Trước thềm Triển lãm - Hội chợ (TLHC) thành tựu 10 năm XD&PT ĐBSCL, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ, Trưởng ban Chỉ đạo TLHC có cuộc trò chuyện với Báo Lao Động về những thành tựu, kể cả thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế; từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển vùng đất giàu tiềm năng này. Ông Quang (ảnh) chia sẻ:
Trong 10 năm qua, ĐBSCL đã có sự phát triển toàn diện, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Kinh tế vùng liên tục tăng trưởng 2 con số, hơn gấp rưỡi mức tăng trưởng bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, từ một xuất phát điểm thấp, đã có bước phát triển quan trọng, làm thay đổi hẳn diện mạo của vùng.
Hệ thống giao thông huyết mạch, nhiều cầu vượt sông lớn như cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Đầm Cùng, Hàm Luông... được đầu tư, kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng. Hơn 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 2.500km, gần 70 tỉnh lộ đã được nhựa hóa; giao thông nông thôn phát triển, đã mở mới gần 10.000km, nâng cấp hơn 23.000km đường các loại, xây dựng hơn 11.500 cầu, làm mới đường đến 72 trung tâm xã và cụm xã, kết nối với hệ thống quốc lộ. Cùng với giao thông, phát triển nguồn nhân lực trong vùng cũng có nhiều tiến bộ rõ nét. Toàn vùng đã thành lập mới và mở rộng, nâng cấp nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề. Mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông phát triển rộng khắp. Cơ sở vật chất trường, lớp được tập trung đầu tư; đội ngũ giáo viên, học sinh tăng nhanh. Công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xoá đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu xã hội có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận.
Thành tựu là quan trọng, tạo ra diện mạo mới của vùng. Nhưng thưa ông, vẫn còn đó những “điểm nghẽn”. Cần phải làm gì để “khơi thông” đáp ứng yêu cầu phát triển ĐBSCL mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới?
Chưa hẳn là “điểm nghẽn” trong phát triển, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận 3 tồn tại, hạn chế lớn mà ĐBSCL phải nỗ lực khắc phục. Một là, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn là điểm yếu. Ngoài trục dọc xương sống QL1A được đầu tư nâng cấp cùng một số tuyến ngang, thời gian tới phải tiếp tục đầu tư, nhất là 3 trục giao thông đường bộ, gồm tuyến hành lang ven biển Tây, tuyến hành lang ven biển Đông, đặc biệt là tuyến xuyên Đồng Tháp Mười từ TP.Hồ Chí Minh về Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với các cầu lớn vượt sông lớn như cầu Cổ Chiên, Vàm Cống. Các tuyến đường thủy, hàng hải huyết mạch như kênh Quan Chánh Bố và luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, kênh Chợ Gạo. Các công trình thủy lợi cấp vùng, ứng phó biến đổi khí hậu cũng cần phải tập trung đầu tư. Hai là, chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm lao động có tay nghề cung ứng cho doanh nghiệp, lẫn chuyên gia đầu ngành cho nghiên cứu, quản lý... vùng này còn rất hạn chế. Cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng như cơ chế huy động nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Ba là, kinh tế vùng phát triển chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác các tiềm năng sẵn có là chính, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trong vùng còn thấp.
Để trả lời cho câu hỏi “phải làm gì” của bạn phải làm rất nhiều việc, từ qui hoạch, thực hiện qui hoạch, liên kết vùng, điều hòa, phối hợp... Nhưng theo tôi, có hai việc phải đặc biệt quan tâm. Trước tiên, phải tiếp tục tính tới câu chuyện đào tạo nhân lực. Tiếp đến là phải đột phá thu hút đầu tư. Nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không thể vực dậy nổi. Muốn vậy phải có cơ chế huy động nguồn lực toàn xã hội, phải có cơ chế, chính sách đặc thù. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách cho cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây và liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Trước thềm TLHC, xin ông chia sẻ một vài thông tin về sự kiện quan trọng nhất này của vùng.
TLHC 10 năm thành tựu XD&PT ĐBSCL diễn ra từ ngày 27 đến 30.4.2012 tại Cần Thơ, không phải để “kể công” hay vui chơi. Sự kiện quan trọng này không chỉ khẳng định thành tựu mà còn là dịp để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, chăm lo an sinh xã hội. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Điểm nhấn của sự kiện là 2 hội nghị: Xúc tiến đầu tư phát triển vùng ĐBSCL và Hội nghị Ngoại giao đoàn với địa phương có đại diện 33 nước và tổ chức quốc tế; 3 hội thảo khoa học: Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn; Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng; Hội thảo tham vấn định hướng phát triển ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành đã kêu gọi đầu tư vào 178 dự án trọng điểm của vùng với tổng vốn kêu gọi hơn 171.000 tỉ đồng và 1,5 tỉ USD. Tại TLHC lần này cũng công bố Quỹ an sinh xã hội. Trong đó, năm 2011, toàn vùng đã huy động và đưa vào sử dụng 7.700 tỉ đồng; năm 2012 huy động thêm 7.000 tỉ đồng. Đặc biệt, riêng hệ thống ngân hàng đã đóng góp 760 tỉ đồng; trong đó đã chuyển thực hiện 297 tỉ đồng, sẽ trao tiếp tại sự kiện này 463 tỉ đồng.
Xin cảm ơn ông.
Trần Hiệp Thủy thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét