Trần Hiệp Thủy
Trong 2 giờ ngắn ngủi đến thăm và làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) hôm qua (11.6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng ban BCĐ TNB đầu tiên đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu sắc đối với cán bộ công chức cơ quan. Là người con của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từng sống và chiến đấu ở mảnh đất một thời bom cài, đạn xới, cầm súng cùng với cầm bút ở những lớp bổ túc trong kháng chiến; nay là người đứng đầu Chính phủ, ông nói như thuộc lòng về những thế mạnh, điểm yếu của vùng này; đồng thời “đặt hàng”, “giao đầu việc” cho Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban BCĐ TNB và tập thể cơ quan BCĐ TNB, cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
Yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động 10 năm qua của BCĐ TNB đã chứng minh sự cần thiết tiếp tục phát huy vai trò của các ban chỉ đạo, làm đầu mối phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là tham mưu đề xuất để tăng cường liên kết vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực, khắc phục hạn chế của vùng. Đó là thế mạnh đặc thù không chỉ của vùng mà còn mang tầm quốc gia và quốc tế trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản. Nhưng Thủ tướng cũng đau đáu kể chuyện bệnh nhân nằm phòng ngập nước ở một bệnh viện tại Vĩnh Long hơn 15 năm trước, nay bệnh viện này vẫn chưa được đầu tư tốt hơn; rất buồn khi nghe bình quân chỉ có 26/100 em học sinh tốt nghiệp phổ thông của tỉnh này được vào đại học so với 50-55 em ở các vùng miền khác. Những thua thiệt về điều kiện học tập, đi lại, chất lượng giáo dục ở các trường mẫu giáo và phổ thông “ba không” (không điện, không nước, không nhà vệ sinh) của vùng ĐBSCL. Thủ tướng nhắc lại, từ trong gian khổ của chiến tranh, những mái trường kháng chiến Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Tố ở Cà Mau … đã cung cấp kiến thức, đào tạo ra nhân lực cho cách mạng. Ngày nay có điều kiện thuận lợi hơn, càng phải quan tâm đặc biệt đối với giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực. Ngay cả những thế mạnh trong sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản của vùng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc trước yêu cầu phát triển bền vững: Làm gì để hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và phân phối lợi nhuận công bằng, để người nông dân gắn bó với nhiệm vụ vinh quang của mình; đồng thời hưởng thụ xứng đáng.
TTg Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại BCĐ Tây Nam Bộ ngày 11-6-2012 |
ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây; đồng thời khắc phục hạn chế của một vùng trũng – chất lượng nguồn nhân lực. Cơ chế đặc thù nảy sinh từ yêu cầu phát triển và thực tiễn của đồng bằng, tạo ra động lực phát triển cho đồng bằng. Cơ chế đặc thù không chỉ là sự “quan tâm” tiếp sức từ Trung ương, mà chính là nguồn tạo ra lực, ra thế phát triển mới của chính ĐBSCL. Đó không chỉ là mong muốn của người đứng đầu Chính phủ, còn là tâm tư, tình cảm và kỳ vọng của người đồng bằng và cả nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét