Hữu Hiệp
HỘi nghị hợp tác kinh tế quốc tế vùng ĐBSCL năm 2011 - hoạt động liên kết vùng |
Liên kết vùng ĐBSCL gần đây được đề cập nhiều. Ai cũng thấy cần thiết phải làm, nhưng liên kết cái gì? Ai làm? Thực thi ra sao? Lĩnh vực nào là liên kết bắt buộc, lĩnh vực nào cần khuyến khích, tự nguyện? Gộp tất cả lại là yêu cầu cần được thống nhất và triển khai đồng bộ với cơ chế chỉ huy, vận hành hiệu quả, sự phân công nhiệm vụ của từng thành viên liên kết và vai trò “nhạc trưởng” trong từng “cụm ngành kinh tế liên hoàn”.
Thực tế sôi động của vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước đòi hỏi phải liên kết vùng trên nhiều lĩnh vực. Có những liên kết bắt buộc, mà các cơ quan nhà nước là lực lượng chủ công. Đó là yêu cầu phải liên kết vùng trong qui hoạch, tổ chức thực hiện qui hoạch, bố trí sản xuất và phân bố dân cư; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, sử dụng nguồn nước, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực ... để tránh lãng phí, mạnh ai nấy làm, nguồn lực bị phân tán. Các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương phải tăng cường hợp tác, tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư hợp tác liên kết dựa trên cơ sở lợi ích. Đó là liên kết thị trường, chịu sự điều tiết của qui luật giá trị, qui luật cung - cầu trong nền kinh tế hàng hóa. Nhà nước, bằng chính sách, pháp luật tác động, khuyến khích, tạo điều kiện, chứ không thể ép buộc hoặc chỉ hô hào chung chung.
Vừa qua, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam dưới sự chỉ đạo, phối hợp của BCĐ Tây Nam Bộ, các bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh, thành trong vùng đã xây dựng Đề án liên kết vùng ĐBSCL trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề án là “điểm nhấn” để thực hiện “Tam nông”. Với chủ trương đó, vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo (Công văn số 1585/VPCP-ĐP của Văn phòng Chính phủ), giao BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng tăng cường liên kết vùng. Trong đó, xác định rõ nội dung nào cần liên kết, hợp tác đầu tư để gắn kết được sự phát triển của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm phát huy lợi thế, hiệu quả đầu tư của các chương trình, đề án đã được phê duyệt trên địa bàn. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với BCĐ Tây Nam Bộ và các ngành, địa phương liên quan xem xét, nghiên cứu cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL. Trong đó, xác định rõ những nội dung cần phải liên kết; trên cơ sở đó xác định danh mục các chương trình, dự án có tính chất liên vùng để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ NNPTNT nghiên cứu đề xuất các mô hình liên kết phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản mang tính chất vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhằm tăng tính liên kết, sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm trong các khâu sản xuất và phân phối tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhận xét
Đăng nhận xét