Cuốn “Văn hóa người Việt vùng Nam Bộ” vừa ra mắt bạn đọc do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chủ biên, với sự tham gia của 16 TS, ThS. Một cuốn sách gợi mở, nhiều nghiên cứu thú vị.
Bìa cuốn sách “Văn hóa người Việt vùng Nam Bộ”. |
Ở phần I, lần đầu tiên, các tác giả đã xây dựng được một lý thuyết phân vùng văn hóa với việc định nghĩa rõ khái niệm văn hóa vùng và vùng văn hóa, đề xuất quy trình phân vùng văn hóa và các thao tác xử lý vùng giáp ranh.
Lần đầu tiên, Tây Nam Bộ được xác định như một vùng văn hóa riêng biệt, với những chứng cứ khoa học rõ ràng, thông qua việc định vị Tây Nam Bộ trong hệ thống tọa độ không gian-chủ thể-thời gian, đồng thời cũng là lần đầu tiên xác định được một hệ thống năm tiểu vùng trong vùng văn hóa Tây Nam Bộ.
Ở phần II và III, khi nhấn mạnh đến văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử với môi trường, các tác giả cũng đưa ra những lập luận khá mới, mang tính phát hiện cao. Ví dụ, trong văn hóa nhận thức, họ chỉ ra được rằng văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ đã thể hiện nhận thức dân gian về tính âm dương rõ rệt, không chỉ bộc lộ ở sự hiểu biết và vận dụng những quy luật của “phạm trù” âm dương, mà còn thể hiện ở tư duy số lẻ qua sự yêu thích những bộ ba (trong âm nhạc), bộ năm (trong điêu khắc), bộ bảy, bộ chín (trong cách định danh Thất Sơn, Cửu Long).
Nhiều đặc tính của môi trường tự nhiên Tây Nam Bộ cũng được thể hiện trong nhận thức của con người vùng đất này, như tính sông nước, tính hào phóng (trong việc thể hiện đơn vị đo lường đặc thù, “công” lớn gấp đôi “sào” Trung Bộ, gấp ba “sào” Bắc Bộ).
Các tác giả cũng chỉ ra rằng về tổ chức đời sống tập thể, tính cộng đồng của thôn ấp Tây Nam Bộ thấp hơn hẳn so với tính làng xã của Trung Bộ và Bắc Bộ, dẫn đến tổ chức gia đình gia tộc ở Tây Nam Bộ có vai trò cao hơn, độ độc lập của con người cá nhân ở Tây Nam Bộ cũng cao hơn hẳn hai miền kia.
Vai trò của con dâu, con rể, mối tương quan giữa con trưởng, con út, bên nội và bên ngoại ở Tây Nam Bộ cũng khác hẳn với miền Trung và miền Bắc. Họ cũng đưa ra lý giải vì sao có thời Mỹ Tho, Cần Thơ còn có vị trí ngang bằng hoặc thậm chí vượt trội so với Sài Gòn (nhất là thời kỳ “Mỹ Tho đại phố”).
Cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề giao lưu hội nhập với văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Phương Tây ở Tây Nam Bộ, chỉ ra rằng phong trào Phật giáo ở vùng này rất mạnh, trong khi Nho giáo thì rất yếu, so sánh với vùng Đông Nam Bộ và hai miền Trung, Bắc Bộ. Đặc biệt, các nghiên cứu còn khẳng định, văn hóa Tây Nam Bộ chưa hề bị Hán hóa, khác với một số nhận định “giải Hán hóa” để lý giải về tình trạng nói trên.
Thú vị nhất là phần triển khai các thành tố trong tính cách văn hóa vùng Tây Nam Bộ. Lần đầu tiên, tính cách văn hóa của họ được trình bày như một hệ thống gồm 6 đặc trưng, có sáu điểm mới so với công trình nghiên cứu trước đây. Đó là: Tính sông nước, tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực và tính mở thoáng.
Các tác giả cũng khẳng định hệ đặc trưng tính cách văn hóa Tây và Đông Nam Bộ có mức độ dương tính cao hơn văn hóa truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ rõ rệt. Nhưng tính dương tính của hai vùng Tây và Đông cũng khác biệt. Việc hệ thống các thành tố và tính cách văn hóa Tây Nam Bộ có thể giúp cho việc xây dựng chiến lược phát triển và khai thác vùng đất giàu tiềm năng này, cũng như giúp cho người vùng này nhận ra điểm yếu, mạnh của mình.
Có thể xem cuốn sách dày 890 trang này là công trình đặc sắc và có giá trị lâu dài, do NXB Văn hóa Văn nghệ và Tủ sách Văn hóa học Sài Gòn liên kết xuất bản.
Nhận xét
Đăng nhận xét