Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ.TNB), UBND, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, NHCSXH 13 tỉnh, thành tổ chức Hội nghị bàn giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) vùng TNB. Bức tranh thực trạng và “bản đồ” TDCS vùng được vẽ ra với nhiều mảng màu đáng suy ngẫm.
Tiếp “năng lượng” thắp sáng ASXH
Hàng trăm ngàn hộ nghèo ở ĐBSCL có việc làm từ nguồn tín dụng chính sách. Ảnh: L.N.G |
Theo báo cáo của NHCSXHVN, tổng dư nợ tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong vùng đạt gần 17.000 tỉ đồng, đã giúp hơn 535 ngàn hộ thoát nghèo, 472 ngàn hộ có việc làm, hơn 382 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 82 ngàn căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm - tuyến dân cư và hơn 114 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo. Thực tế đã chứng minh, mô hình hoạt động của NHCS mang tính đặc thù, vừa đáp ứng chuyên môn cao, vừa mang tính xã hội rộng rãi và đã trở thành công cụ hiệu quả để thực hiện an sinh xã hội (ASXH) trong vùng. Ở nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình tốt, cách làm hay; sử dụng có hiệu quả vốn TDCS, vừa huy động được nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia; trao “cần câu” là những phương tiện lao động thiết thực (xuồng câu, lưới, cấp vốn vay sản xuất...) tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo hơn là cấp phát TDCS.
Băn khoăn “vùng tối”
Chất lượng tín dụng của vùng TNB được đánh giá là yếu, kém nhất so với các vùng, miền khác. Tăng trưởng dư nợ hàng năm thấp, bình quân giai đoạn 2003 - 2011 chỉ đạt 24,9%/năm, thấp hơn nhiều so bình quân cả nước (33,8%/năm). Tổng dư nợ cho vay chỉ chiếm 16,3% cả nước, trong khi tỉ lệ hộ nghèo và mặt bằng chung xã hội của vùng ĐBSCL được xem là “chỗ trũng”. Tỷ lệ nợ xấu trong TDCS của vùng chiếm 3,2%, cao gấp 2,1 lần bình quân chung cả nước (1,48%); lãi tồn đọng chiếm hơn 1/3; nợ không đối chiếu được chiếm 2/3 toàn quốc. Nợ xấu tiềm ẩn còn có khả năng cao hơn, đặc biệt có tỉnh lên đến 15%-20%. Theo báo cáo và kiểm tra thực tế của NHCSXH, hiện còn hơn 84.000 hộ nợ 324,7 tỉ đồng không đối chiếu được và không đủ điều kiện đổi sổ vay, chiếm 62,7% toàn quốc.
Một bộ phận người dân trình độ quản lý và sử dụng vốn vay thấp, chưa nhận thức đầy đủ về việc có vay, có trả, ít tích luỹ. Nhiều hộ vay đến hạn phải trả nợ NH, đi vay nóng với lãi suất cao, buộc phải dùng vốn TDCS để trả nợ vay nóng, tạo ra vòng luẩn quẩn: Mắc nợ ngân hàng, không có vốn sản xuất, nợ chồng nợ.
“Cần câu” cho hộ nghèo
Theo bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - để chuyển biến TDCS không phải là việc làm một ngày, một bữa. Trước tiên, cần “giải phóng” tâm lý và tư tưởng ỷ lại, không chịu khó làm ăn, thiếu ý thức vươn lên. Thực tế còn những hộ “thích nghèo ... có sổ” để hưởng lợi bằng nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở, nhận trợ cấp trực tiếp... làm mất ý nghĩa của TDCS. Để nâng cao chất lượng TDCS, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc cần “thay máu” bằng các biện pháp xử lý rủi ro để làm sạch dòng chảy tín dụng. Cần rà soát lại nợ của từng hộ vay quá hạn, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp. Muốn xóa nghèo bền vững, không chỉ làm theo kiểu “thời vụ” mà cần “tiếp sức” các hộ vừa thoát nghèo và hộ cận nghèo để đủ sức vươn lên khá, giàu.
Theo Thống đốc NHNN, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Nguyễn Văn Bình, thì bản chất trong hoạt động của NHCSXH không phải là mang tiền cấp phát mà thông qua cơ chế tiền tệ ưu đãi để người nghèo có vốn làm ăn thoát nghèo. Kết quả hoạt động của “ngân hàng đặc biệt này” không chỉ là thành tích huy động, giải ngân, quản lý đồng vốn, mà là công cụ đắc lực để thực hiện các chính sách ASXH, đưa những chính sách này đến với người nghèo.
BCĐ.TNB đã có kế hoạch kiểm tra hoạt động này tại các địa phương trong vùng với quyết tâm nâng cao chất lượng tín dụng. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp gắn với việc thực hiện các chính sách ASXH, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề nông thôn, giải quyết việc làm; nghiên cứu mở rộng phạm vi các nhóm đối tượng được hưởng chính sách phù hợp với khả năng, thực tế phát triển của vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét