Liên kết nghiên cứu và chuyển giao KHCN vùng đồng bằng sông Cửu Long được đề cập khá nhiều. Ai cũng nhận thấy liên kết là giải pháp cần thiết để giúp khu vực này ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển tam nông... Tuy nhiên, ai đứng ra liên kết, liên kết như thế nào và cơ chế ra sao… đang là những vấn đề còn bỏ ngỏ...
Thành quả từ ứng dụng KHCN
KHCN phục vụ nông nghiệp cần liên kết vùng (Ảnh: hiepcantho) |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây chủ lực của cả nước (chiếm hơn 50% về giá trị và sản lượng), có vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, phát triển KT - XH của đất nước.
Giai đoạn 2006 - 2010, hoạt động KHCN đã phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã giúp các địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ ứng dụng những thành tựu KHCN, ĐBSCL đã phát triển mạnh những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, cây ăn quả, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản.
Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp ĐBSCL. Các nhà khoa học đã lai tạo được nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với những vùng đất có điều kiện canh tác 3 vụ/năm, có khả năng chịu phèn, thích ứng đất nhiễm mặn, đưa năng suất hiện nay đạt trên 52 tạ/ha. Với 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác ở vùng ĐBSCL cho năng suất tăng hơn các giống cũ 10% (bình quân đạt 4,8 tấn/ha trở lên), góp phần tăng sản lượng thêm 500.000 đến 790.000 tấn, làm lợi cho nông dân nhiều trăm tỷ đồng.
Các tỉnh ĐBSCL hiện đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực, cá tra, cá ba sa, với năng lực sản xuất 12 tỷ cá bột/năm; làm chủ công nghệ sản xuất tôm giống, với sản lượng khoảng 25 tỷ con/năm; sản xuất giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư… phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Từ thành công trong nghiên cứu, làm chủ các công nghệ sản xuất các loại giống thủy sản đã mở ra các nghề nuôi thủy sản mới, tạo cơ sở cho việc hình thành chương trình xuất khẩu các loại thủy sản với triển vọng đạt tổng giá trị 500 triệu USD/năm và tiết kiệm khoảng 100 triệu USD/năm tiền nhập con giống. Việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong công nghiệp chế biến bảo quản nông – thủy sản cũng từng bước được đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ.
Cần cơ chế liên kết
Mặc dù có vị trí, vai trò to lớn như vậy nhưng hiện nay, ĐBSCL chưa được đầu tư nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống các cơ sở luận cứ khoa học, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đồng bộ, hiện đại để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Đồng thời đưa ra các phương án, giải pháp KHCN hiệu quả phục vụ quy hoạch, phát triển KT-XH; ứng phó với biến đổi khí hậu mà theo cảnh báo khu vực này sẽ chịu tác động nặng nề.
Theo các chuyên gia, để ĐBSCL phát triển vững chắc thì một trong những yếu tố cơ bản là cần xây dựng những cơ chế liên kết hữu hiệu và khung pháp lý đặc thù. Phó giám đốc Sở KH-CN Cần Thơ Nguyễn Ý Nguyện cho rằng, việc hình thành chương trình liên kết là cần thiết và nó sẽ mở ra hướng mới cho ĐBSCL, nhưng cần có một cơ chế rõ ràng. Tuy nhiên, theo bà Nguyện, cái khó nhất ở đây là cơ chế phối hợp, trước đây Cần Thơ có làm chương trình về cây ăn quả đối với các tỉnh trong vùng, nhưng cái khó khăn lớn nhất vẫn là thanh toán quyết toán, hiện nay phân cấp tài chính cấp vùng không có, từng địa phương phải chi riêng theo Luật Ngân sách nhà nước. Do đó kinh phí cấp ra phải hoạt động trên địa bàn từng tỉnh, chứng từ tỉnh đó phải lưu giữ. Vì vậy nếu đưa ra một đề tài mà cần huy động nguồn kinh phí từ các địa phương thì ai sẽ là người giữ nguồn kinh phí này?… Hay về các lĩnh vực liên kết cũng cần phải bàn nhiều như về sinh thái không phải tất cả các địa phương trong vùng đều giống nhau, về lĩnh vực môi trường, biển, con giống chất lượng… cũng như vậy, vì thế liên kết như thế nào rất cần một nghiên cứu chung.
Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Ts Nguyễn Văn Sánh nhấn mạnh, liên kết vùng là cơ hội rất lớn để nghiên cứu và chuyển giao KHCN có chiến lược, có trọng tâm và trọng điểm nhằm hỗ trợ chương trình tam nông địa phương và vùng hiệu quả hơn... Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là điều kiện nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế. Việc ứng dụng khoa học còn gặp một số khó khăn do sự gắn kết từ viện, trường, cơ quan nghiên cứu chưa chặt chẽ. Một số kết quả nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu nhưng chưa ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn lực khoa học và cơ chế quản lý khoa học.
Ts Nguyễn Văn Sánh cho rằng, cần có sự lồng ghép giữa những chương trình nghiên cứu khoa học để tránh trùng lắp. Mỗi chương trình đó phải làm sâu, có địa chỉ cụ thể, ứng dụng cho từng địa phương cụ thể. KHCN là nền tảng cho những ứng xử khác. Do vậy, khi nói đến liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) thì phải có chủ đề, có chương trình mục tiêu của Nhà nước, phải có giá trị khoa học thì mới ứng dụng được. Muốn vậy, điều đầu tiên phải có liên kết vùng. Và để thực hiện liên kết vùng cần phải có sự liên kết giữa các bộ, ngành Trung ương với các tỉnh, thành, sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và có vai trò của nhà khoa học.
Liên quan đến vấn đề này, được biết, Bộ KH-CN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đối với ĐBSCL một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Theo đó, những kết quả nghiên cứu từ chương trình sẽ là cơ sở quan trọng tạo sự gắn kết bền chặt, hướng tới mục tiêu chung - vì ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng.
Trần Hồng - Phương Nga
Nhận xét
Đăng nhận xét