Chuyện từ đất Chín Rồng: Làm gì để các sản phẩm chủ lực của vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 đất nước đủ sức cạnh tranh, vươn xa thị trường thế giới?
Bài trên Thời báo Doanh nhân, ngày 20-4-2012
Trần Hữu Hiệp
Đây là vấn đề luôn đòi hỏi một cơ chế, chính sách đồng bộ cũng như hành động thiết thực từ quy hoạch, sản xuất đến chế biến, xuất khẩu, tạo thương hiệu.
Sản phẩm chủ lực – thế mạnh quốc gia
Thành tựu của đổi mới và phát triển trên đất Chín Rồng đã khẳng định giá trị và thế mạnh của 3 sản phẩm chủ lực của vùng; đồng thời cũng là sản phẩm mang tầm vóc quốc gia. Đó là lúa gạo, thủy sản (đặc biệt là cá tra, tôm) và cây ăn trái.
Chỉ sau 2 thập niên, sản lượng lúa ĐBSCL đã được nhân lên gấp đôi, từ 9,48 triệu năm 1990 lên 21,5 triệu tấn năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước, đạt kỷ lục hơn 7,1 triệu tấn vào năm 2011, đưa nước ta từ một nước thiếu đói vào những năm 1980, chỉ sau 2 năm đổi mới đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới và giữ vững ngôi vị á quân đến nay. ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích, 58% sản lượng; riêng con tôm chiếm 80% sản lượng và đóng góp hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Cá tra tạo ra kỳ tích với khoảng hơn 5.000 ha mặt nước đã tạo ra 1,15 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong lĩnh vực sản xuất trái cây, ĐBSCL là vùng nguyên liệu lớn nhất nước, với hơn 300.000ha, chiếm 38% diện tích, nhưng cung cấp tới 70% sản lượng. Nhiều loại trái cây đặc sản của vùng như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc … nổi tiếng thế giới.
Thăm cánh đồng mẫu lớn. Bức ảnh vừa đạt giải I cuộc thi ảnh "10 năm thành tựu Tây Nam Bộ" |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà sản phẩm chủ lực vùng cần tập trung giải quyết. Hiện có đến 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ở dạng thô và 60% bị bán với giá thấp. Việc tiếp cận thông tin thị trường của hầu hết nông dân còn rất hạn chế (chỉ có 25%). Bên cạnh đó, ngành nuôi thủy sản tự phát đang “quá nóng”, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển chưa tương xứng; cơ sở hạ tầng yếu kém đang là thách thức cho phát triển thủy sản bền vững, đảm bảo môi trường. Hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ trái cây như chưa có quy hoạch cấp vùng và quốc gia; giống và quản lý giống còn nhiều bất cập; thách thức về lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; sự liên kết “4 nhà” chưa đáp ứng tốt yêu cầu một ngành hàng chủ lực của vùng.
Đối với nông dân – tác giả chính tạo ra nông sản chủ lực với tư cách của người sản xuất hàng hóa, họ đang rất cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh. Họ phải được đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực của vùng; đào tạo nghề phi nông nghiệp để tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn. Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng mà còn có thể làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân làm giàu trên đồng ruộng
Làm sao để nông dân ĐBSCL có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề nông trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu? Lời giải cho bài toán này cần có sự tiếp cận đa ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn, cần tích tụ ruộng đất nhiều hơn để thích nghi với phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn, “chuyển đổi tận gốc” từ tư duy làm ra “chén cơm đầy”, nhiều cây trái, tôm cá sang tư duy làm ra “chén cơm ngon”, được nhiều giá trị và lợi ích hơn từ tôm, cá. Đã đến lúc phải làm thương hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng một cách bài bản. Từ thương hiệu vùng, đóng dấu “quốc gia” vươn ra thế giới.
Trái ngọt đồng bằng |
ĐBSCL đã được giới khoa học xác tín là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, người dân nơi đây phải hướng đến mục tiêu dài hạn để thích ứng. Trước mắt, vựa lúa, trái cây, thủy sản số 1 Việt Nam này cần tiếp tục được đầu tư phát triển để không chỉ “sống chung với lũ” mà còn “vượt lên đỉnh lũ” để gánh vác sứ mạng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vùng sản xuất trái cây, thủy sản chủ lực của cả nước và hơn thế nữa. “Chuỗi giá trị” quan trọng cần sự tác động tích cực hơn nữa đang nằm ở các khâu từ hạt lúa trên đồng ruộng, cây trái trong vườn, cá tôm trong ao … đến hạt gạo, trái cây, thủy sản trên thương trường. Những yêu cầu nâng cao năng lực chống thất thoát sau thu hoạch, kho chứa, xay xát, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu gạo đang ngày càng đòi hỏi cấp thiết. Vì thế, nhu cầu liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây và thủy sản cũng được đặt ra. Cần liên kết vùng ĐBSCL một cách hiệu quả và thiết thực. Cùng với đó là đổi mới toàn diện cơ chế xuất khẩu gạo và nông sản nói chung – hiện là khâu cuối cùng đang tác động mạnh mẽ vào “túi tiền” của người nông dân.
Nông dân cần được đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực của vùng; đào tạo nghề phi nông nghiệp để tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn. Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mảnh vườn, làm chủ thực sự ao cá, cánh đồng của mình mà còn làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.
Nhận xét
Đăng nhận xét