TẠP CHÍ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI, số 64, tháng 4-2012
TRẦN HIỆP THỦY
“Tập trung đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển gắn với bảo vệ tài ngyên môi trường biển … Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, nông, lâm sản theo hướng tăng tỷ lệ hang tinh chế, phát triển công nghiệp năng lượng trên cơ sở cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau, đồng thời thu hút phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao – trích Quyết định số 163/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể KT-XH tỉnh Cà Mau đến năm 2020”.
Cà Mau - 3 mặt giáp biển |
Ba mặt biển
Cà Mau là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt Đông – Tây – Nam tiếp giáp biển với chiều dài 254 km, chiếm 34,5% chiều dài bờ biển toàn vùng ĐBSCL, 7,8% bờ biển cả nước. Vùng biển nơi cuối đất này là 1 trong 4 ngư trường lớn nhất của nước ta, rộng trên 71..000 km2, có tiềm năng, trữ lượng lớn về dầu khí. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành công trình trọng điểm quốc gia - Trung tâm công nghiệp khí-điện-đạm. Các nhà máy khí điện Cà Mau I và II có công suất 1.500MW, cung cấp trên 9 tỷ KWh điện/năm và Nhà máy đạm Cà Mau, công suất 800 nghìn tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước đã được đưa vào khai thác. Cà Mau còn có hơn 100.000 ha rừng, bao gồm rừng ngập mặn ở khu vực Mũi Cà Mau và rừng tràm U Minh hạ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các cụm đảo gần bờ: cụm đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc có vị trí chiến lược, là cầu nối để khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch và là điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc.
Hướng mạnh ra biển, thành đầu tàu kinh tế biển của vùng
Kinh tế biển Cà Mau đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và vùng ĐBSCL. Trong 10 năm qua (2001 - 2011), tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2011 gấp 3,24 lần so với năm 2001; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần năm 2001; kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 910 triệu USD, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, đứng đầu cả nước.
Lấy vùng ven biển làm bệ phóng, Cà Mau đang hướng mạnh phát triển ra biển, xây dựng vùng biển, ven biển thành vùng kinh tế động lực; khai thác tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển để phát triển bền vững. Khu kinh tế Năm Căn – điểm nhấn nơi cuối đất đã được thành lập, có diện tích 11.000 ha cùng với Cụm công nghiệp Năm Căn hơn 200 ha cũng đã được tỉnh phê duyệt và đầu tư xây dựng. Các cảng cá, bến cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đầu tư như Cảng cá Sông Đốc, Hòn Khoai, các khu neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão ở Rạch Gốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm... và nhiều hạng mục công trình dịch vụ hạ tầng nghề cá được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả tích cực. Thị trấn Sông Đốc đang được tập trung đầu tư nâng cấp trở thành một thị xã miền biển để liên kết với các cụm kinh tế biển Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, tạo thành thế liên hoàn, hình thành các trung tâm nghề cá ven biển mở hướng ra biển Tây.
Nhận thức tiềm năng, lợi thế to lớn, là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả vùng, giai đoạn 2011-2020, tỉnh Cà Mau xác định tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về kinh tế biển, rừng. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ven biển, bao gồm công nghiệp chế biến thủy sản tại các khu công nghiệp tập trung Sông Đốc, Năm Căn. Phát triển du lịch biển đảo và du lịch sinh thái ven biển trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung vào du lịch sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm, các cồn cửa sông, bãi ven biển và du lịch trên các cụm đảo gần bờ. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; xây dựng hệ thống dự trữ, vận chuyển và phân phối sản phẩm dầu khí; phát triển vận tải và công nghiệp vận tải biển. Nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu ở khu vực cụm đảo Hòn Khoai phục vụ xuất nhập khẩu của tỉnh, của vùng.
Trước xu thế hội nhập, không gian phát triển của ĐBSCL không còn bó hẹp trong vùng đất "9 rồng" mà nó còn được mở ra trong một không gian rộng lớn của ASEAN với 600 triệu dân, và rộng hơn nữa, theo luồng hàng hải nối liền Đông – Tây. Kinh tế biển ĐBSCL có vai trò rất quan trọng. Vùng Biển Đông thuộc khu vực ĐBSCL với thềm lục địa và hải phận rộng lớn giàu tiềm năng thủy sản, dầu khí và lợi thế từ luồng hàng hải nối liền Đông – Tây, nơi có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới (mà hầu hết đều tham gia APEC) là một cửa ngõ quan trọng xét trên nhiều mặt. Vùng biển này cần được đầu tư, khai thác gắn với chiến lược kinh tế biển của nước ta để ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, trái cây mà còn là vùng mạnh về biển, giàu lên từ biển. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vị trí “3 mặt biển” của Cà Mau vừa là tiềm năng, lợi thế, nhưng cũng là thách thức lớn trong phát triển bền vững.
Tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức đang đặt yêu cầu phát triển kinh tế biển Cà Mau trở thành đầu tàu kinh tế biển của cà vùng.
Chiến lược kinh tế biển đề ra mục tiêu đến 2020, đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Kinh tế biển với các ngành chủ yếu là dầu khí, hàng hải, hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo … Cà Mau – một góc của “Tứ giác động lực – Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL” đã, đang và sẽ phát huy mạnh mẽ tiềm năng kinh tế biển.
Nhận xét
Đăng nhận xét