Văn Hóa Online (06/06/2012)
VH- Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị giao ban văn hoá – văn nghệ khu vực miền Tây Nam Bộ với chuyên đề “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”.
Các di vật nền văn hóa Óc Eo |
Hội nghị đã được nghe các nhà khoa học và các địa phương như An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang… trình bày các chuyên đề rất bổ ích và thiết thực trong công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ hiện nay, như: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Óc Eo nói riêng và văn hóa Tây Nam Bộ nói chung trong cơ chế thị trường và hội nhập, Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa vật chất nói chung trong cơ chế thị trường và hội nhập, Đặc trưng văn hóa vùng sông nước, Vùng đất và con người vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phản ánh tình hình giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ hiện nay ở địa phương mình. Di sản văn hóa Tây Nam Bộ có số lượng đồ sộ, phong phú, đa dạng, các di sản văn hóa vật thể còn nhiều những di tích cổ vật, đình miếu, nhà cổ, mộ cổ…; các di sản văn hóa phi vật thể cũng rất phong phú từ các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, phong tục tập quán, lễ phục, tín ngưỡng, thơ ca, cải lương, tập tục thờ cúng, trò chơi dân gian. Đặc biệt, văn hóa Óc Eo chứa đựng khối lượng lớn các di tích, di chỉ mang đặc trưng rất riêng của vùng sông nước Tây Nam Bộ, đã được chính quyền các địa phương quan tâm bảo tồn, khảo cứu.
Hầu hết các địa phương đã chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề ra nhiều giải pháp tích cực, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực của nền văn hóa truyền thống được xây đắp từ trong lao động sáng tạo. Nét đặc sắc trong di sản văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long chính làsự thể hiện đặc trưng địa lý vùng sông nước, cây trái, cánh đồng lúa… tạo nên phong cách người Tây Nam Bộ kiên trung, phóng khoáng, hào hiệp, thật thà, trọng nghĩa, khinh tài... góp phần làm phong phú thêm trong tâm hồn, tình cảm, lối sống và nét đặc sắc “rất riêng” của đồng bào Tây Nam Bộ.
Vùng đất này là nơi hội tụ, lắng đọng của dòng văn hóa Cửu Long –Mekong để hình thành nên tính cách con người Nam Bộ, những danh nhân văn hóa, những người có công trạng lớn như: Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Tấn Phát, Tạ Thị Kiều, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Lê Anh Xuân…
Bên cạnh những thành công trong công tác bảo vệ di sản văn hóa, nhiều địa phương đã phản ánh những bất cập hiện nay trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa miền Tây Nam Bộ, như: Tình trạng xâm hại di tích, việc tự ý trùng tu, tôn tạo, chưa phối hợp tốt công tác bảo tồn vàphát huy giá trị di tích; hoạt động của Ban quản lý di tích còn kém hiệu quả, hoạt động dịch vụ khá lộn xộn trong khu di tích; tổ chức lễ hội chưa đúng mục đích, lợi dụng lễ hội để trục lợi; việc sưu tầm hiện vật văn hóa gặp nhiều khó khăn; thiếu các dựán bảo tồn, tôn tạo một cách bài bản, khoa học; đội ngũ quản lý di sản văn hóa còn bất cập…
Vềvăn hóa Óc Eo, các nhà khoa học đều thống nhất nhận định: Văn hóa Óc Eo có không gian rộng lớn, phân bố chủ yếu trong phạm vi các tỉnh Nam Bộ. Di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện vào năm 1942. Từ năm 1977 các nhà khảo cổ đã nghiên cứu, khảo cổ và khai quật các di tích, làm rõ được phạm vi phân bố và các loại hình di tích của nền văn hóa này.
Văn hóa Ốc Eo có vị trí đặc biệt, cùng với nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh hình thành nền văn hóa Việt Nam. Để khắc phục tình trạng nghiên cứu nhỏ lẻ, manh mún trước đó, thời gian tới việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo cần phải có tầm chiến lược và quy mô lớn, huy động sự tham gia của các nhàkhoa học, các cơ quan chức năng và đặc biệt sự tham gia tích cực của nhân dân.
Đánh giá cao sự phong phú với những nét văn hóa đặc trưng vùng Tây Nam Bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị các cơ quan khoa học, các địa phương nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, chủ động trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa.
Trước mắt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo tồn di sản; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ di tích; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban ngành, đoàn thểtrong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy và chính quyền; phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện; nâng cao vai trò định hướng, quản lýcủa Nhà nước; xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống; cần phải được bổ sung, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời phải thúc đẩy xã hội hóa sựnghiệp giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nhằm đáp ứng mới trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; cần quy hoạch, lập bản đồ khảo cổ học; xây dựng định hướng nghiên cứu, bảo tồn lâu dài, cụ thể; lập hồ sơ khoa học và đề xuất các biện pháp bảo vệ cụ thể; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Tây Nam Bộ.
Lê Thị Bích Hồng
Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương
Nhận xét
Đăng nhận xét