Hữu Hiệp
Phóng viên Đài PT-TH Hậu Giang vừa có mặt
ở huyện Long Mỹ để phản ánh tình trạng lúa tồn đọng, giá thấp mức kỷ lục, có nơi chỉ còn 2.500 đ/kg lúa mà vẫn vắng bóng
thương lái, trong khi giá thành sản xuất công bố 4.816 đồng/kg. Nông dân lỗ cầm
chắc. Nỗi bức xúc của người trồng lúa đang làm nóng dư luận. Nó cũng được mang
vào nghị trường Quốc hội. Song, việc mua tạm trữ (TT) vẫn đang còn … lạnh.
Bán lúa vụ này, nông dân có còn cười được nữa không? |
Thực tế cho thấy, chính sách TT gạo chưa
đạt được mục tiêu kích giá lên, giúp nông dân có lãi. Những yếu kém nội tại từ nhiều năm qua
của sản xuất – tiêu thụ lúa gạo chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Mặc dù “liên kết 4 nhà” được nói nhiều, nhưng kết nối cung – cầu lúa gạo vẫn chưa
tốt. Chuỗi sản xuất - chế biến - tồn trữ và xuất khẩu gạo đang “bị chặt” ra
thành nhiều khúc mà phần thiệt thòi nhiều nhất đang thuộc về nông dân.
Cũng cần thừa nhận mặt tích cực của chính
sách mua TT và sự cần thiết của nó trong tình hình hiện nay. Hơn 10 năm trước,
Chính phủ đã chỉ đạo mua lúa TT, đặc biệt là việc thực hiện liên tục trong 5
năm gần đây. Hai điểm mới trong Quyết định TT lần này, là yêu cầu Hiệp hội
lương thực Việt Nam – VFA phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng
ĐBSCL và chỉ tiêu phân giao, không chỉ tính trên đầu tấn, mà còn phải mua cả
lúa thường lẫn chất lượng cao, kết hợp với lịch thời vụ cụ thể.
Yêu cầu là vậy, song, thực tế lại khác. Vấn
đề là, việc “mua TT” chỉ là biện pháp nhất thời “giải quyết phần ngọn” trong
vấn đề cây lúa. Nó đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó nổi lên là “lợi ích
thực sự” chưa đến được nông dân. Ngoài việc làm thủ tục “xác nhận cho doanh
nghiệp (DN) hoàn thành mua TT”, thì các địa phương cần có thực quyền hơn trong
việc chỉ đạo tiến độ thu mua theo lịch thời vụ. Trên cơ sở 115 DN được phân
giao chỉ tiêu mua TT, các địa phương phải nắm được DN, thực lực ra sao, và phải
có thực quyền đôn đốc tiến độ thu mua. Địa phương cần chủ động phối hợp DN để
lên lịch thu mua hàng tuần, tiến độ, địa bàn mua TT cụ thể. DN thu mua theo giá
thị trường, nhưng phải đảm bảo theo giá định hướng trên giá thành được công bố.
Tất nhiên, phải quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện cho DN về vốn, về tổ chức mạng
lưới thu mua hay thông qua thương lái.
Một cách tiếp cận
“làm như mọi khi” như chính sách “mua tạm trữ” vừa qua chắc chắn sẽ không hiệu
quả trước yêu cầu và thách thức mới của ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo.
Bài trên báo Lao Động ngày 25-6-2013
Nhận xét
Đăng nhận xét