BÁO ĐẦU TƯ, Thứ bảy, 28/04/2012
Trần Hữu Hiệp(*)
(baodautu.vn) Trong 10 năm qua, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng trưởng 2 con số, gấp hơn 1,5 lần, có năm gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đã có bước phát triển quan trọng, làm thay đổi hẳn diện mạo của vùng và tạo ra môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, hấp dẫn hơn.
Những thành tựu vượt bậc về nhiều mặt
Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, gần đây, vùng ĐBSCL còn được quan tâm đầu tư và thể hiện ngày càng rõ vị thế của một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Trung tâm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia, 2 nhà máy khí điện Cà Mau I và II, có công suất 1.500 MW, cung cấp trên 9 tỷ KWh điện/năm và Nhà máy Đạm Cà Mau vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm nay, công suất 800.000 tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước.
Ngoài ra, đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, Trung tâm Điện lực Cần Thơ, các nhà máy điện Duyên Hải, Trà Vinh, Long Phú - Sóc Trăng đang được triển khai xây dựng; các nhà máy điện theo sơ đồ điện lực 6, sơ đồ 7, như Trung tâm Điện lực Sông Hậu, các nhà máy điện ở Kiên Lương (Kiên Giang), Long An… sẽ tiếp tục được đầu tư. Đây đều là những công trình lớn, trọng điểm quốc gia, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế vùng.
Song vẫn còn một số “chỗ trũng”
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, rất cơ bản, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém, “chỗ trũng” của vùng, để từ đó cần phải nỗ lực vượt qua trong thời gian tới.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông dù có những cải thiện đáng ghi nhận, song vẫn là điểm yếu kém. Ngoài trục dọc xương sống Quốc lộ 1A được đầu tư nâng cấp, một số tuyến ngang cần được tiếp tục đầu tư, trong đó quan trọng nhất là 3 trục giao thông đường bộ, gồm tuyến hành lang ven biển Tây từ Xà Xía (Kiên Giang) về Cà Mau; tuyến hành lang ven biển Đông về phía Nam, đặc biệt là tuyến xuyên Đồng Tháp Mười từ TP.HCM về Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cùng các cầu lớn vượt sông lớn, như cầu Cổ Chiên, Vàm Cống... Các tuyến đường thủy, hàng hải huyết mạch như kênh Quan Chánh Bố và luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, kênh Chợ Gạo; các công trình thủy lợi cấp vùng, ứng phó biến đổi khí hậu đều cần được tập trung đầu tư nâng cấp.
Thứ hai, dù có lực lượng lao động đông, nhưng chất lượng chưa cao. Lao động có tay nghề lẫn chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực còn ít. Do đó, cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho vùng, như cơ chế vốn; huy động nguồn lực xã hội bằng cách tạo điều kiện, khuyến khích đào tạo nhân lực theo nhu cầu sử dụng để ĐBSCL đuổi kịp các vùng, miền khác.
Thứ ba, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng phát triển chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác các tiềm năng sẵn có là chính, thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp trong vùng còn thấp.
Liên kết vùng - xu thế mới để lấp “chỗ trũng”
Gần đây, vấn đề liên kết vùng được đặc biệt quan tâm và từng bước được triển khai thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả tốt. Trước tiên, liên kết vùng để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; liên kết vùng trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch, chia sẻ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực...
Nhiệm vụ đầu tư phát triển giao thông ĐBSCL trong những năm tới còn khá nặng nề, song đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội cho đầu tư và phát triển. Vùng ĐBSCL cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ mang tính đột phá này.
Mục tiêu chung là tiếp tục xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế năng động; vùng sản xuất lương thực, thủy, hải sản trọng điểm, một trong những trung tâm năng lượng của cả nước. Vùng ĐBSCL phấn đấu trong giai đoạn 2011 - 2020, GDP tăng bình quân 12%/năm, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch một cách hài hoà, cân đối; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm.
Một số chủ trương lớn được đề ra, đó là:
Đầu tư xây dựng và phát triển ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, có bước tiến vượt bậc về kinh tế, văn hóa và xã hội, ổn định và vững mạnh về chính trị, vững chắc về an ninh quốc phòng. Trong quá trình đó, vai trò và vị trí của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước - lực lượng chủ công trong mặt trận kinh tế là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.
Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hơn nữa liên kết vùng dựa trên đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên liên kết. Liên kết vùng ngày càng thể hiện là một xu thế tất yếu, không chỉ là cách thức lấp “chỗ trũng” của vùng, mà còn là yêu cầu để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững
Nhận xét
Đăng nhận xét