Theo Bộ NN-PTNT, sau nhiều năm nước ta thiếu đường phải nhập khẩu, lần đầu tiên trong năm 2012, ngành đường không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa với tổng sản lượng ước tính đạt 1,57 triệu tấn, mà còn có khả năng đảm bảo luân chuyển gối vụ và dư thừa khoảng 70.000 tấn. Ước hiện còn khoảng 366.000 tấn đường còn tồn kho tại các nhà máy.
Làm gì để nụ cười người nông dân luôn nở trên môi? |
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 100.000 tấn đường; đồng thời kiến nghị luôn việc mua tạm trữ đường theo cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất cho các doanh nghiệp mua tạm trữ 200 tấn đường trong thời hạn 3 tháng, bắt đầu từ tháng 5-2012.
Trong khi đó, gần như cùng lúc, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương đang tổng hợp nhu cầu của các doanh nghiệp kiến nghị nhập khẩu khoảng 270.000 tấn đường. Một số chuyên gia am tường ngành đường lý giải, sở dĩ có chuyện “hô nhập” trái khoái này là vì một lẽ đương nhiên là nhập đường… rẻ hơn mua trong nước do thuế nhập khẩu đường giảm, chỉ cần đặt cọc khoảng 10% giá trị hợp đồng khi mở L/C, trong khi mua trong nước giá cao hơn.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất mía đường có bán đường cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát trong nước, nhưng không nhiều. Trong khi nhiều nhà máy có lượng đường cần bán với số lượng lớn nhưng không tiếp cận được với những doanh nghiệp này. Theo quy định, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2012, hạn ngạch nhập khẩu đường là 70.000 tấn, trong khi nhu cầu nhập khẩu đường gần 270.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn.
Quản lý điều hành với sự can thiệp bằng các công cụ thuế, xuất nhập khẩu và hàng loạt chính sách khác đối với loại hàng hóa nhạy cảm như đường mía là rất cần thiết. Nhưng dường như số phận của cây mía, hạt đường đang bị đánh đu do sự bất cập bởi thông tin “cung – cầu”, “nhập – xuất”, “khan hiếm – dư thừa” đường mía. Những thông tin tù mù không biết tin ai, khiến cho dân luận không khỏi nghi vấn. Khó có thể tin được với thông tin cùng lúc, kẻ hô nhập khẩu, người đòi nhà nước trợ giá mua tạm trữ đường. Ai cũng có lý, nhưng đâu là chân lý?
Cùng với mua lúa tạm trữ, việc mua đường tạm trữ để đảm bảo cung cầu cũng rất cần thiết; nhưng vấn đề mang tính quyết định là phục vụ lợi ích cho ai? Người tiêu dùng, người trồng mía hay doanh nghiệp chế biến? Đó là câu hỏi đặt ra cho ngành mía đường.
Trần Hiệp Thủy
Nhận xét
Đăng nhận xét