Trần Hữu Hiệp
Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – Tiền Giang 2012 (MDEC-TG 2012) với chủ đề "Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững", tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết vùng với 3 sản phẩm chủ lực: lúa gạo, trái cây và thủy sản. Diễn đàn nông dân – một hoạt động mới của MDEC năm nay thu hút sự quan tâm, đặt ra yêu cầu tạo ra “sản phẩm” gì thiết thực hỗ trợ tam nông ĐBSCL? Cách thức tổ chức và nông dân tham gia như thế nào cho diễn đàn này?
Kênh “tiếp sóng” và đối thoại nghiêm túc
Ảnh: hiepcantho |
Kênh “tiếp sóng” và đối thoại nghiêm túc
Diễn đàn nông dân – một hoạt động mới của MDEC năm nay với kỳ vọng sẽ tạo ra “kênh thông tin – đối thoại” hữu ích và thiết thực để các nhà hoạch định cơ chế, chính sách và quản lý ở các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lắng nghe kiến nghị, tiếp nhận các “đơn đặt hàng chính sách” từ nông dân. Từ đó, những người “làm chính sách” soi rọi lại cơ chế chính sách đã ban hành, làm cơ sở đề xuất và hoạch định chính sách mới thiết thực và hiệu quả hơn cho việc đáp ứng yêu cầu của nông dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhà nông với chính quyền, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Có thể nói, Diễn đàn nông dân là một phương pháp tiếp cận chính sách mang tính thực tiễn cao, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường và nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.
Theo Chương trình tổng thể MDEC – TG 2012 đã được Ban Chỉ đạo Diễn đàn thông qua, Diễn đàn nông dân sẽ được tổ chức vào ngày 23-11-2012 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với sự chủ trì của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tham gia chủ trì có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, VCCI và UBND tỉnh Tiền Giang. Cùng “lắng nghe” tiếng nói nông dân và tham gia đối thoại tại diễn đàn còn có các Hiệp hội: lương thực, thủy sản, trái cây và cơ quan liên quan, đại diện từ các cơ quan của 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh: Ủy ban nhân dân, các Sở: NN&PTNT, Công thương, Hội Nông dân, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nông nghiệp và các nhà khoa học.
Nông dân nói gì? Cần gì?
Bao giờ hết cảnh: Trúng mùa, rớt giá - Câu hỏi lớn của nông dân (ảnh: Trần Minh Đức) |
Diễn đàn nông dân là của nông dân. Sự tham gia của “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và hiệp hội” trong diễn đàn này chỉ là sự tham dự nghe nông dân nói gì, cần gì để “tiếp thu” và “đối thoại” nhằm thực hiện “bổn phận” hoạch định ra cơ chế chính sách nào tốt nhất và nhằm “đảm bảo nghĩa vụ” đối với nông dân. Những người nông dân sẽ nói về vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phản ảnh các chính sách của Chính phủ có hiệu quả hay không, có đến được với nông dân hay không? Nông dân đang chờ đợi những chính sách nào của Chính phủ và chính quyền, các hiệp hội được lập ra với tôn chỉ, mục tiêu phục vụ nông dân đã làm được gì? Nông dân mong đợi gì từ nhà khoa học, yêu cầu gì, sự tiếp nhận ra sao?
Thực tế cho thấy rằng, hoặc là bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, hoặc là không hiểu được nông dân cần gì, nên các "nhà" khác hay “cung cấp” cho nông dân cái mà họ nghĩ rằng nông dân cần, chứ chưa phải là điều mà nông dân muốn. Hệ quả là, nhà nước vẫn quan tâm đầu tư cho tam nông, chính sách hỗ trợ cho nông dân thì nhiều, từ mua lúa tạm trữ, “giải cứu cá tra”, hỗ trợ dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm lonh móng, lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá … nhưng nông dân vẫn thiệt thòi, có trường hợp chính sách hỗ trợ qua trung gian, không đến được với nông dân.
Một Diễn đàn không thể làm được nhiều điều, càng không có ích gì, nếu hậu diễn đàn là sự im lặng. Song, Diễn đàn nông dân trong khuôn khổ MDEC – TG 2012 lần này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp “các nhà khác” tiếp cận và phát huy vai trò của mình trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, chuyển dần từ vai trò “giúp nông dân” sang “vai trò” là đối tác thúc đẩy, tạo thuận lợi, hỗ trợ hành chính và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu trong việc giúp người dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến sản xuất và tham gia thị trường.
Để làm được điều đó, thì hậu MDEC – TG 2012 và sau Diễn đàn nông dân, phải có những cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân ĐBSCL, trọng tâm là hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực lúa gạo, trái cây, thủy sản; đề xuất giải pháp xây dựng các mô hình liên kết giữa các hộ nông dân theo liên kết theo hướng tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét