Dù viết báo như tập thể dục hàng ngày, làm báo "cho vui" (không biết có "mua vui cũng được một vài trống canh" như cụ Tố Như viết Truyện Kiều hay không), nhưng hàng năm đến ngày 21-6 mình cũng nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên (ăn ké mà). "Tự sướng" cũng được.
Đã qua ngày 21-6 rồi, đã có nhiều bài viết về ngày này rồi. Nay chỉ ghi thêm vài dòng muộn.
Bài viết mình trích dẫn dười đây (Paul Krugman phá sản, nợ ngập đầu?) từ Blog' s NVP là một thí dụ hay cho kiểu làm báo "lười biếng" của một số phóng viên. Họ sục sạo trên mạng để "săn tin", cóp nhặt rồi sửa chút ít để đăng báo, có người tận dụng vốn ngoại ngữ để "vịt tin", bài (đúng ra là dịch) như một cách "chuyển thể", phóng tác nghiêm túc, mà không cần tốn công kiểm chứng, nên dễ dính bẫy kiểu bài "Paul Krugman phá sản". Cho dù vậy, cũng có chút công sức. Tệ hơn, kẻ lười biếng đến nỗi "cọp" nguyên si bài viết của người khác để ghi tên mình đăng báo. Hiện nay, mình còn lưu gần 20 bài báo của mình, được quý vị này "ưu ái" chép nguyên mẫu từ 80 - 100% (thậm chí giữ nguyên tựa đề, chỉ thay ... tên tác giả). Vài bạn bè đọc được trên mạng, link cho mình bài với lời khuyên, nên công bố trên Blog này trong mục "Những bài viết bị đánh cắp" đi. Nhưng mình không làm. Đó cũng là lý do để "tự sướng" mà. Vì bài mình viết ra đã có người đọc, họ có tâm đắc thì mới dùng.
Kể chuyện này, cũng tào lao thêm. Hiện nay, có một số phóng viên, cộng tác viên "lập nhóm - kết bè" 5 - 7 người, rồi 1 người đi dự sự kiện, lấy tài liệu, chụp nhiều hình "san sẻ" nhau xài, viết được nhiều tin, bài, lãnh nhuận bút nhiều, khoẻ re. Mình có một kỷ niệm vui về điều này. Năm 2011, báo Nông thôn Ngày nay phối hợp BCĐ Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL". Dự kiến ban đầu là người khác cùng cơ quan mình đi, nhưng cuối cùng mình tham dự hội thảo này, có phát biểu tham luận. Ngặt nỗi, tập Kỷ yếu hội thảo đã trót in tên người khác là tác giả tham luận rồi, nên mình chỉ phát biểu, không đọc lại tham luận không ghi tên mình. Vậy mà hôm sau, trên tờ Dân Trí điện tử, tác giả HH, tường thuật lại buổi hội thảo, trích dẫn phát biểu hùng hồn của người ... không có mặt, nêu tên, chức vụ rõ ràng, cứ y như là tác giả đang dự, theo dõi sát diễn biến hội thảo (tất nhiên là nội dung đó chỉ chép lại từ tập Kỷ yếu).
Là vậy, làm báo là công việc cực nhọc, phải tốn công sức, phải vấn thân, thậm chí còn phải chấp nhận nguy hiểm nữa, chứ không thể lười biếng, ngồi ở nhà hay quán cà phê mà có được tác phẩm hay. Xin các bạn, đừng "hoang phí" giá trị nhân thân phi vật thể gắn với cái tên hay bút danh của mình, gắn với bản báo mà mình đang làm việc hay cộng tác.
Vài dòng muộn về ngày báo chí Việt Nam 21 tháng 6.
Paul Krugman phá sản, nợ ngập đầu?
Blog’ Nguyen Van Phu
Paul Krugman thì ai đọc tờ New
York Times đều biết vì ông này vừa là nhà kinh tế được giải Nobel vừa
là nhà báo nổi tiếng, giữ một mục bình luận rất sắc sảo trên tờ New
York Times đều đặn nhiều năm nay. Vậy nên khi đọc thấy tin ông nợ nần
ngập đầu đến nỗi phải tuyên bố phá sản trên tờ Boston.com, ai nấy đều bất ngờ.
Hóa ra đó là trò đùa của một trang web
chuyên sản xuất tin vịt “The Daily Currant”, đã cất công viết một tin dài rất công
phu, y như thật. Bài báo đưa ra những con số cụ thể như nợ lên đến 7.346.000
đô-la trong khi tài sản chỉ còn 33.000 đô-la do mua cái nhà giá lên đến 8,7 triệu
đô-la... Cái hay của bài này là viết theo kiểu mỉa mai Krugman nhưng khó nhận
ra. Nguyên do Krugman là người chủ xướng “kích cầu”, vay tiền để chi tiêu cho mạnh
vào để thoát khỏi khủng hoảng (mở rộng chính sách tài khóa) trái ngược với đường
lối thắt lưng buộc bụng (austerity) của nhiều nước. Lấy ý này bài báo nói
Krugman đã vung tay vay tiền mua xe hơi sang, nhà lớn để hy vọng tờ New
York Times sẽ tăng lương, thương hiệu cá nhân có giá hơn và công chúng
sẽ mua sách của ông nhiều hơn… Bài báo còn trích lời người mua lại được ngôi
nhà của Krugman với giá hời, rằng không ngờ một nhà kinh tế được giải Nobel mà
còn bị chóa mắt vì bong bóng bất động sản. Kết của bài báo là phát biểu của
Krugman cho biết dù thất bại ở góc độ cá nhân, ông vẫn sẽ khuyên ở mức độ vĩ mô
rằng khủng hoảng nợ công chỉ có thể được giải quyết bằng tăng chi tiêu của
chính phủ để nâng tổng cầu. Haha. Nghe như thiệt vậy đó.
Vấn đề là rất nhiều báo bị dính cú lừa
này. Từ một tạp chí của Áo, đến Boston.com, Breitbart.com và vô số trang web nhỏ
khác. Sau này Paul Krugman nói trên blog ông biết ngay khi bài báo dỏm xuất hiện
nhưng không lên tiếng và y như ông tiên đoán các tờ báo cánh hữu sẵn ghét
Krugman đã mắc bẫy đăng lại mà không thèm kiểm chứng. Cái lạ là bây giờ click
vào đường dẫn, cũng xuất hiện thông báo lỗi (404) y như báo Việt Nam khi lấy
bài xuống chứ họ cũng không xin lỗi như thường lệ.
Cũng may không có báo Việt Nam nào dính lỗi
này, trừ một trang tên là Book Hunter Club, dịch nguyên văn, dịch rất công phu,
có chú thích, giải nghĩa rõ ràng toàn văn bài trên tờ the Daily Currant nhưng
không ghi nguồn chỉ ghi tên người tổng hợp. Nay vẫn còn. Và cỡ chục trang sao
chép lại bài này từ nguồn này. Nay vẫn còn.
Các bạn nào tò mò muốn biết họ đăng như
thế nào thì gõ cụm từ này vào ngoặc kép, tìm trong Google sẽ ra: “Paul Krugman
– Nhà kinh tế học được giải Nobel phá sản vì đuổi theo bong bóng”. Còn bài gốc
thì dùng cụm từ “Paul Krugman Declares Personal Bankruptcy”.
Nhận xét
Đăng nhận xét