(Chinhphu.vn) – Sáng nay, 22/4, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ và VTV Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.
Truyền hình trực tuyến
Quang cảnh Tọa đàm trực tuyến |
Còn 5 ngày nữa tại thành phố Cần Thơ sẽ chính thức diễn ra rất nhiều hoạt động chào mừng 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là dịp các địa phương trong vùng đánh giá lại kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (giai đoạn 2001-2010).
Trong thành tựu 10 năm của vùng Tây Nam Bộ trước hết là việc phát huy nội lực, nhưng điểm quan trọng có thể nhìn thấy rõ nhất là Trung ương quan tâm đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm mang tính đột phá là: Phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi và giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực. Thành tựu đạt được của Tây Nam Bộ trong 10 năm qua là khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tạo tiền đề cho cả vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được ấy, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan về những điểm yếu còn tồn tại khiến cho ĐBSCL phát triển chậm và thiếu tính bền vững. Với ý nghĩa như vậy, hôm nay, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và VTV Cần Thơ tổ chức chương trình Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL” . Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV Cần Thơ, được truyền trực tuyến trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ và trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tham dự buổi toạ đàm trực tuyến, có các đồng chí:
- Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Bùi Ngọc Sương.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức - Thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn.
- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh.
Thưa quí khán giả và các vị khách mời, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, diện mạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều thay đổi. Sân bay, cầu, đường giao thông được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những chính sách đảm bảo đời sống cho người nông dân, từng bước nâng cao thu nhập trên diện tích đất của mình thông qua các mô hình sản xuất như trồng lúa, nuôi cá... Có quá nhiều thành tựu đáng tự hào, thưa ông Bùi Ngọc Sương- Phó Trưởng ban - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, theo ông đâu là những thành tựu quan trọng, nổi bật nhất trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL 10 năm qua? Đây là câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm.
BTV:
Ông Bùi Ngọc Sương: Trong 10 năm qua, có thể nói thành tựu hạ tầng là quan trọng nhất. Nguồn vốn đầu tư đã tập trung cho 3 khâu đột phá là giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo và y tế, an sinh xã hội. Từ đó, tương trưởng của vùng gần 12% mỗi năm trong 10 năm qua, quy mo GDP gấp 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần khu vực 2 và 3.
Ông Cao Đức Phát |
BTV: Đạt được những kết quả như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được sự quan tâm rất thiết thực từ phía các bộ, ngành trung ương. Trên từng lĩnh vực cụ thể, các khách mời của chương trình sẽ có đôi nét nhận xét về sự phát triển này. Trước là hết xin mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Ông Cao Đức Phát: Trong hơn 10 năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã đầu tư lớn cho công tác thuỷ lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.000 tỷ đồng để hoàn thành 73 dự án gồm xây dựng kênh mương, cống đập thoát lũ, tăng khả năng cấp nước, tưới, ngăn mặn, tạo điều kiện thuận lợi phát huy thế mạnh nông nghiệp của vùng.
Ông Phạm Vũ Luận |
BTV: Tiếp theo là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin mời ông Phạm Vũ Luận.
Ông Phạm Vũ Luận: Lĩnh vực giáo dục 10 năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2008-2010, Chính phủ đã đầu tư 2.600 tỷ đồng.
Các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo, các dự án của bộ đều coi vùng này là vùng trọng điểm, ưu tiên trên tất cả lĩnh vực, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, hỗ trợ học sinh sinh viên, hỗ trợ giáo dục dân tộc. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy, mạng lưới trường lớp của giáo dục và đào tạo đồng bằng sông Cửu Long có bước tăng trưởng nhanh. Giáo dục mầm non tăng 685 trường (73%), giáo dục tiểu học tăng 179 trường (5,6%), trung học cơ sở tăng 230 trường (18,9%) và các trường trung học phổ thông tăng 68 trường (18,9%).
Về các trường đại học và cao đẳng, hiện vùng có 12 trường đại học với 1 phân hiệu Đại học Nha Trang tại Kiên Giang và 27 trường cao đằng. Về cơ bản các tỉnh trong vùng đều có cơ sở đào tạo cao đẳng và một số nơi có cơ sở đại học. Quy mô sinh viên chính quy hiện trên 118.000 SV, tăng 1,6 lần so với 2002, các cháu sinh viên là người của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long mà học trên cả nước năm 2010 là 57.200 SV, tăng 2,7 lần so với 2002.
Ông Ngô Thịnh Đức |
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức - Thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Trong 10 năm qua, ngành Giao thông vận tải tại ĐBSCL đã được tập trung đầu tư lớn. Về đường bộ thì toàn bộ hệ thống cầu trên Quốc lộ 1 đã xong, chúng ta có thể đi thẳng từ Lạng Sơn về Năm Căn. Thứ hai, đã nâng cấp trên 27 ngàn km đường các loại, với tổng kinh phí đầu tư của Nhà nước cho khu vực lên tới 75 ngàn tỷ đồng trong 233 ngàn tỷ đồng cả nước, chiếm trên 33%.
Hệ thống đường bộ đã kết nối liên vùng, chúng ta đã xây dựng tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Phụng Hiệp, đang xây dựng tuyến xuyên Đồng Tháp Mười, sắp tới sẽ kết nối bằng các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh.
Đường thủy là một lợi thế của ĐBSCL, chiếm 60, 70% khối lượng vận tải hàng hóa. Chúng ta đã xây dựng tuyến TPHCM-Kiên Lương, TPHCM-Càu Mau, đang xây dựng tuyến Đồng Tháp Mười qua vùng tứ giác Long Xuyên… Chúng ta xây dựng cảng Cái Cui, luồng tàu biển với sông Hậu…
Thứ ba, chúng ta đã đầu tư xây, dựng, hoàn chỉnh sân bay Cần Thơ để có thể tiếp nhận máy bay lớn, sân bay Cà Mau, Phú Quốc….
Ông Nguyễn Thanh Sơn |
BTV: Ba địa phương Cần Thơ, An Giang và Hậu Giang được đánh giá là có những bước chuyển mình khá rõ nét sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Từ góc nhìn địa phương, sau 10 năm, đâu là những đổi thay rõ nét nhất trong phát triển kinh tế - xã hội? Trước hết xin mời ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Bí thư Thành Ủy - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết, tôi rất đồng tình với nhận định mà các đại biểu vừa nêu.
Thành tựu đầu tiên thể hiện rõ nét nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ngoài đầu tư đường bộ, thuỷ, cảng. Tại Cần Thơ còn xuất hiện trung tâm nhiệt điện Ô môn và tổ máy số 1 đã đưa vào hoạt động.
Còn các công trình khác như Cảng Cái Cui, một số đường vừa của Cần Thơ, có tác động lan toả như quốc lộ 91, đường nối Nhị Thanh-Cần Thơ… các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng được nâng 1 bước. Về giáo dục thì như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói.
Về y tế cũng có bước đầu tư phát triển đáng kể. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, hiện Cần Thơ sau khi thực hiện Nghị quyết 21, có thêm 3 trường đào tạo nguồn nhân lực là chi nhánh của Đại học Kiến trúc của TPHCM, Đại học Tây Đô, Học viện chính trị 4. Chính những nhân tố này đã góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội thành phố cũng như cả vùng.
Riêng những nhân tố này đã tác động rất lớn đến phát triển thành phố Cần Thơ. Về tốc độ phát triển 10 năm qua của Cần Thơ, bình quân tăng 14,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 6 lần so với 2001 và đạt mức gần 50 triệu đồng/người năm 2011.
Phải nói rằng, Nghị quyết 21 đã tác động lớn với thành phố, tạo điều kiện để cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (khu vực 1 chiếm hơn 11%, khu vực 2 chiếm 43%, khu vực 3 chiếm hơn 45%). TP cũng chính thức được công nhận là đô thị loại 1.
BTV: Xin được tiếp tục cuộc tọa đàm bằng câu hỏi từ ông Nguyễn Đông Phong, ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: “Xin được hỏi về vai trò, chức năng và những đóng góp của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL? “. Với câu hỏi này, một lần nữa xin mời ông Bùi Ngọc Sương.
Ông Bùi Ngọc Sương: Theo Quy định 89 của Bộ Chính trị, chức năng nhiệm vụ của BCĐ Tây Nam Bộ là giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương, Chính phủ đối với vùng; đồng thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để Trung ương, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cho vùng.
Thời gian qua, BCĐ đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ với vùng, đề xuất các cơ chế chính sách, định hướng phát triển mới.
Đặc biệt, từ 2007 đến nay, BCĐ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và TPHCM tổ chức diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, tại đây nhiều vấn đề được đặt ra để kiến nghị với Đảng, Nhà nước đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn với vùng…
BTV: Thông qua các chính sách liên kết vùng, đầu mối phối hợp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách …của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các địa phương trong vùng cho biết thêm về những đóng góp của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đối với sự phát triển của địa phương mình nói riêng và cả vùng nói chung. Xin mời lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Ông Vương Bình Thạnh: Qua ý kiến của khán giả và ông Bùi Ngọc Sương, đã thể hiện rõ vị trí vai trò chức năng, cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thực hiện theo Quy định 89 của Bộ Chính trị. Có thể nói thời gian qua, Ban chỉ đạo đã cùng với các địa phương, bộ ngành trung ương giúp Bộ Chính trị triển khai các nghị quyết, chỉ thị và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua tôi thấy, thực hiện nhiệm vụ này, 10 năm qua, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được cụ thể hoá tốt nhất thông qua 3 đột phá. Các đột phá này được thể hiện bằng 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về lĩnh vực giao thông có Quyết định 344, về giáo dục đào tạo có Quyết định 20, về thuỷ lợi có Quyết định 84.
Cũng như chúng ta vừa nghe, trong 10 năm qua, từ khi có sự tác động, thúc đẩy của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, sự đầu tư phát triển được tăng cường như giao thông được đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, nông nghiệp hơn 15.000 tỷ đồng, giáo dục hơn 2.600 tỷ đồng. 3 đột phá này từ khi có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương từng bước thúc đẩy nhanh hơn.
Gần đây, bức xúc của đồng bằng sông Cửu Long như chúng ta biết là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Giải quyết vấn đề này có Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù việc thực hiện còn khó khăn.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không thể nào đi riêng lẻ, mà phải có sự liên kết vùng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có tiếng nói chung, tập trung, có một cơ chế chính sách để tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển. Thời gian qua chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực.
Đối với An Giang, từ khi ban hành QĐ 80, chính sách này được thực hiện tốt, tính liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân tăng lên, điển hình như mô hình cánh đồng mẫu, đây là mô hình lý tưởng cho định hướng trong tương lai, thúc đẩy không những cho trong vùng mà còn áp dụng cho cả nước.
Ông Trần Thành Lập:
Ông Trần Thành Lập:
Vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo trong sự phát triển của vùng rất quan trọng từ điều phối đến thay mặt các cơ quan trung ương chỉ đạo các địa phương thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Chúng tôi cũng cho rằng, với 10 năm phát riển đó, Ban chỉ đạo đã làm tốt vai trò của mình trong phối hợp, điều hoà giữa các địa phương trong phát triển từ quy hoạch tới tổ chức diễn đàn, sắp tới là vai trò chỉ đạo thực hiện việc thích ứng biến đổi khí hậu ở vùng. Đặc biệt thành tựu 10 năm qua cũng khẳng định vai trò của Ban chỉ đạo.
Độc giả Lý Văn Thông, Bùi Quốc Việt: Cần Thơ là trung tâm kinh tế, có giải pháp nào để Cần Thơ phát triển nhanh hơn?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Xin cám ơn độc giả, phải nhìn nhận rằng trong thời gian qua, Cần Thơ phát triển khá nhanh và toàn diện. Tuy nhiên, sự phát triển của TP chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân khu vực, nhân dân cả nước về vai trò của một trung tâm có tác động lan tỏa tới toàn vùng.
Vấn đề này đã được Bộ Chính trị đánh giá khi tổng kết Nghị quyết 45 về phát triển Cần Thơ. Có nguyên nhân từ kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, từ việc TP có điểm xuất phát thấp, hạ tầng yếu kém. Đồng thời, việc đầu tư hỗ trợ của Trung ương cho TP vẫn còn hạn chế và cần sự ủng hộ nhiều hơn từ các Bộ, ngành.
Về chủ quan, trong thời gian qua, Cần Thơ chưa khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh, chưa đề ra được chiến lược phát triển thực sự phù hợp…
Ông Vương Bình Thạnh |
Ông Ngô Thịnh Đức: Theo quan điểm của tôi, về giao thông, phải đẩy mạnh liên kết vùng. Mười năm trước đây, vùng bị chia cắt bởi sông Tiền, sông Hậu, chúng ta đã xây dựng một loạt các cầu để phục vụ mục tiêu liên kết, nếu chỉ đầu tư cho một địa bàn thì sẽ rất khó. Lợi thế của Tây Nam Bộ là cả vùng có đặc điểm địa lý tương đối giống nhau, sản phẩm khá giống nhau… Tuy nhiên, trong toàn khu vực, vẫn phải có trọng điểm phát triển gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau để thúc đẩy toàn khu vực phát triển.
Ông Vương Bình Thạnh: Tôi rất đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải liên kết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492 về địa bàn kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, đây là vùng kinh tế trọng điểm thứ 4 của cả nước.
Tuy nhiên, trong xu thế giảm dần tỷ trọng đầu tư công, chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để vùng có thể huy động nguồn lực phục vụ phát triển, bằng nhiều hình thức để tăng cường sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách như ODA, hợp tác công - tư PPP, tăng cường liên kết vùng… để có thể tạo đột phá trong phát triển.
Thắc mắc về vấn đề liên kết vùng, ông Lê Văn Hải (Năm Hải) ở địa chỉ email namhai65@...com.vn hỏi: Gần đây tôi nghe thấy đài, báo nhắc nhiều đến vấn đề liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL. Đây không phải là vấn đề mới. Phải chăng chúng ta đã có sự thay đổi nhận thức về vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL?
Ông Bùi Ngọc Sương: Đúng như thắc mắc của ông Lê Văn Hải, vấn đề liên kết vùng không phải mới được đặt ra. Nhưng vấn đề là nội dung liên kết như thế nào, ai thực hiện, ai điều phối. Đây là vấn đề quan trọng. Trong diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long-Cà Mau 2011 với chủ đề liên kết vùng để phát triẻn bền vững đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diễn giả, nhà khoa học đặt ra vấn đề này. Diễn đàn nêu ra các vấn đề tôi rất đồng tình. Thứ nhất, liên kết quy hoạch toàn vùng để phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực.
Thứ 2, liên kết đầu tư. Như ông Ngô Thịnh Đức vừa nói, 1 con đường không thể chỉ thuộc 1 địa phương nào, mà nó đi qua rất nhiều tỉnh. Cả giao thông đường thuỷ cùng vậy.
Thứ 3 là liên kết phân bổ vốn đầu tư. Trở lại vấn đề quy hoạch, không phải tỉnh nào cũng có cảng biển... nhưng lợi thế tiềm năng là gì thì trong quy hoạch của địa phương đó phải nêu ra để chúng ta phát huy lợi thế của địa phương đó. Hay đào tạo nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần liên kết.
Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, liên kết mới nhất, thời sự nhất là liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi đồng bằng sông Cửu Long là vùng ngập trước. So với các địa phương trong cả nước thì liên kết trong vùng ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào? Hay như liên kết chia sẻ thông tin.
Liên kết vừa qua cho thấy hiệu quả nhất khi người thực hiện là doanh nghiệp, qua việc trao đổi hiệu quả sản xuất, tiêu thụ hàng hoá các mặt hàng chủ lực. Trong hội thảo, vấn đề ai điều phối liên kết, cũng có diễn giả đặt ra nên thành lập uỷ ban điều phối chung các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cũng có ý kiến rằng, làm như vậy trái luật. Cơ chế liên kết vùng cần phải trình Chính phủ phê duyệt và giao ai điều phối. Nếu chỉ nói miệng thì không ai chịu ai. Đó là 1 vấn đề mà hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với bộ ngành trung ương đang xây dựng đề án liên kết đồng bằng sông Cửu Long về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có 5 dự án thành phần là dự án sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, dự án sản xuất và tiêu thụ trái cây, dự án sản xuất và tiêu thụ cá tra và tôm, dự án liên kết về đào tạo nghề nông thôn và dự án các cơ chế chính sách thực hiện các vấn đề trên. Chúng tôi đang triển khai vấn đề này.
BTV: Xin hỏi ông Bùi Ngọc Sương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có sẵn sàng thực hiện vai trò điều phối chung cho toàn vùng và cơ chế nào để Ban Chỉ đạo có thể đảm đương vai trò này?
Ông Bùi Ngọc Sương: Lâu nay, chúng tôi vẫn thực hiện một phần vai trò điều phối chung cho toàn vùng. Tuy nhiên, để có tư cách pháp nhân, cần xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng của từng cơ quan, và nếu được giao, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm thực hiện vai trò điều phối chung cho toàn vùng.
Khán giả Đỗ Thanh Hải- Khánh Hòa đặt câu hỏi: Để thiết lập được các mối liên kết vùng, trước hết cần xác định những thế mạnh, lợi thế cạnh tranh trên bình diện quốc gia, quốc tế của cả khu vực, của từng địa phương. Đâu là những thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của cả vùng ĐBSCL và từng địa phương?
: Xin trở lại vấn đề liên kết vùng, tôi thống nhất với anh Bùi Ngọc Sương về vai trò của liên kết vùng, thực ra đây là quy luật tất yếu của phát triển. Nếu chúng ta cắt khúc manh mún theo từng địa phương thì sự phát triển không bền vững, sự cạnh tranh giữa các địa phương sẽ triệt tiêu động lực phát triển.
Một số lĩnh vực mà chúng tôi cho rằng mang tính tự nhiên cần liên kết là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, môi trường hay ứng phó biến đổi khí hậu, thậm chí là hạ tầng dùng chung, kể cả hạ tầng viễn thông, cảng biển, cảng sông… tất cả những hạ tầng dùng chung này mang tính quy luật của sự liên kết. Và nếu chúng ta cứ phát triển theo địa giới hành chính, đồng nghĩa triệt tiêu động lực phát triển. Còn vai trò của đầu tàu quản lý hay cơ quan quản lý thì đòi hỏi phải có cơ chế và xây dựng cơ chế liên kết và phải có cơ quan điều phối.
Tôi nghĩ rằng, trước mắt không ai thay thế được Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Còn trong sự phát triển chung của vùng, lợi thế vẫn là nông nghiệp. Đây là lợi thế tiềm năng duy nhất của Việt Nam, chính vì vậy, sự liên kết để tạo nên hàng hoá lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước là rất quan trọng. Điều đó đòi hỏi quy hoạch và phối hợp điều phối với nhau, trên cơ sở đó các địa phương cùng thực hiện và cùng đầu tư phát triển.
Với Hậu quang, 10 năm qua, chúng tôi xác định là 1 tỉnh mới chia tách, có nhiều điểm nghẽn. 3 lĩnh vực chủ yếu là kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì thế, những năm qua, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, bộ, ngành trung ương đặc biệt là chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, chúng tôi tập trung giải quyết 3 vấn đề đó, tháo được 1 phần điểm nghẽn. Đặc biệt là việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Một mặt chúng tôi huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển giao thông thuỷ lợi ở nông thôn, mặt khác, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải để đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đối ngoại, từ đó, Hậu Giang bớt sự chia cách giữa các địa bàn với nhau, nối từ Kiên Giang qua Sóc Trăng, từ Cần Thơ đi Hậu Giang.
Đây là các trục đối ngoại mà chúng tôi cho rằng 10 năm qua, với sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương mà chúng tôi đã làm được.
Đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp, Hậu Giang có cái chung của vùng là lúa, cá, tuy nhiên, tỉnh cũng có một số sản phẩm các địa phương khác phát triển không như Hậu Giang như cá Thác Lác. khóm Cầu Đúc… Đây là những sản phẩm đặc thù mà chúng tôi tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu đáp ứng như cầu phát triẻn của địa phương trong sự phát triển chung của vùng.
Ông Vương Bình Thạnh: Muốn thực hiện liên kết vùng phát triển bền vững, chúng tôi rất nhất trí và ủng hộ ý kiến của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Chúng ta muốn phát triển bền vững, phải làm đúng, bài bản, phải có quy hoạch, đề án, dự án cụ thể.
Trong khu vực, không phải tỉnh nào cũng giống tỉnh nào. Như An Giang, lợi thế mạnh nhất là dịch vụ, chiếm tới 54% trong cơ cấu. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ cũng có thể đứng đầu khu vực vùng. Chúng tôi tiếp tục phát triển lĩnh vực này.
Ngoài ra, An giang còn có 1 vấn đề là kinh tế biên mậu, biên giới, giao thương. Kim ngạch của An Giang chiếm gần 70% tổng xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới Campuchia.
Chúng tôi hướng tới tiếp tục làm sao để hàng hoá của chúng ta tiếp tục xuất khẩu mạnh qua biên giới Campuchia. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện 2 cửa khẩu quốc tế.
Một thế mạnh nữa của tỉnh là nông nghiệp. Chúng tôi hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, quy mô sản xuất. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Muốn nâng cao tính liên kết, chúng tôi đồng tình ủng hộ đề án của Ban chỉ đạo trong đó có 5 dự án cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
BTV: Việc liên kết vùng trong nông nghiệp đã được triển khai, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Xin Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ý kiến về vấn đề này.
Ông Cao Đức Phát: Chúng ta đã thảo luận nhiều nhưng vấn đề chính là triển khai thực hiện như thế nào. Vừa qua, nhiều mô hình tốt đã xuất hiện mà gần đây nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn – một cơ chế rất tốt để thực hiện liên kết 4 nhà, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp, có sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học. Chúng ta cần tiếp tục tìm các mô hình, cơ chế triển khai cụ thể để có thể phát triển hiệu quả.
BTV:
Ông Phạm Vũ Luận: Trong giáo dục đào tạo, có 2 nội dung liên kết: Một là liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với doanh nghiệp và địa phương trong cung cấp nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học…; hai là liên kết các cơ sở giáo dục đào tạo với nhau.
Về liên kết thứ nhất, chúng tôi đã có chỉ đạo các trường tại TPHCM, các trường trong vùng thay đổi nội dung giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu của vùng, tạo điều kiện cho các cơ sở đi thực tế, tiếp thu các yêu cầu của thực tế để nghiên cứu, giải quyết…
Về liên kết thứ hai, hiện Đại học Cần Thơ giữ vị trí đầu tàu trong vùng, chúng tôi đã giao Đại học Cần Thơ đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các cơ sở khác; tiếp tục xây dựng một số trường đại học trong khu vực; chỉ đạo Đại học Quốc gia và một số trường có bề dày tại TPHCM liên kết với các cơ sở tại ĐBSCL để nâng cao chất lượng đào tạo…
BTV: Có 1 khán giả gọi điện về qua tổng đài điện thoại nhưng chưa hẳn là 1 câu hỏi, mà đưa ra 1 vấn đề cần tháo gỡ. Nội dung như thế này : Theo tôi, để liên kết vùng hiệu quả, cần bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy của ngay chính những lãnh đạo địa phương. Thay vì tư duy địa phương, cần phải có tư duy khu vực. Thực hiện sự thay đổi này không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Tôi rất đồng tình với ý kiến của khán giả. Như chúng ta biết, xuất phát từ nhu cầu phát triển của địa phương mình nên lãnh đạo địa phương thường có chương trình phát triển mang tính chất độc lập của địa phương. Thời gian qua, điều này bộc lộ nhiều hạn chế như phóng sự vừa xem, địa phương nào cũng muốn có nhà máy đường, rồi phong trào xi măng lò đứng…
Thứ 2 là vấn đề “bắt chước” - người ta có gì mình có nấy. Để đạt được liên kết vùng, lãnh đạo địa phương phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn, vừa khai thác thế mạnh của địa phương, vừa của vùng, từ đó, phát triển bền vững toàn vùng, trong đó có địa phương mình.
Độc giả Trần Văn Ánh tại địa chỉ trananh1962@...com đặt vấn đề: Là một người dân trong vùng, tôi thấy trong 10 năm qua, vùng đã có bước phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn còn những vùng trũng về nhiều lĩnh vực. Sắp tới, có giải pháp như thế nào để để xóa các vùng trũng này?
Ông Ngô Thịnh Đức: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của khán giả về hiện tượng “trũng” của vùng so với khu vực khác, dĩ nhiên là tương đối vì Tây Bắc, Tây Nguyên còn có khó khăn hơn.
Tôi cũng đồng tình với ý kiến của các đồng chí tại đây là chúng ta cần chuyển suy nghĩ địa phương thành suy nghĩ liên kết vùng về hạ tầng, về nguồn nhân lực... Riêng với lĩnh vực giao thông vận tải, các quy hoạch luôn được xây dựng cho toàn vùng. Với Quyết định số 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ cho vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, chúng tôi cũng xây dựng một quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông cho vùng này.
Tôi cho rằng, nếu tập trung nguồn lực, trong 10 năm tới, cái “trũng” về giao thông vận tải là có thể xóa được với cầu Cao Lãnh, Vàm Cồng, kết nối trục thứ 2 xuyên Đồng Tháp Mười, từ TPHCM đi Long An, Tiền Giang, về Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang; khi hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh, khi cơ bản giải quyết xong hệ thống giao thông huyện xã...
Về nguồn lực, tôi đồng ý là nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước là không ổn, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, trên hết phải có chiến lược được người dân đồng thuận...
BTV: Cuộc toạ đàm của chúng ta xin được chuyển sang về lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều vấn đề được đặt ra cho hàng hoá nông sản của vùng đất Chín rồng này. Trước hết là câu hỏi: Làm sao để vừa không cạnh tranh trên sân nhà, vừa xây dựng được những thương hiệu “mạnh” cho hàng hóa nông - thủy - hải sản đặc trưng của vùng ĐBSCL? (muốn thương hiệu mạnh thì hàng hóa đó phải độc đáo, chất lượng vượt trội, có hệ thống phân phối tốt. Trong khi đó việc nhiều địa phương cùng có một loại trái cây, một loại cá, và ở đâu cũng ngon... thì yếu tố nổi bật là rất khó khẳng định). Như vậy đâu là lời giải? Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Ông Cao Đức Phát: Theo tôi, hướng mà chúng ta cần phát triển đó là phát huy lợi thế, thế mạnh của vùng và từng địa phương. Theo thông tin chúng tôi có, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trồng lúa nước tập trung thuộc loại tốt hàng đầu so với các nước trên thế giới. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi nuôi cá tra nhiều và có năng suất hàng đầu trên thế giới. Vùng có nhiều loại trái cây ngon so với các địa phương khác trong cả nước. Do vậy, trước hết chúng ta nên tập trung phát huy những lợi thế này, mặt khác, mỗi tỉnh cũng có lợi thế riêng cũng cần phải tập trung phát huy.
BTV
Ông Cao Đức Phát: Những thành tựu mà chúng ta chưa đạt được vẫn chưa được như mong đợi, đặc biệt là khi muốn xây dựng các thương hiệu gạo. Trong thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực phấn đấu nhưng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu ở phân khúc chất lượng trung bình, cần có giải pháp nâng cao hơn… Chúng ta cũng đã có những thương hiệu gạo gắn liền với các doanh nghiệp như Vinafood 1, 2 – những thương hiệu mạnh trên thị trường gạo thế giới, đặc biệt là Vinafood 2…
BTV: Vấn đề cũng được xem là khá bức xúc ở vùng đồng bằng Cửu Long, là giáo dục – đào tạo. Xin mời ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời câu hỏi của khán giả Hồng Nhanh- 1 sinh viên của Trường Đại học An Giang với nội dung: Chất lượng giáo dục ở các tỉnh Miền Tây vẫn ở vùng trũng của cả nước, Tại sao vậy? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực này?
Ông Phạm Vũ Luận: Có thể nói chất lượng giáo dục các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn còn ở vùng trũng so với nhiều vùng trong cả nước, do nhiều nhân tố như điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa xã hội; đặc điểm dân cư sinh sống và tổ chức sản xuất phân tán, rồi do hậu quả chiến tranh...
Những điều kiện như vậy khiến tổ chức hoạt động giáo dục, dạy và học ở đây rất khó khăn, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu đội ngũ thầy cô giáo diễn ra nhiều năm…
Ngoài ra, còn có những khó khăn liên quan đến giáo dục cho đồng bào dân tộc, cho đồng bào nghèo…
Hiện, vùng còn thiếu nhiều điều kiện cho hoạt động bình thường của thầy và trò, còn thiếu điều kiện để có thể nâng cao chất lượng… Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư tiếp để đảm bảo đủ các điều kiện cho hoạt động của các thầy cô và học sinh, về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất… Trên cơ sở đó, chất lượng sẽ từng bước nâng lên. Tôi tin tưởng rằng, những kết quả về giáo dục vùng Tây Nam Bộ như chúng tôi đã trình bày, thời gian qua mới chỉ dừng lại ở chỉ tiêu số lượng, sẽ tích tụ và chuyển thành kết quả về chất lượng trong thời gian tới.
BTV: Để làm được điều này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cần có những giải pháp gì để hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo?
Ông Bùi Ngọc Sương: Tôi cho rằng, xuất phát điểm của ĐBSCL là thấp, trong khi do điều kiện lịch sử, nhận thức của người dân nơi đây là “làm chơi ăn thiệt” nên chưa chú trọng học hành, nhưng nhận thức này đã dần thay đổi… Do đó, các địa phương cần tiếp tục các giải pháp để thay đổi nhận thức người dân, để con em có học vấn càng cao càng tốt. Đây là giải pháp rất quan trọng.
BTV: Khi nói đến Đồng bằng sông Cửu Long thành tựu sau 10 năm, điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất là hạ tầng giao thông đã thay đổi. Cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, sân bay, cảng biển….đã hình thành, tạo nên sự phát triển khá bền vững cho vùng đất này. Xin mời Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Ngô Thịnh Đức trả lời câu hỏi của khán giả Phan Văn Nhơn- cán bộ hưu trí- TP. Vị Thanh - Hậu Giang:
-Tôi hoàn toàn đồng ý với phân tích của các vị diễn giả ở phần đầu cuộc đối thoại này. Việc phát triển mạnh hạ tầng giao thông đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho ĐBSCL. Tuy nhiên nhu cầu tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn, trong khi đó nguồn lực của địa phương, nhà nước là có giới hạn. Bộ Giao thông - Vận tải đã có những đáp án nào cho bài toán này?
Ông Ngô Thịnh Đức: Thật sự đây là câu hỏi khó mà hiện nay không những Bộ Giao thông vận tải, mà Đảng, Chính phủ cũng đang tập trung giải quyết. Giao thông là một trong 3 mũi đột phá, tuy nhiên chúng ta phải khẳng định một điều, giao thông đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều việc phải làm, chi phí cho giao thông vùng thường lớn hơn so với chi phí cho giao thông các vùng khác, do địa chất yếu, địa hình chia cắt.
Do vậy, nguồn lực cho đồng bằng sông Cửu Long trong một vài năm tới cần rất nhiều. Chúng tôi sẽ tập trung ở mấy việc sau: khi thống nhất về quy hoạch và chiến lược, sẽ phối hợp giữa địa phương và Trung ương, vấn đề nào Chính phủ làm, Chính phủ sẽ đầu tư, chủ yếu về xây dựng còn gảii phóng mặt bằng, các địa phương sẽ cùng góp sức với Trung ương.
Thứ 2, về nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn của Trung ương làm vốn mồi, ví dụ chúng ta đầu tư PPP, BOT, nhà nước sẽ tham gia vào một số lĩnh vực, còn lại sẽ huy động nguồn lực của các doanh nghiệp ở trong vùng...
Thứ 3, khi tiến hành xúc tiến đầu tư thì nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á)... Vì vậy, chúng ta cần tập trung, có quan hệ chặt chẽ với bạn bè để thu hút được nguồn đầu tư ODA. Nếu không có nguồn ODA, thì chúng ta khó có thể làm nổi.
Ví dụ, hiện chúng ta đang triển khai dự án WB5, triển khai trong toàn bộ 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, tôi xin nói rằng nếu không có sự chung tay của các địa phương, người dân, doanh nghiệp… mà chỉ trông chờ vào Trung ương thì không thể giải quyết được vấn đề.
BTV: Một doanh nghiệp xay xát tại Đồng Tháp, một trong 3 tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất trong vùng đặt vấn đề: Chính phủ chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, nhưng số lượng còn thấp, các địa phương có thể công khai con số đã thu mua tạm trữ được không, làm sao để giảm bớt khó khăn cho người nông dân?
Ông Trần Thành Lập: Mua lúa tạm trữ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ, trong 10 năm qua, Chính phủ luôn quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa lương thực cho cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Năm 2012, Hậu Giang được phân bổ tạm trữ 15 ngàn tấn, nhưng lượng lúa hàng hóa trong vụ Đông Xuân tại Hậu Giang lên tới 200.000 tấn. Ngoài tạm trữ của Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm để chủ động phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Các địa phương đã cố gắng thực hiện và nếu không có chỉ tiêu này, thì người nông dân ĐBSCL chưa biết xoay xở thế nào vì bao giờ vào đầu vụ cũng có hiện tượng tồn kho lớn.
Ông Vương Bình Thạnh: Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn, nếu chúng ta triển khai tốt sẽ giúp nông dân ĐBSCL có thể tiêu thụ hóa đạt hiệu quả tốt nhất… Theo quan sát của chúng tôi, thời gian qua, nông dân trúng mùa thì ít trúng giá, chỉ có năm 2011 là trúng tương đối.
An Giang đã mua đủ 101 ngàn tấn, phân bổ cho 6 doanh nghiệp. Tôi cho rằng, trong quý I tiêu thụ gạo khó khăn, chủ trương thu mua tạm trữ ở thời điểm đó là rất phù hợp. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ gạo có chuyển biến tốt, sẽ thuận lợi hơn cho bà con nông dân. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi về lãi suất, về cơ sở hạ tầng… trong điều kiện kinh tế khó khăn thì đây là một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Khán giả Ngô Văn Hậu ở huyện Phong Điền, Cần Thơ có hỏi
Ông Cao Đức Phát: Đúng như vậy, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho công suất 4 triệu tấn để tạm trữ lúa gạo và tới nay, đã có 2,5 triệu tấn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều dự án khác đang được thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này có chậm tiến độ so với kế hoạch của Chính phủ. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Khó khăn ở đây chủ yếu liên quan tới 2 vấn đề là vốn và mặt bằng. Chúng tôi cũng rất mong các địa phương quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng. Còn về vốn, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ ngành liên quan tìm cách tháo gỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt này.
Một độc giả ở địa chỉ yeuquehuong@hotmail.com hỏi: Tôi là một người con ở quê hương ĐBSCL, hiện đang định cư ở California, Hoa Kỳ. Hôm nay, được theo dõi buổi giao lưu trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, nhưng vẫn cảm thấy buồn vì quê hương ĐBSCL vẫn là vùng trũng trong giáo dục. Tôi xin hiến kế để các vị cùng bàn luận: nên chăng nên áp dụng cơ chế trên sàn dưới chuẩn với học sinh trong vùng khi thi vào đại học và có nhiều cơ chế về học bổng, vay vốn đi học? Xin cám ơn.
Ông Phạm Vũ Luận: Tôi xin ghi nhận hiến kế của khán giả và nói thêm mấy điều. Thứ nhất, để đưa vùng ra khỏi vùng trũng về giáo dục thì phải triển khai nhiều giải pháp tổng thể như tôi đã nói.
Cùng với đó, chúng tôi đã thực hiện một số giải pháp sau với các vùng khó khăn nói chung và với vùng Tây Nam Bộ nói riêng: Thứ nhất là mở rộng, củng cố các trường dân tộc nội trú người Khmer với điều kiện tương đối tốt; thứ hai là chỉ đạo các trường đại học triển khai hệ dự bị đại học; thứ ba, với 63 huyện nghèo, trong có có các huyện ở Tây Nam Bộ, năm nay, Bộ quyết định các cháu tốt nghiệp THPT sẽ được xét tuyển vào đại học, các trường sẽ dành thời gian và kinh phí nhất định để các em học dự bị…, từ đó tạo nguồn nhân lực ngay lập tức cho vùng, đồng thời vẫn đáp ứng chuẩn đầu ra…
BTV: Xin cảm ơn phần trao đổi của các khách mời, đã gợi mở rất nhiều về định hướng phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhất là ở các lĩnh vực được xem là then chốt, trọng điểm của cả vùng. Và đây cũng là những nội dung quan trọng được đề cập trong chuỗi hoạt động của Hội chợ - triển làm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Thưa quí khán giả, như chúng tôi giới thiệu ở phần đầu của chương trình, còn 5 ngày nữa là diễn ra các hoạt động sôi nỗi chào mừng 10 năm thành tựu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, đây cũng là nội dung được khá nhiều khán giả quan tâm và đặt câu hỏi trong chương trình hôm nay.
Khán giả Trần Thanh Bình ở Vĩnh Long hỏi: Trong vài ngày tới, TP. Cần Thơ sẽ trở nên sôi động với hàng loạt sự kiện trong khuôn khổ cuộc Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL, thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Xin hỏi ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đâu sẽ là những sự kiện chính, mang tính điểm nhấn?
Ông Bùi Ngọc Sương: Trong hội chợ triển lãm này có các hoạt động, nhằm khẳng định thành tựu 10 năm, vừa quảng bá cũng như giới thiệu tiềm năng lợi thế của vùng để trong và ngoài nước biết đến, thu hút đầu tư.
Một hoạt động nữa là huy động quỹ an sinh xã hội. Trong chương trình có 3 cuộc hội thảo, hội nghị là xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường tín dụng, hội thảo về cánh đồng mẫu lớn, giao lưu giữa ngoại giao đoàn với các địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào vùng và tham vấn về định hướng quy hoạch phát triển đồng bằng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2100.
Ngoài ra, hội chợ cũng quảng bá các sản phẩm của bà con trong vùng đã làm ra thông qua các doanh nghiệp.
Đặc biệt là huy động quỹ an sinh xã hội. Theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu năm tới nay, đã huy động khoảng 7000 tỷ đồng, chủ yếu là ngoài ngân sách. Riêng huy động của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp là 760 tỷ đồng.
Khán giả tại Cần Thơ với địa chỉ nguyenhoai@..com hỏi: Sự kiện được chuẩn bị công phu, quy mô lớn, vai trò của người dân, doanh nghiệp và địa phương như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Sự kiện sẽ diễn ra trên địa bàn Cần Thơ, đây là một cơ hội để Cần Thơ báo cáo thành tựu phát triển 10 năm qua. Ngoài nhiệm vụ tham gia gian hàng như các tỉnh khác, Cần Thơ được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và cơ sở hạ tầng.
Trong thời gian qua, TP đã chỉ đạo các địa phương, mà tập trung là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy tố chức tốt về cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự. TP cũng đã làm việc với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, ẩm thực, vận tải… để tạo điều kiện tốt cho khách… Với địa bàn tổ chức lễ hội, chúng tôi đầu tư tập trung vào cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo vệ sinh, an toàn…
Nói chung các chỉ đạo nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, các địa phương…
BTV: Chúng ta dang tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long với những thành tựu đáng tự hào. Vậy trong 10 năm tới, thành tựu ấy sẽ được phát huy ra sao? Các diễn giả tham gia chương trình có một hình dung như thế nào về ĐBSCL trong 10 năm tới?
Ông Cao Đức Phát: Nhìn lại 10 năm qua, chúng ta thấy rất rõ, những chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vùng là hoàn toàn đúng đắn. Thành tựu chúng ta đạt được là nhờ chúng ta đã bám sát những chủ trương đó.
10 năm tới chúng tôi thấy chúng ta cần tiếp tục cùng nhau thực hiện tốt những chủ trương, chính sách đã được đề ra.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chúng ta tiếp tục đầu tư vào thuỷ lợi, cùng với việc thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát huy cao hơn lợi thế so sánh của vùng đặc biệt là sản xuất lúa gạo, thuỷ sản, trái cây nhiệt đới. Nhưng phải làm căn cơ hơn, đồng bộ hơn, để đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn, phát triển bền vững hơn.
Đồng thời gắn phát triển sản xuất với xây dựng nông thôn mới, để nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân trong vùng đồng thời chuẩn bị một bước ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Vũ Luận: Chúng tôi hình dung 10 năm tới, đồng bằng sông Cửu Long có những bước phát triển vượt bậc, chúng tôi hy vọng trong đó có sự bùng nổ. Với lĩnh vực giáo dục, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cấp uỷ chính quyền địa phương và các nguồn lực xã hội trong đó có sự đóng góp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự tích tụ nhiều hơn nữa về số lượng và có bước phát triển đột phá về chất lượng.
Ông Ngô Thịnh Đức: Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ phải cố gắng rất lớn và hiện nguồn lực chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta phải hoàn thành hành lang thứ 2, đi từ TPHCM đến các tỉnh Tây Nam Bộ, phải giải quyết xong hành lang ven biển phía nam, giải quyết xong trục dọc phía đông là quốc lộ 60. Chúng ta phải hoàn thành dứt điểm hạ tầng giao thông để trong10 năm tới để đi cho tới tận cùng đất mũi. Khi 3 trục dọc đó và 1 số trục ngang cùng 4 hành lang đường thuỷ chúng ta đầu tư xong, trong 10 năm tới, vùng sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với đó là hoàn thành sân bay lớn thứ 2 trong vùng là Phú Quốc.
Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể làm được với sự đồng lòng của bà con trong khu vực và sự quyết tâm của các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Tôi thấy rằng, trong 10 năm tới vùng sẽ có bước phát triển nhanh hơn bởi đầu tư cơ sở hạ tầng 10 năm qua đã bắt đầu phát huy tác dụng và nguồn nhân lực đã được nâng lên. Từng cán bộ lãnh đạo địa phương đã có cách nhìn khác thể hiện qua việc bàn bạc, trao đổi về liên kết vùng để phát triển thế mạnh của cả vùng. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự liên kết tốt, tạo đột phá mới.
Ông Vương Bình Thạnh: Tôi rất tâm huyết với ý kiến của 2 đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng là tiếp tục 3 lĩnh vực đột phá của vùng là giao thông- thuỷ lợi- giáo dục, đào tạo. Về trách nhiệm địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục với chức năng gắn kết thông qua thực hiện Quy định 89 của Bộ Chính trị là chức năng của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Chúng ta gắn kết chặt chẽ lại, quy hoạch tổ chức sản xuất, cũng như trong các lĩnh vực khác cũng như đặc biệt là đề án của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về hướng liên kết vùng và 5 dự án cụ thể như tôi đã nói. Chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực. Và 4 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa để tạo đột phá. Tôi tin tưởng đồng bằng song Cửu Long 10 năm tới sẽ có sự đột phá mới.
Ông Trần Thành Lập: Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và sự đồng thuận của địa phương, đồng lòng của người dân, tôi nghĩ rằng 10 năm tới, không chỉ lấp các “trũng” về giao thông, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, các tỉnh đồng bằng cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh vào sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá.
Ông Bùi Ngọc Sương: Trong 10 năm tới, theo tờ trình của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ gửi Bộ Chính trị để thời kỳ 2011-2015, tăng trưởng 2 con số, thời kỳ 2011-2015 tăng trưởng 11-12%, từ 2016-2020, tăng trưởng 12-13%. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đến 2020 là 50 triệu đồng/người. Đó là những chỉ tiêu cơ bản quyết tâm chỉ đạo trong 10 năm tới.
Cổng TTĐT Chính phủ
Nhận xét
Đăng nhận xét