Thành tựu và thách thức
Định hướng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, sản lượng lương thực của ĐBSCL đạt 21 triệu tấn vào năm 2020, thế nhưng năm 2010 đã đạt được, vượt trước 10 năm. Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nông dân ĐBSCL đạt kết quả ngoạn mục về sản lượng lúa là nhờ tăng năng suất. Còn TS Nguyễn Văn Huỳnh ở Trường Đại học Cần Thơ nhận xét, nông dân ĐBSCL đang thâm canh cây lúa theo chiều sâu, xây dựng cơ sở vững chắc cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Sản lượng lương thực tăng nhưng thu nhập của nông dân ĐBSCL không tăng tương xứng. Theo TS Nguyễn Văn Sánh ở Trường Đại học Cần Thơ, thì chênh lệch giàu nghèo đã lên đến 6,4 lần và đang ngày càng rộng thêm. Khi nông dân còn nghèo thì chưa thể có một nền nông nghiệp bền vững. Trong đó, con người được quan tâm đầu tiên mà trực tiếp là người nông dân phải được hưởng lợi công bằng và được bảo vệ trong môi trường sống ổn định.
Hiện nay, nông dân ĐBSCL không những nghèo mà còn thất học. Chẳng hạn, tại tỉnh An Giang, một trọng điểm lúa của ĐBSCL, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2009 còn có 13% dân số từ 15 tuổi trở lên ở nông thôn không biết đọc, biết viết. Có nhiều nguyên nhân nhưng TS Sánh ở Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh đến “kỹ năng tổ chức sản xuất nối kết với thị trường”. Thực trạng sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn manh mún hộ gia đình “trồng để ăn, có thừa thì bán”, còn doanh nghiệp vẫn lối kinh doanh hàng xáo buôn chuyến. Theo TS Sánh, kinh nghiệm phát triển tam nông trên thế giới có 4 giai đoạn: Thúc đẩy sản xuất, hội nhập mở rộng thị trường, phát triển cơ chế chính sách hội nhập kinh tế, hiện đại hóa hội nhập. Nước ta đang ở 2 giai đoạn đầu, bắt đầu vào giai đoạn 3 nhưng chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức. Thực trạng nông dân nghèo, nông thôn còn kém phát triển đang hạn chế đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tính cả 5 năm từ 2006 đến 2010, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm của ngành nông nghiệp đạt 3,3%, giảm so với 5 năm trước có mức bình quân 3,5%.
Nguyên nhân rõ nhất khiến nông nghiệp nước ta phát triển chậm lại là sự manh mún. Trước tiên manh mún về đất sản xuất. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 95 triệu mảnh đất nông nghiệp với tổng diện tích 9,4 triệu ha. Sự manh mún ở từng địa phương có khác nhau, có hộ ở tỉnh Vĩnh Phúc có đến 47 mảnh, tỉnh Hà Nam 37 mảnh. Đất manh mún nên đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều trở ngại và luôn thấp. Một hộ có bình quân 0,57ha đất, hàng năm đầu tư chủ yếu vào thủy lợi.
Đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp cũng không tương xứng và ngày càng giảm. Tổng Giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân cho biết, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp giai đoạn 2003-2007 bằng 8,7% tổng vốn đầu tư Nhà nước; năm 2008 giảm xuống 6,4% và năm 2009 còn 6,2%; trong lúc giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm gần 21% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp càng thấp hơn nữa, xấp xỉ 0,6% tổng vốn FDI ở năm 2009.
Còn có sự manh mún từ quy hoạch, từ chủ trương đầu tư đã chia cắt chuỗi giá trị ngành hàng vụn ra theo địa phương. Không khó nhận ra ở nhiều công trình, chẳng hạn một con đường đi bao nhiêu địa phương thì vốn đầu tư được chia ra chừng ấy phần. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét: “Ở Việt Nam hiện đang tồn tại 63 vùng kinh tế tương ứng với 63 tỉnh, thành”. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi, lao động đã mang tính toàn cầu mà kinh tế nước ta vẫn tồn tại cơ cấu tỉnh, nhiều tỉnh có ranh giới được hình thành từ thời Pháp thuộc, thì thật khó hiểu? Vì thế sản xuất nông nghiệp không phát huy được “lợi thế dùng chung” nên giá thành cao như ý kiến của ThS Trần Hữu Hiệp ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Cụm sản xuất nông nghiệp
Để nông nghiệp phát triển, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, phải “sửa Luật Đất đai theo hướng phát huy cơ chế thị trường, để quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh”. Theo đó, mở rộng hạn mức diện tích sử dụng đất, hỗ trợ quá trình tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Tuy nhiên, vấn đề có ý nghĩa quyết định là thay đổi tư duy về quy hoạch phát triển nông nghiệp. TS Trần Du Lịch nói: “Quy hoạch một nền nông nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và giành ưu thế trên thị trường nông sản thế giới hoàn toàn khác với quy hoạch một nền nông nghiệp để tự cân đối lương thực thực phẩm trong phạm vi quốc gia”. Quy hoạch phát triển nông nghiệp không phải là việc khoanh vùng dựa vào lợi thế tự nhiên, mà phải gắn kết với chế biến và thương mại để tăng giá trị gia tăng, mang lại sự giàu có.
Theo TS Lịch, phải tiến hành nghiên cứu xây dựng “các cụm sản xuất nông nghiệp”, đây là mô thức của các nền nông nghiệp phát triển trên thế giới để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Như thế, quy hoạch phải theo sản phẩm nông nghiệp chứ không theo địa giới hành chính, quy hoạch thúc đẩy liên kết vùng chứ không phải như hiện nay phá vỡ tính tổng thể của nền kinh tế. Đề cập khía cạnh xuất khẩu, nguyên Chánh chuyên gia FAO là TS Trần Văn Đạt nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Ông nói: “Cần tổ chức kết nối đội ngũ thương lái, giới xay xát, chế biến với hoạt động xuất khẩu để đảm bảo chất lượng cao cho lúa gạo”. Các doanh nghiệp lớn không “ngồi không hưởng lợi” nữa, mà phải đầu tư, tổ chức, xây dựng thương hiệu, mở mang thị trường. Để làm điều này, cần có các quy định về quản lý, giám sát.
Nhớ lại, đầu thế kỷ 20, đào kênh xáng Xà No mở ra miệt lúa gạo Hậu Giang, năm 1908 góp 900.000 tấn gạo trong 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả Nam bộ và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Kết quả bắt nguồn từ chính sách khai hoang khuyến khích làm ăn lớn. Ai khai hoang được chừng 400ha đất, cho phép lập làng mới và được miễn giảm thuế 5 năm đầu. Cho nên, miệt Hậu Giang có điền chủ lúa gạo lớn nhất Đông Dương, đến 30.000ha đất, công suất một năm 100.000 tấn lúa. Sản xuất kinh doanh lớn làm nên đô thị công nghiệp lúa gạo của Nam bộ với câu ca lừng danh: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh có cho em thì cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”. Đô thị ấy nâng đỡ nền thương mại toàn vùng phát triển hoạt bát, phong phú, hướng ngoại mạnh mẽ. Cùng quan điểm phải tổ chức lại hệ thống sản xuất trong nông nghiệp, TS Võ Tòng Xuân bày tỏ thêm: “Nhà nước cần mạnh dạn ban hành chính sách khuyến khích. Sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm cho các doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ sản xuất để đạt lợi tức cao hơn”.
Cuối cùng, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, cần tăng đầu tư cho nông nghiệp vì ý nghĩa kinh tế - xã hội rộng lớn của nó. Đầu tư cho nông nghiệp không tốn nhiều tiền như các công trình ở đô thị, mà đưa lại hiệu quả nhanh, suất đầu tư thấp, tạo nhiều việc làm. Đó còn là một giải pháp kích cầu trong nước, chống nhập siêu và đặc biệt là giá trị gián tiếp ở sự lan tỏa, đem lợi ích phát triển đến với nhiều người, tạo sự ổn định xã hội. Một nền nông nghiệp bền vững ở nước ta là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
(Nguồn: Báo Hậu Giang)
Nhận xét
Đăng nhận xét