Nghị trường Quốc hội nóng lên khi thảo luận chủ đề về đầu tư công cho tam nông, không chỉ vì vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này, mà gần như mỗi cán bộ, đảng viên và các vị đại biểu Quốc hội, dù ở cương vị công tác nào, dường như đang mắc nợ nông dân (ND).
Trái ngọt đồng bằng (Ảnh Trần Minh Đức-dự thi Ảnh đẹp Tây Nam Bộ) |
Nông nghiệp (NN) và những những người ND luôn là sự “cứu nguy” cho kinh tế đất nước. Kỳ tích “Đổi Mới” của Việt Nam được cả thế giới biết đến cũng bắt đầu từ NN, ND và nông thôn; đưa nước ta từ thiếu đói thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Khoán 10, Chỉ thị 100, rồi tự do hóa thương mại, chắp cánh cho NN và dịch vụ phát triển, làm thay đổi hẳn diện mạo nền NN, địa bàn nông thôn và số phận người ND. Cuối thập kỷ 1990, khi châu Á rơi vào cơn “bão tài chính”, nhờ tăng nguồn lực đầu tư, chuyển đổi sản xuất NN theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế đất nước lại vượt qua khó khăn. Cuối năm 2007, khi cả thế giới oằn mình gánh chịu cơn khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế, tác động mạnh mẽ đến khu vực công nghiệp và dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam mới hội nhập; thì một lần nữa, NN đã cứu nguy, đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, tăng xuất khẩu gạo, thủy sản ở mức kỷ lục, trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế đất nước.
Vậy mà, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, đầu tư cho tam nông chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, vốn chỉ mới đáp ứng được 55 - 60% yêu cầu. Chuyển đổi cơ cấu NN chậm, ND được hưởng lợi ít nhất. Chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn gần 16%, trong khi ở thành thị chỉ hơn 5%. Nhìn ở góc độ vùng, miền, thì ĐBSCL - vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản của cả nước, nơi đảm bảo “sức khỏe”cho nền NN Việt Nam, thì ND đang chịu thiệt thòi và bất công: Vùng trũng về y tế, giáo dục, thấp kém về hạ tầng giao thông. Những sản phẩm chủ lực của vùng vẫn phát triển trong thế “bị đe dọa”: “Hạt gạo cắn chia làm 8 phần”, “Con cá tra bị chặt ra làm 3 khúc”, “Cây mía đang bị chặt làm nhiều lóng”... Phần thua thiệt thuộc về ND, thường xuyên chịu cảnh “trúng mùa, rớt giá”, “được giá, hết hàng”. Trong khi cả nước luôn “nhập siêu” nhiều năm qua, thì ĐBSCL luôn “xuất siêu” nhờ sự đóng góp ngày càng nhiều hơn từ lúa gạo, thủy sản, trái cây. ĐBSCL đang cho nhiều hơn nhận.
Tăng nguồn lực và tăng chất lượng đầu tư cho tam nông như Quốc hội đã bàn, các bộ trưởng đã hứa,... không thể tách rời với việc tăng cường cho ĐBSCL. Đó là cách “trả nợ” sòng phẳng cho ND đồng bằng và cả nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét