Phía trước (Photo Nguyễn Công Thủy-dự thi ảnh đẹp TNB) |
Trần Hữu Hiệp
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) tại Công văn số 925-CV/BCĐTNB ngày 05.4.2012 về việc xây dựng “Đề án đặc thù phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015” và ý kiến của các bộ: GDĐT, Nội vụ, KHĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã giao BCĐ TNB phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực, Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GDĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL và Quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương trong vùng. Bộ GDĐT cũng vừa có công văn gửi 3 BCĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, TNB ủng hộ chủ trương đào tạo cán bộ trình độ sau đại học (ĐH), ĐH, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp theo nhu cầu nhân lực của các địa phương tại 3 vùng khó khăn này.
Từ xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, TNB đã “đi tiên phong” trong việc chủ động phối hợp với các trường ĐH, cơ sở đào tạo nhằm “tăng tốc” trong cuộc “rượt đuổi” các vùng, miền khác về phát triển nhân lực. Năm 2011, Trường ĐH Y dược TPHCM đã khai giảng lớp học đầu tiên đào tạo 120 bác sĩ (BS) liên thông cho các tỉnh, thành trong vùng tại Tiền Giang và mở lớp đào tạo BS chính qui theo “cơ chế đặc thù” tuyển chọn thí sinh có điểm thi ĐH “trên sàn, dưới chuẩn”. Năm 2012, các lớp đào tạo theo nhu cầu sử dụng của địa phương trong vùng sẽ tiếp tục được mở nhờ sự “vận dụng” chỉ tiêu cho “vùng trũng” của Bộ GDĐT. Trường ĐH Y dược TPHCM dành 300 chỉ tiêu riêng cho ĐBSCL đào tạo BS chính qui, 120 chỉ tiêu BS liên thông. Trường ĐH Kiến trúc TPHCM dành 516 chỉ tiêu đào tạo kiến trúc sư và kỹ sư. Trường ĐH Kinh tế TPHCM đang tổ chức ôn tập để tuyển chọn 60 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ chính sách công. BCĐ TNB còn phối hợp với Học Viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP.Cần Thơ và các tỉnh mà lâu nay luôn bị “nợ kiến thức” do chẳng được đào tạo ở địa phương (vì thuộc Trung ương) mà cũng chẳng ra được Trung ương học tập.
Một thực tế từ nhiều năm qua là, các thí sinh miền Tây khó tranh với bạn bè ở TPHCM, miền Đông và miền Trung khi thi vào các trường ĐH uy tín của TPHCM. Cần một “cơ chế đặc thù” để tạo cơ hội nhiều hơn cho vùng khó như miền TNB là một yêu cầu tất yếu.
Nhận xét
Đăng nhận xét