Trần Hữu Hiệp
Bên dòng Mê Kông huyền thoại. Ảnh: hiepcantho |
Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (VN-CPC) 24.6.1967-24.6.2012, chào mừng “Năm hữu nghị VN-CPC”; nhiều hoạt động ngoại giao, kinh tế cấp vùng, quốc gia và quốc tế đã diễn ra ở Kiên Giang mấy ngày qua. Thủ tướng Chính phủ VN Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia CPC Hun Sen cùng dự Lễ khánh thành cột mốc số 314 mốc cuối cùng đường biên giới trên bộ giữa 2 nước; tham dự và chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư VN-CPC lần thứ 3...
ĐBSCL có 4 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An) tiếp giáp với CPC với tổng chiều dài biên giới trên bộ hơn 340km, có nhiều cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Thường Phước, Xà Xía, nhiều cửa khẩu quốc gia và đường tiểu ngạch. Cùng với sự hình thành và phát triển hệ thống chợ biên giới và khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động biên mậu những năm gần đây diễn ra ngày càng sôi động, mở ra cánh cửa phát triển mới cho đất Chín Rồng về hướng Tây Nam.
Những năm gần đây, tình hình an ninh - chính trị CPC ngày càng ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước phát triển nhanh chóng. Nếu giai đoạn 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 140 triệu USD/năm, thì từ năm 2005, kim ngạch thương mại 2 nước tăng bình quân 30-40%/năm. Năm 2007 đạt hơn 1,2 tỉ USD, đến năm 2011 đạt 2,8 tỉ USD, gấp 2,33 lần năm 2007. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỉ USD trong 5 năm tới. Hiện nay, VN đã có hơn 114 dự án được cấp phép đầu tư tại CPC với tổng số vốn trên 2,4 tỉ USD, tập trung trên các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, năng lượng, trồng cây cao su, chế biến nông sản.
Kết nối những con đường
Chợ vùng biên ở CPC. Ảnh: hiepcantho |
Để đẩy mạnh quá trình hợp tác đầu tư, mở rộng cánh cửa phát triển Tây Nam cho ĐBSCL với đất nước Chùa Tháp, các công trình đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo trục dọc, kết nối và xuyên biên giới được quan tâm thực hiện, tạo “đòn bẩy động lực” rất quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước. Theo quy hoạch và định hướng đầu tư, khu vực biên giới Tây Nam VN-CPC sẽ là vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông - lâm nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi quan trọng; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Trục không gian phát triển chính gồm: Trục dọc (đường Hồ Chí Minh QL14 - tuyến Kon Tum - Kiên Giang và tuyến vành đai biên giới QL14C Ngọc Hồi - Hà Tiên); trục ngang (tuyến cao tốc Cần Thơ - TX.Châu Đốc, tuyến hành lang đường thủy sông Tiền, sông Hậu và đường ven biển Tây vịnh Thái Lan). Các đô thị trung tâm của tiểu vùng gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang với chức năng phát triển chính là sản xuất lúa gạo, thuỷ hải sản xuất khẩu, cây ăn trái nhiệt đới. Do vậy các đô thị ở tiểu vùng này sẽ gắn liền với chức năng thương mại, du lịch sinh thái và hoạt động của các cửa khẩu.
Chung một dòng sông
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ 2 nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả. TP.Cần Thơ là địa phương đã đi đầu trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận hợp tác toàn diện với TP.Phnom Penh; các tỉnh biên giới trong vùng như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An cũng thường xuyên tăng cường hợp tác, hỗ trợ giúp bạn về mọi mặt.
Vấn đề là tiếp tục nâng mối quan hệ hợp tác đó lên tầm cao mới, trên cơ sở lợi ích của các bên. Cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết trong khuôn khổ Ủy ban sông Mê Công để có được một cơ chế hợp tác quốc gia theo vùng thật sự năng động và hiệu quả. Các chương trình phát triển du lịch “4 quốc gia, một điểm đến”, “phiên chợ hàng VN tại CPC” cần được phát huy, cần tiến tới hình thành và phát triển “Hành lang kinh tế Mê Công”. Hành lang kinh tế này dựa vào trục sông Mê Công với lịch sử hình thành phát triển, gắn bó lâu đời các thế hệ cư dân các nước, đã từng tạo ra nền văn minh sông nước có nhiều nét tương đồng. Nay trong xu thế hợp tác mới, với thế phát triển xuyên bán đảo Đông Dương ra biển Đông, nối với tuyến hàng hải quốc tế Đông Tây (nơi có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới) sẽ tạo thế và lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Một tương lai gần, vựa lúa, thủy sản, vườn cây của miền châu thổ Cửu Long này sẽ ngày càng trù phú và hiện đại hơn, như dòng chảy Mê Công huyền thoại vẫn luôn trong thế vươn ra biển lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét