Hà Tiên trong mắt tôi (Ảnh: hiepcantho) |
“Chúa Hiển Tông (Nguyễn Phước Chu – NV) thấy ông tướng mạo khôi kiệt, lui tới kính cẩn, khen là người trung thành, sắc cho làm thuộc quốc, đặt tên trấn là trấn Hà Tiên, cho ông làm chức tổng binh, ban cho ấn thụ và sai nội thần tiễn chân tới quốc môn” – Đại Nam liệt truyện tiền biên. Người được tả trên là tổng binh Mạc Cửu, vào mùa thu năm 1708, ông cùng thuộc hạ dong thuyền ra Phú Xuân dâng biểu xưng thần và trao đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn. Kể từ đó, một vùng đất – biển hoang sơ đã trở thành phố thị, thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong, in đậm dấu chân trong hành trình tiến ra Biển Tây của dân tộc Việt.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Vào thời Đại Thanh (1680) nhà Minh mất hẳn. Mạc Cửu (lúc này khoảng 23 tuổi – NV) không khuất phục… mới chừa tóc rồi chạy sang phương Nam, trú tại phủ Nam Vang, nước Cao Miên”. Nhiều nguồn sử khác cho biết, lúc 17 tuổi ông đã bôn ba khắp nơi buôn bán, chỉ năm năm sau đã làm chủ một đội thuyền giao thương với nhiều nước vùng Đông Nam Á và đảo Đài Loan.
Trong vòng hai chục năm lưu lạc, Mạc Cửu khi làm quan cho nước Cao Miên, lúc giao dịch ngoại thương cho vua Cao Miên… tựu trung các việc của ông đều không nằm ngoài hoạt động thương mại, kể cả khi ông chạy sang Xiêm La tị nạn. So với hai vị tổng binh Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cũng chạy qua Đàng Trong (1679) đầu phục chúa Nguyễn, khai khẩn đất Mỹ Tho và Biên Hoà, Mạc Cửu không xuất thân binh nghiệp. Dưới con mắt một nhà buôn, sau nhiều năm bôn ba các xứ Cao Miên (Nam Vang, Kampot, Oudong) và Xiêm La, đến khoảng năm 1700, ông chọn đất Hà Tiên làm chỗ dừng chân, một nơi có rừng có biển, đồng bằng mênh mông, sản vật dồi dào, bộ – thuỷ tiếp giáp đất Campuchia, Thái Lan ngày nay, có thể mở thương cảng quốc tế.
Khẩn hoang đồng bằng
Xứ Hà Tiên, ngày Mạc Cửu định cư và bắt đầu khai khẩn, rộng lớn hơn bây giờ nhiều: trấn Hà Tiên tây giáp Xiêm La, bắc giáp Cao Miên, tây nam trông ra biển... Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (Hà Tiên) cho biết, trấn Hà Tiên xưa bao gồm tỉnh Kampong Som (hiện thuộc Campuchia) dài xuống Rạch Giá, Long Xuyên, ven biển từ Lũng Kỳ (khu vực giữa Réam và Sré Cham, phía tây bắc đảo Phú Quốc) kéo dài đến Cà Mau. Trấn Hà Tiên được tạm chia thành hai vùng: phía trên từ Rạch Giá, Long Xuyên đến Bạc Liêu… phần nam sông Hậu có đồng bằng lớn, thuận tiện cấy cày; phía biển từ Phú Quốc chạy đến mũi Cà Mau hợp đánh bắt thuỷ hải sản, đặc biệt là giao thương với các nước xung quanh.
Trước khi Mạc Cửu định cư ở Hà Tiên, cùng với người Hoa người Việt đã có mặt rải rác ở vùng này, kể cả Cao Miên và Xiêm La. Họ khai khẩn ruộng nương và đánh bắt thuỷ hải sản, sống ngoài vòng ảnh hưởng của biến động chính trị các quốc gia trên. Với họ, “ông lại chiêu mộ lưu dân Việt Nam ở Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Rạch Giá, Cà Mau lập thành bảy xã thôn” (Gia Định thành thông chí). Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho biết thực ra, từ thời còn làm quan bên Cao Miên, Mạc Cửu đã chiêu tập người Việt, nên sau này lưu dân Việt – Hoa theo ông về trấn Hà Tiên rất đông. Kẻ làm ruộng, ông chia vùng cấp đất để khẩn hoang, cung cấp nông cụ thiết yếu (cày, cuốc, dao, rựa… kể cả trâu), phân phối giống (những thứ này Mạc Cửu đi buôn mà có). Ngay cả những tù phạm bị lưu đày nơi khác, ông cũng đưa về cấp đất, nông cụ cho khai hoang, trồng cấy. Thêm nữa, Mạc Cửu còn buộc những lưu dân Việt giỏi canh tác, khẩn hoang dạy nghề nông cho người Miên (người Miên không giỏi làm nông). Phần đầu ra, ông thu mua toàn bộ lúa gạo, hồ tiêu. Với nghề đánh bắt, các sản vật biển (cá, tôm, đồi mồi, yến sào…) được khuyến khích khai thác bằng chế độ thu mua. Với chính sách bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra như vậy, người làm ruộng, kẻ đi biển đã dần định cư khắp nơi trong trấn Hà Tiên. Chính những sản vật nông – ngư nghiệp đó góp phần làm hoạt động thương mại – kinh tế biển của họ Mạc sau này phát triển rực rỡ.
Kinh tế thị trường
Vốn có khả năng và điều kiện kinh tài từ trước khi về lập trấn, Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành một trung tâm thương mại, giải trí bậc nhất của đất Đàng Trong. Vốn có một vị trí đắc địa, nhiều đầu mối hoạt động giao thương, trấn thủ Hà Tiên (khu vực thị xã bây giờ) mặt hướng ra Biển Đông, rất gần với Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Cửa biển sâu, rộng gọi là cảng khẩu Hà Tiên. Nối cảng khẩu là một cái hồ lớn (Đông Hồ) và sâu có thể chứa hàng ngàn thuyền bè, là nơi neo đậu lên xuống hàng. Nối với Đông Hồ là sông Giang Thành, con sông đi thẳng qua Campuchia, đến đất Sài Mạt (nơi ngày trước Mạc Cửu làm quan) – một tuyến giao thương quan trọng với Cao Miên ngày ấy. Từ Sài Mạt có đường bộ đi đến thẳng Oudong (kinh đô cũ của Cao Miên). Như vậy, xét về địa lợi, ở Hà Tiên có đủ (cảng biển, sông, sản vật…).
Ngoài việc làm tổng trấn (được quyền thu thuế), họ Mạc còn là một nhà buôn lớn nhất vùng Hà Tiên lúc bấy giờ. Theo nhiều sách sử, ông mua từ Cao Miên ngà voi, sừng tê, đậu khấu (vị thuốc quý), gỗ… đổi lại, ông bán các đồ vật dụng (gốm, sành, sứ), gạo, muối… Đối với các nước giao thương đường biển, hàng bán là cá, tôm khô, gạo, hồ tiêu và những sản vật từ Cao Miên về. Không chỉ bán hàng tại chỗ cho các thương thuyền ngoại quốc (Đông Nam Á và cả châu Âu), họ Mạc thời ấy còn có ba chiếc thuyền lớn được chúa cấp (long bài), đủ sức buôn bán tận Nhật Bản. Chưa hết, Mạc Cửu còn mở thêm sòng bạc kinh doanh. Không sử sách nào chép chi tiết lượng hàng hoá giao thương lúc ấy, chỉ biết vào năm 1718, khi Xiêm La đánh Hà Tiên, phá kho của họ Mạc đốt 200 tấn ngà voi, gạo và các hàng hoá khác, phải mang nhiều tàu lớn vào mới chở đi hết.
Đến thời Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu – từ năm 1736) việc buôn bán còn tấp nập hơn. Cảng Hà Tiên (Đông Hồ) tàu bè đậu kín, ngược xuôi tấp nập. Hai bên bờ, phố thị đông đến nỗi không còn chỗ cho chành vựa. Lúc này họ Mạc được phép đúc tiền riêng (lấy tên là Thái Bình) và trở thành đồng tiền có thể giao dịch quốc tế. Hơn 100 năm sau ngày họ Mạc về khai phá, khi Trịnh Hoài Đức vào trấn Hà Tiên, ông thấy cảnh tượng ở núi Phù Dung (nay là núi Đề Liêm) chợ đầu mối xô bồ, tấp nập kế chùa, cho nên vị đại thần họ Trịnh mới thốt “cảnh nửa tăng nửa tục”. Hay như nhận xét của ông khi nhìn thấy sự sầm uất nơi xưởng đóng thuyền ở chân núi Ngũ Hổ (cách Đông Hồ vài trăm trượng): “Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, thật là một nơi đô hội miền biển”. Thời điểm ấy, sau nhiều biến thiên, chiến tranh, ly tán, hoạt động giao thương đã giảm sút rất nhiều so với gần trăm năm trước mà còn như vậy, mới biết vào kỳ cực thịnh, trấn Hà Tiên sầm uất thế nào.
*****
Về Hà Tiên bây giờ, những dấu tích của cảnh “đô hội miền biển” không còn. Đầm Đông Hồ, sau một dự án lấn biển làm khu đô thị, nay hiền lành như một con kênh đào. Đứng trên cầu Tô Châu nhìn ra, cảng khẩu nay bị bồi lắng nên nhỏ nhoi và nông sè. Phía tay trái cảng khẩu, Nam phố (một trong “Hà Tiên thập vịnh” của Tao Đàn Chiêu Anh) đang được thay bằng một dự án lấn biển khác, chẳng còn: “Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu/Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi” (Nam phố trừng ba). Lư Khê (rạch Vược) chẳng thấy cá vược rau thuần vì bị Pháp lấp từ giữa thế kỷ trước. Núi Phù Dung xưa, nay chẳng còn nghe “tiếng kệ kinh lẫn ồn ào chợ phố thị”…
Như lời của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt: “Nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới bước qua bờ nam sông Tiền”. Nhiều lần dẹp yên giặc cướp, mấy bận phò chúa lâm nguy, đánh đuổi ngoại bang giữ gìn bờ cõi… võ công họ Mạc khai khẩn đất phương Nam có ai bằng. Có lúc phải chọn cái chết ở xứ người để tận trung báo quốc, họ Mạc xứng với đôi câu đối trước cổng tam quan Mạc công miếu, chân núi Bình San (người đời thường gọi là lăng Mạc công), tương truyền của Trịnh Hoài Đức: Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh.
Doãn Khởi/SGTT
Nhận xét
Đăng nhận xét