(Người nổi tiếng) - Suốt thời đi học của mình, tôi đã đọc đi
đọc lại bài thơ “Màu tím hoa sim” không biết bao nhiêu lần, lần nào đọc cũng
thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi cảm nhận được nỗi buồn thực sự sau những câu thơ
ấy. Khi đó chỉ cảm nhận vậy và biết vậy, sau này đi làm báo, tôi mới biết phía
sau bài thơ tình nổi tiếng ấy là cả một câu chuyện tình đẹp mà buồn, một câu
chuyện được chính Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại. Ông chính là anh trai của cô
Lê Đỗ Thị Ninh – “người em gái nhỏ” trong bài thơ “Màu tím hoa
sim”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Biết tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng”
Trung tướng Phạm Hồng Cư đang sống cùng gia đình
trong căn nhà nằm ở khu tập thể nhà binh ở phố Liễu Giai, nơi có gia đình Trung
tướng Vương Thừa Vũ, gia đình giáo sư Tạ Quang Bửu… sinh sống.
Nhiều người biết Phạm Hồng Cư là một Trung tướng
có tài của quân đội, cũng là người em cọc chèo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhưng không phải ai cũng biết, ông cũng chính là người anh trai của cô Lê Đỗ Thị
Ninh – người vợ trẻ xấu số của nhà thơ Hữu Loan – người con gái trong bài thơ
tình “Màu tím hoa sim” của nhà thơ.
Nhà thơ Hữu Loan |
Trung tướng Phạm Hồng Cư tên thật là Lê Đỗ
Nguyên. Sau này khi đi bộ đội, đóng quân trong tiểu đội Phạm Hồng Thái, ông và
những người lính trong đội đã đổi tên sang họ Phạm Hồng. Cái tên Lê Đỗ Nguyên do
cha sinh mẹ đẻ được đổi thành Phạm Hồng Cư cũng kể từ dạo đó.
Thân sinh ra Trung tướng Phạm Hồng Cư là cụ Lê Đỗ
Kỳ và cụ bà Đái Thị Ngọc Chất. Cụ Lê Đỗ Kỳ xưa là kỹ sư canh nông, từng làm Tổng
Thanh canh nông Đông Dương.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Lê Đỗ
Kỳ trở thành Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam, từng giữ chức
Chủ tịch huyện Đông Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa).
Mẹ của Trung tướng Phạm Hồng Cư – cụ Đái Thị Ngọc
Chất là con gái của một vị khoa bảng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trong
thời kháng chiến chống Pháp, cụ Đái Thị Ngọc Chất là thành viên tích cực trong
Hội Mẹ chiến sĩ.
Chính cụ đã nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều cán bộ,
chiến sĩ quân đội, mà trong số họ không ít người sau này trở thành tướng lĩnh,
sỹ quan cao cấp của ta. Sau này khi cụ già, con cháu đưa cụ ra sống ở Hà Nội,
nhiều sĩ quan của quân khu 4 vẫn thường xuyên ra Hà Nội thăm cụ. Họ đều gọi cụ
là mẹ một cách thân thương và trìu mến.
Trong bài thơ “Màu tím hoa sim”, Hữu Loan từng
viết:
“Một chiều rừng mưa
Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng…”
Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng…”
Trung tướng Phạm Hồng Cư chính là người anh trai
thứ 2 trong bài thơ đó. Hai người còn lại, một người là Lê Đỗ Long (nguyên Bí
thư TƯ Đoàn), một người là anh cả Lê Đỗ Khôi, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn
thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Anh cả Lê Đỗ Khôi hi sinh tại mặt trận Điện
Biên Phủ, chỉ trước khi Điện Biên Phủ toàn thắng vài tiếng đồng hồ.
Trong cuộc đời Trung tướng Phạm Hồng Cư, có hai
nỗi đau mất mát ông không bao giờ phai nhạt trong ông, đó chính là nỗi đau mất
đi người anh trai Lê Đỗ Khôi và người em gái Lê Đỗ Thị Ninh.
Khi người anh trai Lê Đỗ Khôi hi sinh, Phạm Hồng
Cư cũng đang chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung tướng Phạm Hồng Cư còn
nhớ, trước giờ vào chiến dịch, ông và anh trai Lê Đỗ Khôi hẹn gặp nhau ở hầm Đờ
- Cát trong ngày chiến thắng.
Nhưng suốt buổi chiều 7/5 lịch sử ấy, Phạm Hồng
Cư ngồi ở hầm Đờ - Cát mà không hề thấy bóng dáng anh trai mình đâu. Ngày hôm
sau, đi tìm những người thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, Phạm Hồng Cư mới
biết Lê Đỗ Khôi bị thương nặng trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm 506.
Trên đường nằm trên cáng quân y trở lại khu vực
đã giải phóng, đoàn thương binh – trong đó có Lê Đỗ Khôi đã bị máy bay địch oanh
tạc và ra đi mãi mãi.
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể: “Anh Khôi hi sinh,
tôi còn được sớm biết tin. Nhưng khi cô em gái yêu Lê Đỗ Thị Ninh mất đi, 3 anh
em trai chúng tôi đều đi bộ đội hoặc thoát ly đi hoạt động cách mạng. Thời chiến
phương tiện liên lạc khó khăn.
Thư nhà gửi thường xuyên bị thất lạc. Thành ra lá
thư cha mẹ báo tin em tôi lấy chồng đến sau, còn cái tin em tôi qua đời, chúng
tôi lại nhận được trước”. Vì thế mà mỗi lần đọc những câu thơ của Hữu Loan:
“Một chiều rừng mưa/ Ba người anh từ chiến trường
Đông Bắc/ Biết tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng…” – bao giờ Trung tướng
Phạm Hồng Cư cũng cảm thấy nghẹn ngào.
Chiến tranh khốc liệt đã khiến cuộc đời Phạm Hồng
Cư và những người xung quanh ông đầy những biến cố, những bi kịch, đầy những nỗi
đau không dễ chia sẻ thành lời.
Ký ức về người con gái trong bài thơ “Màu
tím hoa sim”
Duyên nợ đã khiến nhà thơ Hữu Loan trở thành em
rể của Trung tướng Phạm Hồng Cư, còn kỳ thực thì trước đó, Hữu Loan là thầy giáo
của Phạm Hồng Cư và những người anh em trong gia đình ông.
Nhà thơ Hữu Loan sinh năm 1916. Ông là người làng
Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Xưa kia Hữu Loan vốn là con trai một người
tá điền nghèo, nên ông không được cắp sách đến trường như bạn bè.
Thế nhưng bố ông – một người nông dân nghèo, lại
là một người cực kỳ thông minh, sáng dạ, tuy không được học hành nhưng chữ
nghĩa, văn chương cũng đủ dạy con trai bằng bạn bằng bè. Hữu Loan kế thừa được
sự thông minh, sáng dạ của cha.
Ông học một, biết mười. Nhà nghèo, không có tiền
đi học, nhưng lúc nào Hữu Loan cũng là một học trò giỏi. Đến bậc Thành trung
(tương đương với bậc phổ thông bây giờ), Hữu Loan ra Thanh Hóa vừa đi học vừa đi
làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hữu Loan là một người rất có khí chất. Xưa học
trò nghèo đi học thường bị khinh. Vì muốn chứng tỏ “học trò nghèo cũng có thể đỗ
đạt” nên Hữu Loan đã ra Hà Nội tham dự cuộc thi Tú tài và trở thành một trong số
hiếm hoi những người khóa thi năm đó đỗ Tú tài.
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể, duyên phận đưa Hữu
Loan đến với dòng họ Lê Đỗ của ông như một định mệnh.
Ngày đó ở Thanh Hóa có 2 hiệu sách nổi tiếng, một
là hiệu sách Hà thành của ông Trương Khâm, huynh trưởng hướng đạo sinh Hà Thành;
hiệu sách thứ hai là hiệu Hòa Yên của bà Tham Kỳ (tức bài Đái Thị Ngọc Chất –
thân mẫu của Trung tướng Phạm Hồng Cư).
Khi ấy Hữu Loan cùng với nhiều người học trò
nghèo khác thường ra hiệu sách Hòa Yên của bà Tham Kỳ Đái Thị Ngọc Chất để đọc
nhờ sách.
Bà Tham Kỳ vốn sinh ra trong gia đình khoa bảng,
sẵn có máu văn chương, lại là người hiền lành, tốt bụng nên rất rộng rãi với
những người học trò nghèo như Hữu Loan. Bà thường cho Hữu Loan đọc sách miễn phí
mà chưa bao giờ mở miệng kêu ca, phàn nàn.
Bà Tham Kỳ rất quý chàng trai Hữu Loan nhà nghèo
mà ham học. Vốn có đôi chút chữ nghĩa, lại được đọc nhiều sách hay, nên bà Tham
Kỳ cũng coi như một người phụ nữ có chút hiểu biết thời đó. Bà thường lấy chuyện
đời, chuyện thơ ra đàm đạo với Hữu Loan.
Thấy Hữu Loan là người có tư chất thông minh,
tính tình cương trực, thẳng thắn, bà Tham Kỳ đã bàn với chồng mời Hữu Loan về
làm gia sư cho những người con của mình.
Gia đình bà Tham Kỳ khi ấy giàu có tiếng ở Thanh
Hóa. Ngoài cửa hàng sách, ông bà còn có hàng trăm mẫu ruộng. Nhưng ông bà sống
rất giản dị, thân mến với người xung quanh, tuyệt nhiên không có cái phách lối,
khinh khi của người giàu có.
Năm bà Tham Kỳ mời Hữu Loan về làm gia sư cho các
con, Hữu Loan đã 24 tuổi. Hữu Loan trở thành gia sư của Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên
(tức Phạm Hồng Cư), Lê Đỗ An (tức Nguyễn Tiên Phong) và Lê Đỗ Thị Ninh. Trung
tướng Phạm Hồng Cư kể rằng, Hữu Loan là một người vô cùng đáng kính.
Hữu Loan không chỉ là người thầy dạy dỗ tri thức
cho Phạm Hồng Cư mà còn là người đã truyền cho Phạm Hồng Cư tình yêu với văn
chương, với sách vở. Ngày ấy vì quý Hữu Loan hiền lành, trong sáng, lại có chí
học hành, ông bà Tham Kỳ đã coi Hữu Loan như con cái trong nhà.
Ông bà Bà Tham Kỳ cho Hữu Loan ở trọ ngay tại
trong nhà mà không lấy tiền nhà, còn nhận Hữu Loan làm con nuôi. Khi Hữu Loan bị
ốm, bà Tham Kỳ cho người chăm sóc rất tận tình. Tình cảm giữa Hữu Loan và gia
đình ông bà Tham Kỳ đã gắn bó keo sơn ngay từ ngày đó.
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể rằng, khi em gái ông
bắt đầu lớn lên, cũng là lúc 3 anh em trai ông thoát ly đi cách mạng, nên chuyện
tình duyên của Hữu Loan và em gái, ông không được chứng kiến.
Đám cưới của em gái, 3 anh em trai ông cũng không
được tham dự. Những câu chuyện về người em gái đoản mệnh của mình với Hữu Loan,
sau này ông được biết là qua lời kể của người thân trong gia đình và qua những
câu chuyện do Hữu Loan tâm sự.
Khi Hữu Loan về làm gia sư cho gia đình ông Lê Đỗ
Kỳ, cô con gái Lê Đỗ Thị Ninh của hai ông bà mới là một cô bé 8 tuổi nhút nhát,
còn Hữu Loan đã là một người thanh niên 24 tuổi. Lần đầu gặp Hữu Loan, Lê Đỗ Thị
Ninh đúng núp sau lưng mẹ, mẹ phải dỗ dành mãi mới dám thẽ thọt nói: “Em chào
thầy ạ!”.
Lê Đỗ Thị Ninh là một cô bé có gương mặt xinh
xắn, tính tình nền nã, dịu dàng và sống rất suy tư, tình cảm. Nhưng vì khi đó
Hữu Loan đã lớn tuổi, còn Lê Đỗ Thị Ninh mới chỉ là một cô bé, nên tình cảm nhà
thơ dành cho cô học trò nhỏ của mình lúc đó chỉ giống như tình yêu của một người
anh trai với một người em gái.
Sau này, khi rời khỏi Thanh Hóa đi làm cách mạng,
trở về quê hương xứ Thanh, thấy người em gái năm nào đã vụt lớn thành thiếu nữ,
Hữu Loan mới bắt đầu nhận ra tình cảm đặc biệt của mình dành cho người em gái
ấy.
Gia đình ông bà Tham Kỳ ngày đó giàu có, người
giúp việc chẳng thiếu, nhưng bao giờ cô học trò Lê Đỗ Thị Ninh cũng là người
giặt quần áo cho thầy giáo Hữu Loan. Có lần nhà thơ Hữu Loan được cô học trò nhỏ
của mình đưa lên đồi sim và hái tặng cho cả một mũ quả sim.
Khi đó dù chưa có tình cảm đặc biệt với cô học
trò bé bỏng của mình, nhưng buổi đi dạo trên đồi sim tím giữa buổi chiều xứ
Thanh năm ấy sau này luôn trở thành một phần ký ức đặc biệt trong lòng nhà thơ
Hữu Loan.
Một trong những điều khiến nhà thơ Hữu Loan vô
cùng yêu quý cô học trò nhỏ của mình là vì tuy là tiểu thư nhà giàu, nhưng Lê Đỗ
Thị Ninh sống rất giản dị, khiêm tốn. Từ bé, cô đã không thích mặc áo lụa xoa
hoa, mà chỉ thích mặc áo vải giản dị.
Khi gia đình về sống ở thôn Thị Long, huyện Nông
Cống, Thanh Hóa, chính Lê Đỗ Thị Ninh là người cáng đáng việc cơm nước, giặt
giũ, ruộng đồng, cáng đáng nhiệm vụ chăm sóc mẹ cha thay 3 người anh lớn đi theo
cách mạng.
Lê Đỗ Thị Ninh tuy hiền lành, nhút nhát, nhưng
lại là cô học trò thông minh, sáng dạ, thầy dạy đến đâu biết ngay đến đó. Trong
những buổi học, Lê Đỗ Thị Ninh thường đưa ra những câu hỏi khó khiến đôi khi
chính thầy giáo Hữu Loan cũng cảm thấy bối rối.
Sau một thời gian làm gia sư ở gia đình ông bà
Tham Kỳ, Hữu Loan rời khỏi Thanh Hóa một thời gian rất dài để đi theo cách
mạng.
Ngày Hữu Loan ra đi, cô bé Lê Đỗ Thị Ninh còn là
cô học trò 8 tuổi, đứng tiễn thầy giáo ở con đê đầu làng và nhè nhẹ đưa bàn tay
lên vẫy chào tạm biệt.
8 năm sau, khi Hữu Loan quay trở lại Thanh Hóa,
tiện dịp về thăm ông bà Tham Kỳ, tình cờ gặp Lê Đỗ Thị Ninh cũng chính ở con đê
ấy, ông đã giật mình nhận ra người em gái của mình năm nào nay đã thành thiếu
nữ.
Những nét trẻ con trên gương mặt người em gái ấy
đã biến mất, thay vào đó là những nét đẹp thanh xuân con gái. Đó là lần đầu tiên
Hữu Loan cảm thấy rung cảm trước vẻ đẹp của cô thiếu nữ Lê Đỗ Thị
Ninh.
(Kỳ II: Ký ức đặc biệt trong “Màu tím hoa sim” )
- Hương Thảo Nguyên (Phụ Nữ Today)
(Kỳ II: Ký ức đặc biệt trong “Màu tím hoa sim” )
Nhận xét
Đăng nhận xét