Trần Hiệp
Thuỷ
Ông khách ngoại
quốc có dịp đi ngang dọc miền Tây bằng đường bộ, có lần hỏi tôi “Mr. Duong
Cho Lun là danh nhân nào mà thường được đặt tên rất nhiều con đường ở ĐBSCL,
đặc biệt là đường mới xây dựng?”. Rồi ông dẫn chứng bằng những “bảng tên
đường” đặt dọc theo tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp, 91B, 61B và nhiều nơi khác.
Tôi
phải vận dụng hết kiến thức ngôn ngữ tiếng Đức “nói mỏi tay” lẫn tiếng Việt để
giải thích. Đó không phải là một nhân vật lịch sử, văn hoá mà là ‘công nghệ”
làm đường ở Việt Nam, đặc biệt là ở cái xứ sở đồng bằng quê tôi, vốn có nền đất
yếu, cầu đường hay bị lún sụt, nên nhà thầu xây dựng cần có thời gian gia cố công
trình sau khi đưa vào sử dụng”. Người được giải thích có vẻ không thoả mãn, khi
biết gần đây, nhiều công trình bờ kè, cầu đường hay bị lún sụt, gây tai nạn
nguy hiểm cho người dân, nên hỏi tiếp: “Sao không chờ gì, lại chờ lún?”. Đến
đây, thì tôi bí, phải đổ cho “Đó là vấn đề kỹ thuật”.
Quả là ở xứ mình có
quá nhiều “Mr. Duong Cho Lun” lẫn “Miss Cau Cho Lun” – Mố cầu chờ lún! Thông
thường, một công trình cầu, đường được thiết kế thành 2 gói thầu riêng, nên anh
làm đường, chị làm cầu “không gặp nhau”, thiếu đồng bộ, khi đưa vào sử dụng bị
“cà giựt”, phải cắm bảng “chờ lún”. Các chuyên gia xây dựng cho rằng, hiện nay
trên thế giới, không nước nào xây dựng xong công trình mà còn gắn biển “chờ
lún”. Ở xứ mình, những tuyến đường, cây cầu nào đã đưa vào khai thác mà có cắm
biển "chờ lún", thì chứng tỏ đang “có vấn đề”, độ lún thực tế đã lớn
quá so với dự báo độ lún trong tính toán thiết kế. Việc cắm biển chắc để cho dân
đỡ thắc mắc, đành phải chờ, mà nhà báo cũng khỏi "hỏi thăm".
“Chờ lún” còn có
nguyên nhân do công trình được “ép” đưa vào khánh thành các dịp lễ, tết, dịp
lãnh đạo về thăm địa phương, trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn của giám sát thi
công, kiểm định chất lượng công trình … nên thường xảy ra tình trạng “khánh
thành hôm trước”, hôm sau phải đi “dặm vá”, rồi cắm biển “chờ lún”. Đã đến lúc
phải kiên quyết khắc phục tình trạng này, có chế tài xử lí nghiêm khắc tình
trạng công trình chưa được nghiệm thu mà đưa vào sử dụng, chất lượng công trình
kém, là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Uỷ
ban An toàn giao thông quốc gia, 5 tháng đầu năm 2013, toàn quốc xảy ra hơn
12.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 4.100 người, bị thương gần
12.200 người. Tuy số vụ TNGT giảm gần 15%; song, mức độ nghiêm trọng lại tăng
cao, số người chết tăng. Một số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ở Long An, TP. Cần
Thơ … làm chết nhiều người. Cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lí
nghiêm vi phạm giao thông, cũng cần xử
lí nghiêm vi phạm … làm đường giao thông kém chất lượng. Không thể chấp nhận
tình trạng “chờ lún”, chẳng khác nào chờ … TNGT!
Nhận xét
Đăng nhận xét