Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) được tổ chức hàng năm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là diễn đàn “nói và làm” với các hoạt động liên kết mở, nhằm tăng tính hợp tác và liên kết vùng, liên kết với TPHCM (G.13 + 1), liên vùng và hợp tác quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã trải qua 5 lần tổ chức tại TPHCM và 4 địa phương thuộc “Tứ giác động lực”: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Năm 2012, tỉnh Tiền Giang - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - đăng cai tổ chức. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Thư ký MDEC - Tiền Giang 2012 và các tiểu ban giúp việc đã được thành lập, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thông qua dự thảo Chương trình tổng thể. MDEC - Tiền Giang 2012 có gì mới?
Với chủ đề "Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững", MDEC năm nay tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết vùng với 3 sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, trái cây và thủy sản. Nhiều người kỳ vọng với phương châm “nói và làm”, MDEC - Tiền Giang 2012 không chỉ tập hợp được tiếng nói và sáng kiến, mà còn tham mưu giúp Chính phủ “chuyển hóa” thành “cơ chế, chính sách, pháp luật”. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi thăm và làm việc với BCĐ Tây Nam Bộ ngày 11.6.2012 là “ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế của vùng”.
Tuần lễ ĐBSCL tại TP HCM - MDEC - Kiên Giang 2010 |
MDEC năm nay diễn ra tập trung từ cuối tháng 11, kết thúc vào 07.12.2012 tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang với chuỗi 4 hoạt động, gồm 6 sự kiện chính là: Diễn đàn nông dân; Diễn đàn doanh nghiệp; Hội chợ nông nghiệp quốc tế lần thứ 12 - Agroviet 2012 kết hợp với Hội chợ triển lãm trái cây; Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL; Hội thảo về cơ chế, chính sách đặc thù đối với 3 sản phẩm chủ lực: Lúa, trái cây, thủy sản và Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC ra Tuyên bố chung kiến nghị Chính phủ cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững.
Tiếng nói tâm huyết từ nông dân và doanh nghiệp
Với Diễn đàn nông dân - một hoạt động mới của MDEC năm nay, những người tổ chức kỳ vọng sẽ tạo ra “kênh thông tin - đối thoại” hữu ích và thiết thực để các nhà hoạch định cơ chế, chính sách và quản lý ở các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lắng nghe kiến nghị, tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là sau diễn đàn “ra được sản phẩm gì?” - những vấn đề thực tiễn về tam nông, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ... Diễn đàn doanh nghiệp năm nay tiếp tục xây dựng kênh đối thoại trực tiếp, mang tính xây dựng giữa các bộ, ngành trung ương, chính quyền các tỉnh, thành Tây Nam Bộ với cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL. Đặc biệt, theo dòng thời sự và yêu cầu bức xúc, Diễn đàn lần này tập trung bàn giải pháp, đưa ra đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở ĐBSCL trong bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
Điểm nhấn MDEC - Tiền Giang 2012
Hội chợ nông nghiệp quốc tế lần thứ 12 - Agroviet 2012 do Bộ NNPTNT chủ trì tổ chức hàng năm tại các vùng, miền; năm nay được gắn kết với MDEC - Tiền Giang 2012, kết hợp với Hội chợ triển lãm trái cây ĐBSCL. Đây là hoạt động tạo “điểm nhấn” của MDEC nhằm quảng bá hình ảnh "Đất phù sa cho cây trái ngọt lành”; tôn vinh nhà vườn, nhà khoa học và doanh nghiệp. Song, điểm nhấn quan trọng nhất của MDEC - Tiền Giang 2012 chính là Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực; định hướng và giải pháp để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển bền vững; tập hợp sáng kiến để giải quyết các tình trạng SXKD manh mún, xé lẻ đã làm cho “hạt gạo bị cắn làm 8”, “con cá tra bị chặt ra làm 3 khúc”, “trái bưởi, trái cam bị cắt ra năm bảy múi”... mục tiêu là tăng cường liên kết vùng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét