Trong buổi chất vấn tại kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa rồi, ngày 13.6.2013, đại biểu Lê Như Tiến đã có đề nghị với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là: “Chính phủ đã đi được nửa chặng đường của nhiệm kỳ, vậy ở đây xin hỏi về vấn đề trách nhiệm cá nhân, bởi bản chất vấn đề là xác định cá nhân.
Xin Phó Thủ tướng sử dụng từ “tôi” thay cho từ “chúng ta” để không làm mờ trách nhiệm cá nhân” (VietnamNet, 14.6.2013). Vị Phó Thủ tướng đã chấp nhận đề nghị đó và nói rõ “trách nhiệm của tôi” trong việc điều hành công việc tái cơ cấu Vinashin và Vinalines (cùng các nhiệm vụ khác mà ông đang đảm nhiệm). Sự điều chỉnh từ xưng hô (ngôi thứ nhất số ít chứ không dùng ngôi thứ hai số nhiều) như vậy là hợp lý, phản ánh đúng bản chất của vấn đề.
Nhân đây tôi xin có lời bàn một chút về câu chuyện xưng hô trong tiếng Việt.
Xưng hô là câu chuyện muôn thuở của giao tiếp ngôn ngữ nói chung trên thế giới chứ chẳng riêng gì tiếng Việt ta. Muốn thực hiện một cuộc trao đổi, việc đầu tiên cả hai (hoặc nhiều) bên tham gia đối thoại phải xác lập được một vai giao tiếp phù hợp. Điều này thể hiện bằng việc lựa chọn từ xưng hô cho bối cảnh đó. Xưng hô có thuận thì nói năng mới thoải mái được.
Với người Việt ta, nếu hai người bình thường gặp nhau (không bị lệ thuộc vào mối quan hệ gia đình) thì việc chọn cặp từ xưng hô thường dựa trên tiêu chí tuổi tác (cứ áng chừng tuổi của người đối thoại rồi “quy ra” xem người đó có thể xếp vào thứ bậc nào (hàng ông bà, cha chú, anh em hay con cháu), từ đó mà chọn từ xưng hô tương ứng (xưng tôi, em, cháu, chú, bác, cô…)).
Nhưng nghi thức xã giao không phải lúc nào cũng lấy tiêu chí xưng hô vẫn dùng trong gia tộc ra áp dụng được. Vậy mà, ta thấy, không hiếm cán bộ của ta trong các cuộc họp, một điều xưng cháu, một điều xưng em với cử tọa (mặc dù đa số cử tọa là ngang hàng, chỉ có mấy vị “sếp” là lớn tuổi, vào hàng cha chú). Họ không dám xưng “tôi” vì sợ bị thất thố, rất có thể dẫn đến một “rủi ro” nào đó không biết chừng. Như vậy là đã thể hiện một cách ứng xử bất bình đẳng với mọi người.
Xem các chương trình truyền hình, nhiều MC trẻ đẹp của ta hầu như không dám xưng “tôi” với người đối thoại (là người lớn tuổi, có vị thế xã hội cao...). Đường đường là người đại diện cho nhà đài vậy mà họ thản nhiên xưng em, xưng cháu,… trong các cuộc phỏng vấn. Có MC trong một chương trình từ thiện, vừa cảm động rơi nước mắt vừa xưng con “ngọt như mía” với người tham gia.
Theo tôi, nếu nhân danh cơ quan truyền thông, các MC nên thể hiện một thái độ trung hòa, khách quan, không quá sa đà vào tình tiết với những tình cảm cá nhân quá mức. Để tiện, họ có thể xưng “tôi/ chúng tôi” và gọi người đối thoại là “ông /bà” (Cũng có thể gọi là anh, chị, bác, chú,...(tùy lứa tuổi) cũng không sao (không nhất thiết chỉ gọi ông hay bà)), trừ trường hợp ở các chương trình thiếu nhi (hoặc liên quan tới thiếu nhi), bản thân người dẫn chương trình còn nhỏ tuổi hoặc người đối thoại cũng nhỏ tuổi (tức chưa tới tuổi trưởng thành) thì cách xưng gọi có thể điều chỉnh cho “mềm” hơn.
Trong các văn bản khoa học bây giờ, các tác giả thường xưng tôi trong bài viết, nhưng không ít người xưng chúng tôi. Đây là mô phỏng cách viết của các học giả phương Tây, hay dùng we (tiếng Anh), nous (tiếng Pháp), my (tiếng Nga)… để biểu thị sự khiêm tốn và tăng giá trị lập luận (đây là nhiều người chứ không chỉ một người). Lời cam đoan của học viên cao học, nghiên cứu sinh ở trang đầu luận văn, luận án cũng viết “chúng tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu riêng biệt…” nhưng đến lúc ký tên thì chỉ có một người (và cũng chỉ có một). Vậy một người có thể gọi là “chúng tôi” được không?
Đại từ ngôi thứ hai số nhiều của tiếng Việt phải dùng tới nhiều từ để thể hiện (chúng ta, chúng tôi/ chúng tớ/ chúng tao). Nhưng rõ ràng, sắc thái giữa chúng tôi với chúng ta là khác nhau (chúng ta: Tổ hợp người nói dùng để chỉ bản thân mình với người cùng đối thoại, ví dụ: “Chúng ta là con một nha; “chúng tôi”: Tổ hợp dùng để nhân danh mình cùng một số người được coi đang ở phía mình, ví dụ: “Đây là công việc của chúng tôi”). Nhưng trong nhiều gameshow truyền hình, qua lời MC, tất cả đều trở thành “chúng ta” hết: Những ông bố của chúng ta, những bà mẹ của chúng ta, tất cả những người chơi của chúng ta… Họ đang là đối tác, đối thoại với nhà đài, hà cớ gì mà “gói” luôn họ vào với bản thân mình là sao?
Diễn đàn chất vấn Quốc hội Việt Nam đang ngày càng “nóng” dần lên, thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người bởi sự thẳng thắn và dân chủ. Điều này thể hiện ngay trong cách quan niệm về xưng hô. Chủ thể ngôi thứ nhất - cái tôi (ego) “tôi” nằm trong “chúng ta” nhưng không phải là “chúng ta”.
Nhận xét
Đăng nhận xét