng
Bịt tai
Muốn bịt hết miệng trần ai
Hãy bịt ngay chỗ cái tai của mình
Chúc nhau
Mời nhau ăn tiệc ăn nằm
Mấy ai khao bạn bữa ăn khí trơi
Chúc nhau chúc đủ mọi lời
Mấy ai chúc bạn thành người tốt hơn
Nghĩ và lo
Nghĩ về con kiến nó bò
Chẳng lo về nỗi con bò trắng răng
Nghĩ về cái đẹp ánh trăng
Đừng lo thằng Cuội, ả Hằng với nhau
Tại sao
Trẻ thơ mở trí nhìn đời
Cho nên luôn hỏi những lời: Tại sao
Nhiều người nhắm mắt ra vào
Nhờ người dắt hộ, “Tại sao?” Không cần
Thơ
Khi ngồi tên lửa lên trời
Làm thơ lại kém cái thời cưỡi trâu
Khỏa thân
Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khỏa thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người
Nhân duyên
Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc, hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên
Thảnh thơi
Trong trần ai có mấy nơi tĩnh mịch
Trong lòng mình có mấy lúc thảnh thơi
Lúc thảnh thơi gặp nơi tĩnh mịch
Là khi mình thấy cả đích trước sau
Tri âm
Mới yêu nhìn đã tri âm
Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng tây
Nói toàn ngoại ngữ với nhau
Không người phiên dịch ngẫm đau nhân tình
Độc thân
Những người quyết chẳng lấy ai
Là người chỉ quyết một hai lấy mình
Tương tư trong mọi mối tình
Là tương tư chính bóng hình của ta
Ly thân
Vì yêu tha thiết con người
Cho nên mới lánh về nơi không người
Quạnh hiu ngay giữa đất trời
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương
Thầy bói xem voi
Chỉ sờ một chỗ mà thôi
Thầy bói định nghĩa được voi là gì
Nếu hiểu đủ lẽ huyền thi
Sẽ không định nghĩa được gì về voi
Hiện hữu
Nghĩ về em, anh là nhà triết lý
Cảm về em, anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu, em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ, mà hiện hữu
Vu vơ
Yêu và ghét đều giống nhau
Lý do đừng hỏi trước sau làm gì
Chỗ đến là chỗ để đi
Lý do yêu ghét không gì khác nhau
Cố tình
Chùa to Phật có to đâu
Phải chi tốt lễ dễ cầu Phật thương
Cố tình đốt quá nhiều hương
Khói xuống Âm phủ, Diêm Vương phạt tiền
Cội nguồn
Hòa mình vào với thiên nhiên
Hồn tan theo gió lướt trên thiên đường
Cội nguồn của mọi yêu thương
Mà sao vẫn vắng thân thương trong lòng
Hữu tình
Trời xanh xanh biếc vô tình
Cho nên trời chẳng như mình già đi
Vô tình trẻ mãi làm chi
Hữu tình dù có già đi cũng tình
Vô tình
Yêu như ngọn gió thổi chơi
Bỗng dưng thổi dạt hai người vào nhau
Yêu đừng hẹn trước thề sau
Khi yêu mới biết mình đâu của mình
Tuyệt đỉnh
Tuyệt đỉnh vinh quang tận cùng cay đắng
Khi quay nhìn không một bóng thân thương
Đành ôm trong lòng một vầng trăng khuyết
Để nhớ về những giấc mộng đế vương
Thua
Tiến lên vào cái ống đời
Sao bằng lùi lại giữa trời thảnh thơi
Vật nhau trong cái ống đời
Sao bằng thua cuộc về ngồi ngắm mây
Đạo vợ chồng
Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ diều trong tay
Đừng già néo, kẻo đứt dây
Thả chùng xuống, để diều bay đúng tầm
Chôn hoa
Người thường thấy cánh hoa rơi
Hai chân di nát không chơi hoa tàn
Mấy ai khóc mộ hồng nhan
Mấy ai gom cánh hoa tàn để chơi
Tù tại tâm
Bước vào một chốn lao tù
Mắt nhìn không thấy, tay sờ không ra
Tù trong bộ não của ta
Cửa mở mà chẳng biết ra lối nào
Bể khổ
Đời là bể khổ mênh mông
Sao ai cũng
muốn sống trong bể đời
Quy tiên là được lên trời
Sao ai cũng muốn sống đời trần gian
Đá bóng
Trong vạn biến có một điều bất biến
Đội chủ nhà không đoạt cúp FIFA
Trước 7 tỉ người trọng tài gian dối
Thì trách gì lời nói giữa đôi ta
Cực lạc
Tây trúc nào biết ở đâu
Cực lạc chỉ ở trong câu thơ này
Trông lên mình chẳng bằng ai
Trông xuống lại thấy chẳng ai bằng mình
Ngũ thập tri thiên mệnh
Thân còn nằm dưới mái nhà
Hồn tri thiên mệnh thăng hoa giữa trời
Như sen nằm dưới bùn đời
Vươn lên mặt nước giữa trời nở hoa
Vợ
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn
Chồng
Chồng là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Chồng là thiên tạo trần ai miễn bàn
Con
Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con
Vô cớ
Vô cớ mua dây buộc mình
Thì đành nhờ cái vô tình gỡ ra
Tự nhiên buồn đến với ta
Tự nhiên buồn sẽ đi ra khỏi mình
Đôi ta
Tuy kiếp trước không duyên nhưng nợ
Nên đôi ta thành vợ thành chồng
Bao giờ hết nợ tơ hồng
Trời cho đôi lứa mặc lòng yêu ai
Phía trước
Bọ ngựa rình bắt ve sầu
Biết đâu chim sẻ đằng sau bắt mình
Mải tìm danh lợi, gái xinh
Biết đâu cái họa đang rình bắt ta
Thừa
Dạy đĩ vén váy làm gì
Phò mã tốt áo khen chi thêm thừa
Thế gian tranh cãi thắng thua
Vô ngôn trời chẳng nói thừa một câu
Tự trào
Lã Bất Vi buôn cả vua
Hồ Xuân Hương chửi cả chùa lẫn sư
Bọn họ gan lớn mật to
Còn ta gan bé nằm lo sập trời
Cảm ơn
Đừng trách đời làm khổ ta
Ta làm khổ họ gấp ba bốn lần
Nên khi nhắm mắt lìa trần
Chỉ xin được nói một lần: Cảm ơn!
Tự bạch
Làm thơ nuôi chó chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà
Vô đề 1
Mỗi người là bộ kinh vô tự
Khi xuất thần mới hiện thành chữ
Cũng chỉ ai nhập thần mới đọc được
Vô đề 2
Biết mà chẳng nói được lên
Huyền thi đặt hộ cái tên cho đời
Những điều nói ở cõi người
Huyền thi chép lại thành lời chân kinh
Vô đề 3
Người ghi bia đá để đời
Còn ta bia trắng để người tự ghi
Thiên tài và Người điên
Thiên tài cùng với thằng điên
Khác nhau chỉ một đường biên mơ hồ
Mặt nạ-mặt thật
Bà mụ đã nặn thành ta
Cuộc đời nặn lại hóa ra thế này
Thợ làm mặt nạ khéo tay
Thua xa mặt thật đời bày khắp nơi
Chốn lãng quên
Dù đi cuối đất cùng trơi
Chẳng mơ thấy được đúng người đúng tên
Thôi đành về chỗ lãng quên
Mới mong gọi được đúng tên đúng người
Vô đề 4
Ta như mây trắng giữa trời
Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay
Vô đề 6
Muốn đừng để đời chửi ta
Thì đừng cố bắt người ta khen mình
Vô đề 11
Cung phi ngủ với con trời
Chứ đâu ngủ với cái tôi của mình
Càn Long rời bỏ cung đình
Để đi tìm những mối tình không vua
Vô đề 14
Hoàng đế khi đã ngồi tù
Cai ngục chỉ gọi là đồ phạm nhân
Đã vào đến động mại dâm
Ông lão cứ được gọi nhầm là anh
Kín-hở
Có hở thì mới biết che
Nếu mà bịt hết còn nghe thấy gì
Sách đỏ
Diệt hết sinh vật của trời
Chắc chắn sách đỏ tên người được ghi
Vô đề 17
Hiện đại mà không thiên nhiên
Loài người sẽ tới chỗ điên chỗ khùng
Thiên nhiên hoang dã tận cùng
Loài người cũng đến chỗ khùng chỗ điên
Đường lên Tây trúc
Đường lên Tây Trúc quanh co
Chỗ rẽ không biển báo cho rõ ràng
Nhiều khi tưởng đến thiên đàng
Xuống nhầm địa ngục, nghĩ càng đớn đau
Thay lời tựa
Tôi tu với vợ tại gia
Vợ dài dằng dặc đâu là bến mơ
Khi tình khi ý cùng thơ
Đường trơn gánh thực, gánh hư trĩu đầy
Nằm mơ trên tấm thân gầy
Gánh vàng đi đổ lấp đầy sông mê
Văn đâu tải đạo, văn là đạo
Nước đâu chở sóng, nước là sóng
Đò ngang
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang
Như ý
Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muốn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như
Tất cả những cái tồn tại dường như hợp lý
Tất cả những cái hợp lý dường như tồn tại
Như ta
Cho ta về chỗ gió mưa
Cho ta về chỗ có trưa có chiều
Về nơi có ghét có yêu
Nắng, mưa, yêu, ghét sớm chiều như ta
Như như
Tạo hóa tạo ta chơi
Ta chơi trò tạo hóa
Hợp tan mây thành đá
Nhật nguyệt hóa như như
Đôi bờ
Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sóng chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời
Chợ âm dương
Buông thõng hai tay đi vào chợ
Họa phúc mua đều có hóa không
Sinh tử bán rồi đời hết nợ
Buông tay đi suốt chợ âm dương
Gái quê
Lên tỉnh ai cũng bảo quê
Về làng cả xóm lại chê thị thành
Xót xa thân phận, thôi đành
Nửa quê nửa tỉnh chòng chành thân em
Hoa cau thơm ngát hương cau
Chúng mình mơ đổi thành nhau làm gì
Thời
Nhân gian trong một chữ thời
Kẻ nào đi trước thành người đến sau
Sao cho vẫn cứ cùng nhau
Vừa đi được trước, vừa sau mọi người
Lời sống
Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông
Vô vi quán
Vô vi quán, quán vô vi
Vào trong xem thử có gì mua chơi
Ở đây bày cả đất trời
Vô vi quán chỉ mời người chân không
Vô vi quán, quán vô vi
Khách chân không thấy cái gì cũng mua
Túi càn khôn, chớ có đùa
Chân không chứa đủ cả vua lẫn trời
Vô vi quán, quán vô vi
Quán không nên chẳng có gì bán mua
Buồn đem tạo hóa ra đùa
Kinh vô tự
Gió chẳng đường đi mà cũng đến
Mình không cầu nguyện bỗng nhiên sinh
Mỗi người là bộ kinh vô tự
Sao còn tụng niệm tự vô kinh
Tiền
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm
Thở
Hít vào đủ khí đất trời
Thở ra cho hết những hơi hít vào
Không nợ trời đất chút nào
Thân ta thành cửa ra vào thiên nhiên
Thời gian
Kẽ hở pháp luật lẽ hằng
Thời gian mới thật công bằng mà thôi
Dù là vua chúa phật trời
Mỗi năm thêm một tuổi đời như ta
Thông
Làm thông ngay giữa kiếp người
Làm người lại đứng giữa trời như thông
Lá reo tiếng hạc từng không
Vi vu nào biết là thông hay người
Người thường bàn chuyện ngu xưa
Mấy ai bàn chuyện bây giờ đâu hơn
Quân bình
Đứng núi này trông núi nọ
Đứng núi nọ trông núi này
Nhìn giữa hai núi mới hay
Mỗi chân một núi hai tay quân bình
Bình thường là thường quân bình
Tầm thường là lẽ thường tình bình quân
Ta như quả lắc quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình
Chân lý
Cả cuộc đời đi tìm chân lý
Mới hiểu mình là lý của chân
Chúa hình người, sa tăng hình quỷ
Phật thiêng liêng vì phật tại tâm
Yêu
Yêu không đo được ít nhiều
Yêu là chẳng hiểu tình yêu thế nào
Thiên thai mở khóa động đào
Yêu là cõi phúc buộc vào dây oan
Nhà đâu
Nhà mình bảo bãi tha ma
Quán trọ lại nhận đây là nhà ta
Vào nhà lại bảo rằng ra
Đến trọ lại bảo rằng ta về nhà
Lên chùa
Vào chùa lễ phật thấy sư
Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng
Miệng cầu sắc sắc không không
Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi
Nhân cảnh
Ngồi nhìn non bộ đứng im
Ngắm cá trong chậu xem chim trong lồng
Cây si bẻ quặt uốn cong
Còn mình tự nhốt vào trong lẽ đời
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông
Nhẫn cưới
Trao nhau nhân cưới ước mong
Đeo vào bỗng hóa thành vòng kim cô
Lại mong lại ước lại chờ
Tháo ra rồi lại ước mơ đeo vào
Nếu yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích hóa thành thần tự do
Tự hóa
Hữu hình hóa cái vô hình
Kiếp này là mộng khi mình chưa sinh
Vô hình hóa cái hữu hình
Kiếp này là mộng của mình kiếp sau
Tự sinh
Trời đất phải sinh ra ta
Nếu không sao được gọi là hóa công
Vào ra trời đất mênh mông
Thân ta là chỗ hóa công ở nhờ
Vì đời có được cái tên
Cho nên mới có Phật, tiên, và người
Vì đời có chữ có lời
Cái danh mới nhốt được người vào trong
Tự hiểu
Nếu mình tự hiểu được mình
Trương Chi đâu có thất tình Mị nương
Nếu mình tự hiểu quê hương
Thì Từ Thức chẳng lạc đường trần gian
Thiên nhiên
Nếu không có trái đất
Mình lơ lửng thành tiên
Nếu không có xã hội
Mình trở thành thiên nhiên
Cứ đi
Mình không chỗ đứng trên đời
Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu
Thì đi về chỗ bắt đầu
Cứ đi không đến về đâu thì về
Thiền
Thuyền riêng ngoài giáo, giáo trong riêng
Không ghi văn tự, tự trong thiền
Chỉ thẳng vào tâm, tâm vô trụ
Thấy tâm thành phật, phật huyền huyền
Con chuột
Con chuột mắc phải sai lầm
Khi rơi vào bẫy chẳng ăn miếng mồi
Nhiều người cũng vậy mà thôi
Rơi vào sinh tử, chỉ đòi thoát ra

Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Tôi đi thủy tận sơn khê
Chữa cho người ngộ ta mê thật rồi
Thực hư
Kinh đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khóa cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm
Không không
Phải vào mới thấy lối ra
Phải yêu mới biết đâu là không yêu
Tìm ai suốt cả bốn chiều
Rồi ra mới biết bốn chiều đều không
Tâm nhàn
Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
Tâm nhàn hơn mây chi
Tu tại chỗ
Tu chùa, tu chợ, tại gia
Tôi tu tại chỗ, gọi là tu chi
Tâm vô trụ, trụ vô vi
Gặp đâu tu nấy, thấy gì cũng tu
Nhân duyên
Nhân duyên đến, nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên
Thành tiên
Nếu yêu những kẻ yêu nhau
Thì mình đâu có nỗi đau nhân tình
Nếu thân không nệ cái hình
Ra ngoài sự vật thì mình thành tiên
Không mong đến chẳng cầu đi
Không phân khôn dại còn chi để buồn
Tâm như nước chảy trên nguồn
Soi hình tạo hóa mà không lưu hình
Đo lại
Người ngắm trời đất bao la
Ta để trời đất ngắm ta giữa đời
Thiên hạ lấy thước đo người
Ta đo lại thước của trời đo ta
Tự nhiên
Nhởn nhơ bướm lượn bờ ao
Đừng ai bắt bướm ép vào sổ tay
Trong đêm đóm lập lòe bay
Đừng đem đom đóm ra ngày để xem
Buông ra
Ôm vào rồi mới buông ra
Có ôm thật chặt mới rời thật xa
Ngẫm xem trong cõi người ta
Có là Thái tử, mới là Như lai
Quay lại
Phía trước không có trước
Phía sau không có sau
Kìa mênh mông bể khổ
Quay lại thấy bến bờ
Quên
Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới, mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết mây trời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì
Tỉnh thức
Gió trời biết trốn đi đâu
Yêu không bởi tóc mà cầu cắt đi
Thuyền tình chìm nổi sông si
Vẫn nghe vẳng tiếng vô vi chuông chùa
Người thường nghĩ tới điểm dừng
Là khi vượt quá điểm dừng từ lâu
Thiên thai
Lưu nguyễn không tìm lại gặp tiên
Tìm về trần thế hóa vô duyên
Đi mà không đến là Tây Trúc
Đến mà chẳng được ấy Đào Nguyên
Mộng bướm
Sống gửi biết nơi đâu mà gửi
Thác về nào biết thác về đâu
Trang châu gửi mộng tan thành bướm
Bướm về tan mộng hóa Trang Chu
Nghịch cảnh
Rửa tay, gác kiếm gặp ma
Đem cả áo giấy cà sa mặc vào
Tóc bạc lại gặp má đào
Hoàng bào, áo giấy, mặc vào cà sa
Chiếc lược
Cây muốn lặng gió chẳng đừng
Trách ai đem chiếc lược sừng tặng sư
Khiến lòng sư những ngẩn ngơ
Nửa mong mọc tóc, nửa lo trọc đầu
Sóng tâm
Đầy trời loạn sóng thanh âm
Đừng quên tiếng sóng từ tâm vọng về
Nhờ thầy gạt nhiễu sông mê
Để ta nghe tiếng óng về từ tâm
Tình đầu
Tình nào cũng mối tình đầu
Không ai đến được nơi đâu hai lần
Không gì cũ như mùa xuân
Mỗi lần xuân đến vẫn lần đầu tiên
Sông giữa biển
Xin làm sông giữa biển khơi
Đôi bờ là nước, ta người là nhau
Ta không họ trước tên sau
Chung nhau lớp sóng gọi nhau là người
Đủ
Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ
Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau
Vua ôm ấp bao cung tần mĩ nữa
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau
Bụt nhà
Phải đi đến tận biển xa
Mới thấy cái đẹp ao nhà của ta
Phải đi lễ chùa đủ xa
Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng
Trăng
Nếu trăng cũng chết như đời
Thì ta đâu thấy kiếp người phù du
Vì trăng sống mãi ngàn thu
Cho nên càng thấy phù du kiếp người

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em trong giấc mơ …”.   Nhớ Cần Thơ phố thời bao