Sức hút và lan tỏa
“Tứ giác động lực”: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên 16,616km2, chiếm 44% diện tích và 6,26 triệu người, chiếm 36,2% dân số ĐBSCL. Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) thứ 4 này của cả nước thể hiện rõ vai trò trọng điểm của vùng ĐBSCL trên 5 lĩnh vực nổi trội. Một, có hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong vùng, với 4 đô thị lớn là Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau và Rạch Giá. Hai, là nơi tập trung các ngành công nghiệp lớn và tiêu biểu, mang tầm quốc gia, gồm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khí - điện-đạm, sản xuất đường, xi măng. Ba, là chỗ dựa vững chắc cho kinh tế vùng. Bốn, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyển giao KHKT, y tế trình độ cao. Năm, là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư nói chung và vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Tính đến đầu tháng 4.2012, các địa phương này có 108 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4.780 triệu USD, chiếm hơn 45,6% tổng vốn toàn vùng ĐBSCL.
Tại các địa phương thuộc “Tứ giác” đã hình thành một số cụm ngành kinh tế (lúa gạo, thủy sản, công nghiệp khí - điện - đạm) gắn kết điều kiện tự nhiên, vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, xuất khẩu với các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong vùng.
Theo báo cáo của BCĐ điều phối các vùng KTTĐ Việt Nam, thì vùng KTTĐ vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 12,59%/năm trong giai đoạn 2006-2010, hơn bình quân các vùng KTTĐ cả nước là 10,98%. “Tứ giác” này đã đóng góp khoảng 42% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách cả vùng. Tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng như nâng cấp, cải tạo QL1A (đoạn Mỹ Thuận - Cà Mau), hoàn thành các cầu vượt sông lớn Cần Thơ, Đầm Cùng, đã và đang hoàn thành xây dựng sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau; các trung tâm điện lực Ô Môn, Kiên Lương. Đặc biệt, Trung tâm khí - điện - đạm Cà Mau với đường ống dẫn khí dài 332km, công suất 1,25 tỉ m3 khí/năm; nhà máy điện Cà Mau I & II có tổng 1.500 MW và nhà máy phân đạm 800.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước.
“Đầu tàu” cần tăng tốc
Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 13.4.2012 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận Hội nghị tổng kết các vùng KTTĐ giai đoạn 2006-2010 nêu rõ: Tuy đạt được nhiều kết quả rất khả quan, nhưng các vùng KTTĐ còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Các vùng KTTĐ chưa tạo ra sự tăng tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh; chưa có nhiều sản phẩm hàm lượng chất xám cao. Đáng quan tâm là kim ngạch xuất khẩu có chiều hướng ngày càng thấp, nhập siêu tăng. Sử dụng tài nguyên đất đai và lao động chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Kết cấu hạ tầng có cải thiện nhưng chưa đồng bộ, giao thông liên tỉnh, liên vùng... còn chậm phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cần giải quyết cấp bách.
Để lôi kéo, dẫn dắt địa phương khác, các vùng KTTĐ nói chung và vùng KTTĐ vùng ĐBSCL cần phải “tăng tốc” hơn trong thời gian tới. Từ nay đến năm 2015, các vùng KTTĐ phải thực hiện tốt vai trò đầu tàu phát triển kinh tế. Nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.000 USD/người, gấp 1,5 lần so bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng hàng năm 14% - 14,5%, tổng thu ngân sách của các vùng KTTĐ chiếm 90% của cả nước. Đặc biệt, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng KTTĐ cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm các hoạt động mang tính kết nối cao; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, xây dựng các dự án có tính liên kết vùng tạo sự đột phá trong phát triển, hướng sản xuất các sản phẩm mà từng vùng có thế mạnh theo hướng tinh chế, giá trị gia tăng cao.
“Tứ giác động lực” vùng ĐBSCL đã phát huy vai trò đầu tàu kinh tế; nhưng để lôi kéo sự phát triển nhanh hơn theo hướng bền vững cho cả vùng, đầu tàu này cần phải tăng tốc!
Nhận xét
Đăng nhận xét