Chưa bao giờ các tập đoàn kinh tế chủ lực của quốc gia về sản xuất
điện, than - khoáng sản, dầu khí, vận tải… phải hứng chịu sự lên án của dư luận
“ác” như độ này.
Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu kinh tế…
vạch ra vô vàn những “tội lỗi” của các tập đoàn: Nào là quản lý kém, làm ăn thua
lỗ, nào là đầu tư ngoài ngành dẫn đến mất vốn, rồi đủ các thứ tiêu cực khác… Rồi
họ đòi phải thả nổi giá xăng, dầu, điện; phải để cho thị trường tự do điều tiết
giá cả… Họ đưa ra những con số nợ khổng lồ của các tập đoàn và đáng ngạc nhiên
là không ai phân tích cho tới đầu tới đũa rằng, đó là nợ do nguyên nhân gì, có
trả được hay không; đó là nợ do làm ăn thua lỗ hay do vay đầu tư…
Ụ nổi 83M - một trong những dự án đầu tư của Vinalines |
Nước Mỹ kia, vay nợ nước ngoài tới hàng ngàn
tỉ đô la, nhưng liệu có ai dám cho rằng, đó là quốc gia quản lý kém, là không
biết làm kinh tế?
Vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các dự án kinh tế, đó
là việc thường tình và chả có doanh nghiệp nào lại không phải vay để đầu tư.
Ngay chuyện thanh tra cũng vậy. Cứ nói đến doanh nghiệp đang bị thanh tra là ai
cũng nghĩ rằng đơn vị đó có vấn đề. Và khi kết luận thanh tra được công bố, thì
chẳng ai đi tìm nguyên nhân bên trong của những con số, những kiến nghị… mà
thanh tra đưa ra, mà chỉ nghĩ là “có tiêu cực, có thất thoát, tham nhũng”. Đặc
biệt, những thông tin này đã bị các loại báo chí tung lên với giọng điệu bình
luận ác ý, cay nghiệt.
Từ những định kiến này, dẫn đến suy nghĩ rằng, các
tập đoàn kinh tế Nhà nước là đám “công tử con quan” được cưng chiều và “ăn tàn
phá hại”, chỉ tìm cách “vắt sữa từ con bò, để ăn chơi”.
Đây là những định
kiến cực kỳ nguy hiểm và gây tác động không nhỏ vào việc làm suy giảm lòng tin
của người dân vào sự điều hành của Chính phủ.
Không mấy ai nghĩ rằng, các
tập đoàn kinh tế Nhà nước, bên cạnh việc phải tạo ra “quả đấm thép” về kinh tế,
còn phải làm vô vàn các nhiệm vụ phục vụ cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội,
là công cụ để điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mà những điều
này, không phải lúc nào cũng có thể phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ hiểu
được.
Không ít cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn Dầu khí đang phải
làm nhiệm vụ bám biển tìm dầu cho nền kinh tế thì còn phải làm thêm nhiệm vụ như
những người lính để tham gia giữ gìn chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Họ phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ và cả sự hiểm nguy luôn rình rập,
do đủ các loại “tàu lạ” lao vào gây sự. Súng đạn thì không được trang bị, lực
lượng yểm trợ, bảo vệ thì mỏng… Lúc ấy họ chỉ còn bảo vệ chủ quyền bằng ý chí,
bằng lẽ phải và lòng dũng cảm. Nhưng đọc những thông tin viết về ngành, họ không
khỏi chạnh lòng và ngọn lửa nhiệt huyết trong nhiều con người Dầu khí cũng lụi
đi chút ít. Cũng phải thôi, khi mà công việc của mình không những không được
hiểu, được thông cảm, mà lại bị xoi mói, coi như “mấy thằng moi tài nguyên lên
bán, chia nhau”, thì ai còn muốn làm nữa.
Ví như Tập đoàn Điện lực Việt
Nam, nếu bây giờ cho thả nổi giá điện, để ngành điện tính đủ giá đầu ra, đầu
vào, có chút lãi, thì chắc chắn giá điện không phải như hiện nay mà ta được
dùng. Theo một chuyên gia kinh tế tính toán, nếu giá điện không được Nhà nước
giữ như hiện nay mà cho “thả”, thì ít nhất một phần ba các cơ sở công nghiệp
trong nước có nguy cơ đóng cửa, bởi lẽ sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện
năng. Và như vậy, hàng triệu người lao động sẽ ra vỉa hè… Tất nhiên là sẽ kéo
theo hệ lụy vô cùng lớn cho xã hội.
Ngay như chuyện Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN) nợ tiền Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) ngót 14 ngàn tỉ
kia, nếu không phải Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)
cho EVN nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Và cũng sẽ xảy ra điều gì, nếu như PV Power
không “đòi” được số tiền đó? Phá sản ngay lập tức – đó là chuyện đương nhiên,
bởi 14 ngàn tỉ kia mà? May mắn cho PV Power là còn được PVN hỗ trợ, nếu không,
“chết sặc gạch” từ lâu rồi.
Xăng dầu cũng vậy. Nếu cứ cho thực hiện theo
kiểu “thế giới phẳng”, thì giá xăng dầu thế giới lên cao, mà Nhà nước không có
sự điều tiết thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế này? Khi giá xăng dầu giảm tý
chút, ai cũng nghĩ tới “phải giảm ngay, giảm ngay…”. Còn khi giá xăng dầu tăng
thì lại hô hào “phải giữ, đừng tăng” – nghe rõ là chưa hợp lý.
Khi phân
tích các nguyên nhân mà các tập đoàn làm ăn chưa hiệu quả, hầu như không mấy ai
quan tâm tới việc ảnh hưởng của thị trường thế giới tới các doanh nghiệp Việt
Nam. Chúng ta đang ở trong bối cảnh gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới,
vì vậy, “nhất cử, nhất động” gì của các nước, cũng có tác động không nhỏ tới nền
kinh tế vẫn đang “chập chững” của ta. Như vận tải biển chẳng hạn, từ năm 2008
đến nay, do thế giới đình đốn, công việc không có, hàng chục hãng tàu danh tiếng
trên thế giới phải đắp chiếu, nằm im thở khẽ, cộng vào đó là giá xăng dầu lên
cao, thế là việc đã ít, nhưng càng chở thì càng… lỗ. Bi kịch là chỗ đó.
Làm kinh tế, có lúc khỏe, lúc yếu, lúc thăng, lúc trầm, cũng giống như
con người ta vậy. Trẻ mãi cũng tới lúc già, khỏe mãi cũng có lúc ốm. Đó là quy
luật. Quan trọng là người lãnh đạo phải nắm được quy luật đó, lường trước được
khó khăn sẽ tới mà biết cách phòng chống. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt
mắc căn bệnh truyền kiếp, đó là khi kinh tế phát triển thuận lợi thì vỗ ngực,
huênh hoang và “vung tay quá trán”, mà không ai tự đặt cho mình dấu hỏi: “Sự may
mắn, thuận lợi này, còn… mấy ngày nữa”.
Không thể không nhận thấy rằng,
việc quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn có những
vấn đề chưa ổn. Nhưng có những việc nhìn thấy mà chưa thể sửa ngay được, bởi
vướng đủ thứ luật, đủ loại rào cản, đó là thực tế hiện nay.
Nhưng bàn tay
nào dính bùn thì phải tìm cách gột rửa, chứ không thể vì một bàn tay bẩn mà chặt
cả hai bàn tay.
NHƯ THỔ/Petrotimes
Nhận xét
Đăng nhận xét