Trần Hiệp Thủy
Cây mía đồng bằng |
Chương trình 1 triệu tấn đường là niềm mơ ước của cả nước hơn một thập niên trước đã thành hiện thực và hơn thế, còn vượt cả chỉ tiêu trong năm 2012 với sản lượng 1,57 triệu tấn. Như vậy, sau nhiều năm thiếu đường phải nhập khẩu, lần đầu tiên ngành đường không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn có khả năng đảm bảo luân chuyển gối vụ và dư thừa khoảng 70.000 tấn. Theo tính toán của các nhà quản lý, ước hiện còn khoảng 366.000 tấn đường tồn kho tại các nhà máy. Vì vậy, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khoảng 100.000 tấn đường; đồng thời kiến nghị luôn việc mua tạm trữ đường theo cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất cho các DN mua tạm trữ 200 tấn đường trong thời hạn 3 tháng, bắt đầu từ tháng 5.2012.
Trong khi đó, gần như cùng lúc, các Vụ chuyên môn thuộc Bộ Công thương cũng đang xem xét, tổng hợp nhu cầu của các DN về kiến nghị nhập khẩu khoảng 268.000 tấn đường. Một số chuyên gia am tường ngành đường lý giải, sở dĩ có chuyện “hô nhập” trái khoáy này là vì một lẽ đương nhiên là nhập đường... rẻ hơn mua trong nước, do thuế nhập khẩu đường giảm, chỉ cần đặt cọc khoảng 10% giá trị hợp đồng khi mở L/C, trong khi mua trong nước giá cao hơn.
Quản lý điều hành với sự can thiệp bằng các công cụ thuế, xuất nhập khẩu và hàng loạt chính sách khác đối với loại hàng hoá nhạy cảm như đường mía là rất cần thiết. Nhưng dường như số phận của cây mía, hạt đường đang bị đánh đu do sự bất cập bởi thông tin “cung - cầu”, “nhập - xuất”, “khan hiếm - dư thừa” đường mía. Những thông tin tù mù không biết tin ai, khiến cho dư luận không khỏi nghi vấn.
Cùng với mua lúa tạm trữ, việc mua mía tạm trữ để đảm bảo cung cầu cũng rất cần thiết, mà đối tượng trước tiên cần phải tính đến là người trồng mía. Bởi nếu bị lỗ lã, người trồng hè nhau bỏ mía, thì đồng nghĩa với việc các nhà máy đường phải ngưng hoạt động. Vì vậy, vấn đề mang tính quyết định là việc mua tạm trữ những mặt hàng này phục vụ lợi ích cho ai? Người trồng mía, người tiêu dùng hay DN chế biến đường và những DN sử dụng đường như một loại nguyên liệu đầu vào? Đó là câu hỏi đặt ra để lựa chọn trước khi sử dụng đến câu thần chú “khắc xuất, khắc nhập” cho ngành mía đường cũng giống như phép màu trong “Cây tre trăm đốt” giúp anh nông dân thật thà chứ không thể tiếp tay kẻ nhà giàu tham lam, tráo trở.
Chưa có quyết định cuối cùng cho việc xuất hay nhập khẩu đường để giải quyết mối quan hệ “thừa-thiếu”. Nhưng rõ ràng, câu thần chú “khắc xuất - khắc nhập” nếu được các nhà quản lý sử dụng đúng - sai sẽ có tác dụng tích cực hoặc đe dọa nghiêm trọng lợi ích nông dân, có nguy cơ đốn ngã cây mía - một loại cây trồng chủ lực chỉ đứng sau lúa và trái cây vốn đã lắm gian nan, trong vòng luẩn quẩn của cảnh “trồng - chặt” nhiều năm qua.
Sản xuất phải tính đến cung cầu, giá cho người tiêu dùng cũng phải cạnh tranh cùng khu vực, hoạt động kinh tế trong thời hội nhập kinh tế quốc tế, không còn một mình một chợ nữa. Chính phủ cũng chẳng sẵn tiền để cái gì cũng cấp quota mua tạm trữ. Qui trình sản xuất hiện nay, nông dân vẫn là người chịu thiệt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà lợi nhuận thực chẳng bao nhiêu.
Trả lờiXóa