PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH NHÌN TỪ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ BIỂN VN 2014 TẠI PHÚ QUỐC[1]
Trần Hữu Hiệp
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện
tích gần 40 nghìn km2, dân số khoảng 18 triệu người, có hơn 340 km đường
biên giới trên bộ giáp Campuchia, là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển
Đông và Biển Tây với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước;
hơn 360 ngàn km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và
quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL có tiềm năng to lớn
phát triển kinh tế biển và là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc
biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản; một trung
tâm sản xuất hàng hoá lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
1. Kinh tế biển xanh, góc nhìn từ vùng ĐBSCL
Chúng ta đều biết,
kinh tế biển khác với kinh tế nông nghiệp về tổ chức thực hiện, triển khai, đặc
biệt là công tác chuẩn bị những điều kiện cơ bản như tiềm lực khoa học, công
nghệ, tài chính, ngoại giao, quân sự … Theo các chuyên gia, thì kinh tế biển
bao gồm 9 lĩnh vực: (1) Dầu khí, khoáng sản, năng lượng (2) Thuỷ, hải sản (3) Vận
tải biển (4) Công trình biển (5) Du lịch (6) Công nghiệp chế tạo (7) Dịch và biển
(8) Nghiên cứu khoa học biển, giáo dục – đào tạo về biển (9) Phòng thủ quốc
phòng – an ninh. Kinh tế biển xanh còn gắn với yêu cầu phát triển bền vững, đảm
bảo môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong phát triển
kinh tế ĐBSCL, hướng ra biển là một trong 3 cánh cửa quan trọng (cùng với “cổng
trời” – đường hàng không; giao thông bộ nội vùng, liên vùng mở ra hướng biên giới
Tây Nam phát triển kinh tế biên mậu). Phát triển hướng ra biển Đông, khai
thác lợi thế biển Tây, mà hạt nhân là đảo ngọc Phú Quốc là bước chuyển dịch căn
bản cơ cấu kinh tế ĐBSCL vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền
thống từ ngàn đời nay.
Thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt
Nam đến năm 2020; các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 7/13 tỉnh, thành ven biển đã
xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động về phát triển kinh tế
biển; bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực. ĐBSCL tiếp tục phát huy thế mạnh
thuỷ sản, du lịch biển, đảo. Tạo dựng lợi thế thứ 2 sau nông nghiệp là công
nghiệp năng lượng, khai thác tiềm năng khí, nhờ được Trung ương quan tâm đầu tư
một số công trình trọng điểm trên địa bàn như: Trung tâm khí – điện – đạm Cà
Mau, đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn dài gần 400 km, Trung tâm điện lực Duyên Hải
– Trà Vinh, điện lực Long Phú – Sóc Trăng … Một số khu kinh tế ven biển như Phú
Quốc – Kiên Giang, Định An - Trà Vinh, nhóm cảng biển 6 trong vùng cũng được đầu
tư, nâng cấp, tạo cơ sở cho ngành hậu cần logistic.
“Triển vọng và
thách thức trong phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam” cũng đang đặt ra
cho vùng ĐBSCL 2 vấn đề lớn. Một là,
làm gì để đầu tư khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng to lớn từ kinh tế biển?
Trong đó, phải gắn được với lợi thế của vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 của quốc
gia. Hai là, để hiện thực hóa Chiến
lược kinh tế biển cả nước, cần có một Chiến lược cho vùng ĐBSCL, xây dựng và
hoàn thiện cơ chế liên kết hiệu quả giữa các địa phương với nhau tạo ra sức mạnh.
2. Vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 cả nước và kinh tế biển
Kết luận số 28-KL/TW
ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển
KT-XH và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL, thời kỳ 2011-2020 xác định: “Xây dựng và phát triển ĐBSCL thành
vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, phát triển
công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng
trưởng cao, bền vững. Phát triển mạnh kinh tế biển. Xây dựng ngành thuỷ sản trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia có qui mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh
cao. Phát triển mạnh ngành dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế then chốt của
vùng. Chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước, trước hết là các nước
khu vực Đông Nam Á”.
Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đều xác định vai
trò của vùng, là «trung tâm” lớn trên 4 lĩnh vực: sản xuất
lúa gạo, thủy sản; chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ
kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; trung tâm năng
lượng lớn; trung tâm dịch vụ lớn của cả nước. Kinh tế biển với các ngành chủ yếu
là dầu khí, hàng hải, hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, các Khu kinh tế,
KCN & KCX ven biển gắn với phát triển đô thị ven biển vùng ĐBSCL. Trong 2
ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta là dầu khí và thủy sản, đạt kim ngạch hàng
tỉ USD/năm, thì ĐBSCL đóng góp quan trọng với 52% sản lượng, khoảng 66% kim ngạch
xuất khẩu thủy sản của cả nước.
2.1. Hai lợi thế kinh tế biển quan trọng của
ĐBSCL
Cùng với những
tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển Việt Nam, vùng ĐBSCL có 2 lợi thế quan trọng.
Một là, tiềm năng tự nhiên (lợi thế
tĩnh) với bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, tài nguyên, nguồn
lợi tự nhiên phong phú, đa dạng (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, cảnh quan biển,
đảo …). Hai là, có vị trí địa - kinh
tế - chiến lược (lợi thế động) do vùng này nằm gần tuyến hàng hải Đông - Tây,
hiện diện nhiều nền kinh tế lớn của thế giới (mà hầu hết đều tham gia APEC), là
một cửa ngõ quan trọng xét trên nhiều mặt, nhất là trong thời đại bùng nổ phát
triển của châu Á – Thái Bình dương. Không gian phát triển của ĐBSCL không còn
bó hẹp trong đất liền, được mở ra trong một không gian biển rộng lớn, kết nối với
một ASEAN năng động với 600 triệu dân, trong đó ĐBSCL là tâm điểm của bán kính
500 km nối liền các thành phố lớn trong khu vực. Ngoài biển Đông, ĐBSCL có tiềm
năng kinh tế biển Tây với điều kiện tự nhiên thuận lợi, không bị gió bão, có
“hòn ngọc quốc gia Phú Quốc” gắn với vịnh Thái Lan, đang tạo ra thế “địa kinh tế
- quân sự” mới. Hướng ra biển Tây đang mở ra một cánh cửa mới cho vùng ĐBSCL.
Mặc dù lợi thế
thứ 2 - “tiềm năng động” ngày càng quan trọng trong xu thế vừa tăng cường liên
kết, hợp tác, vừa xung đột lợi ích về biển trong khu vực và trên thế giới;
nhưng ĐBSCL mới được đầu tư khai thác lợi thế thứ nhất. Chủ yếu là ngành kinh tế
thuỷ sản, bước đầu có quan tâm đầu tư một số cảng, khí – điện, nhưng nhìn chung
kinh tế biển, nhất là các khu kinh tế ven biển, vận tải biển và dịch vụ, du lịch
biển, đảo còn ở trình độ thấp; đặc biệt là công tác qui hoạch yếu, điều tra cơ
bản, phát triển khoa học – công nghệ biển, phòng chống thiên tai, ứng phó biến
đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đạt yêu cầu. “Lợi thế tĩnh” hay “lợi thế động”
trong điều kiện hợp tác và cạnh tranh, chỉ được phát huy thành hiện thực khi nó
được đầu tư, khai thác có hiệu quả trong một chiến lược kinh tế biển hợp lý của
vùng, gắn bó máu thịt với chiến lược chung cả nước.
2.2. Ba thách thức kinh tế biển ĐBSCL
Trước những
thách thức chung, vùng này còn nổi lên 3 thách thức lớn. Một là, từ hiện trạng cho thấy, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển
của ĐBSCL thời gian qua chủ yếu dựa vào tư duy, cách làm của kinh tế nông nghiệp
truyền thống. Trong khi vẫn chưa giải quyết được căn cơ mối quan hệ giữa phát
huy lợi thế bậc nhất về nông nghiệp (sản xuất lúa gạo, thuỷ sản, trái cây) với
kinh tế biển (vận tải biển, hậu cần logistic, du lịch biển, đảo, phát triển
kinh tế biển để khai thác lợi thế và phục vụ nông nghiệp …). Hai là, vấn đề qui hoạch, tổ chức không
gian phát triển và đầu tư còn hạn chế. ĐBSCL là vùng giàu tiềm năng, nhưng nguồn
lực đầu tư, đặc biệt là từ ngân sách và doanh nghiệp thấp, nội lực cho đầu tư
phát triển thấp. Tài nguyên, nguồn lợi tự nhiên từ biển chủ yếu được “khai thác
sẵn có”, nhiều rủi ro, trình độ thấp, hạ tầng yếu kém, thiếu liên kết vùng. Ba là, thách thức trước biến đổi khí hậu,
nước biển dâng và yều tố “cạnh tranh phát triển” ở biển Tây, trong khu vực vịnh
Thái Lan và biển Đông – ĐBSCL. Nổi lên là vai trò, vị trí của đảo Phú Quốc hướng
đến một đặc khu hành chính – kinh tế trước năm 2020.
Trong một tương
lai còn xa, người đồng bằng vẫn phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ thiêng liêng đối
với quốc gia là đảo bảo an ninh lương thực, nhưng ĐBSCL cũng có quyền và có khả
năng để mở rộng cánh cửa phát triển vươn ra biển lớn, vượt lên “dấu chân” của nền
nông nghiệp truyền thống để làm giàu từ biển. Không gian phát triển mới, cách
tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế “đất liền”. Tái cấu
trúc mô hình tăng trưởng vùng kinh tế nông nghiệp này, cũng cần phải đặt ra việc
kinh tế biển nằm ở đâu và như thế nào. Kinh tế biển ĐBSCL cần được đầu tư, khai
thác gắn với chiến lược kinh tế biển của nước ta để ĐBSCL không chỉ là vựa lúa,
trái cây mà còn là vùng mạnh về biển.
3. Chiến lược kinh tế biển của ĐBSCL và
liên kết nội vùng, liên vùng
Thực tế đang đòi hỏi, cần có một Chiến lược
kinh tế biển của ĐBSCL, gắn bó máu thịt với cả nước hơn là những chương trình
hành động riêng lẻ của từng địa phương, thiếu liên kết nội vùng và liên vùng. Liên kết vùng ĐBSCL là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn sôi động
của vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước, lực lượng nông dân đông đảo
nhất và trình độ sản xuất hàng hóa nông nghiệp vào loại bậc nhất cả nước và tiềm
năng kinh tế biển đang được mở ra phía trước. Chủ chương liên kết vùng cần một
cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến khích” hay các hình thực ký
kết hợp tác lỏng lẻo giữa chính quyền các tỉnh với nhau thời gian qua. Việc
liên kết cần được tổ chức theo cơ chế, mô hình liên kết hiệu quả, từ đầu tư các
công trình trọng điểm vùng như cảng biển, khu kinh tế ven biển, phát triển kinh
tề biển, du lịch biển đảo đến kết nối các công trình đầu tư và phá triển kinh tế
biển của các tỉnh, thành, tránh đầu tư dàn trãi, lãng phí.
Tiếp cận chuỗi - hệ thống tổng thể và thể chế, chính
sách: Phát triển bền vững kinh tế biển xanh
ĐBSCL, cần được tổ chức triển khai một cách đồng bộ, từ chất lượng và hiệu quả
đầu tư, hợp tác quóc tế, vấn đề chủ quyền, đảm bảo quốc phòng – an ninh, tăng
cường liên kết vùng, liên kết chính quyền, doanh nghiệp – thị trường … Với nguồn
lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn điểm đột phá, khắc phục
tình trạng dàn trải, phân tán trong đầu tư phát triển kinh tế biển, gây lãng phí
và kém hiệu quả ... là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn cho kinh tế biển
ở ĐBSCL. Cho đến nay, vẫn “chưa có gì đặc biệt” thoát ra khỏi khung chính sách
khuyến khích đầu tư chung, mà điển hình rõ nhất là trường hợp của Phú Quốc. Để phát
triển Phú Quốc, tạo “đòn bẩy” cho kinh tế biến của vùng, từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số
178/QĐ-TTg phát triển đảo Phú Quốc trở thành khu kinh tế biển đặc thù, một trung tâm giao thương, dịch vụ, du lịch tầm cỡ quốc gia, khu vực và trên thế
giới; với cơ chế “được hưởng ưu đãi mức cao nhất trên cả nước được hưởng”.
Nhưng qua 8 năm thực hiện, vẫn vướng cơ chế, chính sách, Phú Quốc vẫn không thể
thoát ra khỏi “chiếc áo pháp lý cấp huyện” để phát triển. Đầu tư hạ tầng, nhân
lực dịch vụ trên đảo vẫn rất chậm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng
cơ chế, chính sách đặc thù phát riển đảo, đang hoàn tất thủ tục thành lập thành
phố Phú Quốc, tiến tới xây dựng đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc.
Kết luận số 60-KL/TW ngày 16-4-2013 của Bộ
Chính trị về kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội ghị lần thứ tư BCH
Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ ra một số
hạn chế, yếu kém. Đó là “Kinh tế biến
phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác qui hoạch yếu, đầu tư phát
triển một số ngành chưa hợp lý, qui mô hạn hẹp, nhất là ngành thuỷ sản, vận tải
biển và dịch vụ. Đầu tư kết cấu hạ tầng, cảng biển dàn trải, thiếu cảng lớn có
tầm khu vực và quốc tế. Du lịch biển đảo còn đơn điệu, chất lượng và hiệu quả
thấp. Một sồ KCN và KCX ven biển chưa phát huy hiệu quả, chưa thành lập được đặc
khu kinh tế biển mang tầm cỡ quốc tế … Thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu
hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế biển”. Và phương
hướng, nhiệm vụ sắp tới được xác định là “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung qui hoạch
phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Khẩn trương xây dựng đặc khu kinh
tế biển mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Củng cố doanh nghiệp nhà nước, khuyến
khích thành lập doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đủ mạnh làm lực lượng
nòng cốt phát triển kinh tế biển. Nghiên cứu và xây dựng các mô hình tổ chức,
quản lý kinh doanh tiên tiến để phát triển kinh tế biển”. Ngoài những định hướng
chung cho kinh tế biển Việt Nam, từ góc nhìn của vùng ĐBSCL, đề xuất:
Một là,
ưu tiêu đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc trở thành đặc khu
hành chính – kinh tế (được xác định là 1 trong 3 khu, cùng với Vân Đồn-Quảng
Ninh và Vân Phong-Khánh Hoà, 1 trong 5 khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư của
cả nước). Cần xác định việc xây dựng Phú Quốc thành “đặc khu kinh tế biển mang tầm cỡ quốc tế” như định hướng của Bộ
Chính trị.
Hai là,
tiếp tục ưu tiên đầu tư “Tứ giác động lực” – Cần Thơ – Cà Mau
– Kiên Giang – An Giang, gắn kết yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp với
công nghiệp, kinh tế biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; có chú ý
phát triển hài hoà hành lang ven biển và các đô thị ven biển trong vùng. Phát
triển toàn diện ngành hải sản, thành tiểu vùng kinh tề hải sản trọng điểm của cả
nước. Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm hậu cần logistic của vùng, Kiên Giang
thành trung tâm nghề cá và dịch vụ lớn của cả nước.
Ba là, xây dựng,
hoàn thiện và vận hành cơ chế tổ chức liên kết vùng ĐBSCL trong qui hoạch đầu
tư phát triển, liên kết các ngành kinh tế biển, liên kết thị trường hiệu quả. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế pháp lý tăng cường
liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn các hình thức ký kết hợp tác
kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành với nhau thời gian quan chủ yếu mang
tính cam kết, còn nặng hình thức và theo phong trào. Từ các hình thức “liên kết
nhà nước” giữa các chính quyền địa phương với nhau và với các Bộ, ngành, cần
chuyển sang chủ yếu liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng
lợi ích.
4. Đề xuất cho Diễn đàn kinh tế biển Việt nam năm 2014
Mới đây, tại Diễn đàn
kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại Hà Tĩnh, nhiều đại biểu đã thống nhất
đề xuất của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ việc tổ chức Tuần lễ biển và
đảo Việt Nam năm 2014 tại Phú Quốc, Kiên Giang với 3 sự kiện chính, gồm: Diễn đàn kinh tế
biển lần thứ 5, Diễn đàn Thương hiệu Biển lần thứ 6 và các hoạt động
hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6/2014), Ngày Đại dương Thế giới (8/6/2014) và các hoạt động của Ngoại
giao đoàn Việt Nam năm 2014. Từ qui mô cấp quốc gia hàng năm, đề xuất tổ chức có sự tham dự
của đại diện các nước trong khu vực ASEAN, tổ chức quốc tế quan tâm đề chủ đề biển đảo.
Nhận xét
Đăng nhận xét