Dáng vườn quê hương (Ảnh: Chung Văn Hóa dự thi Ảnh đẹp TNB) |
Thăm Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam ở Long Định (Tiền Giang), khách tham quan tò mò, thú vị với sơ đồ các “bệnh viện (BV) cây trồng” - những cơ sở tại chỗ hoặc vệ tinh của viện, có nhiệm vụ tư vấn chẩn đoán, điều trị bệnh cho cây trồng trong vùng ĐBSCL. Đã có “BV”, thì phải có “thầy thuốc”. Đó là những kỹ sư trồng trọt, các nhà khoa học của viện làm nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cho nhà vườn về kỹ thuật canh tác, phòng, trị bệnh cây trồng. Một số Cty BVTV cũng có đội ngũ “bác sĩ (BS) cây trồng” để tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đổi mới hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ.
Song, những “BS cây trồng” này cũng chỉ là mỹ từ, cách gọi theo kiểu “cách điệu”. Những đòi hỏi từ phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản) đang rất cần những “BS nông học” thực thụ. Muốn vậy, cần có quy định pháp lý mang tính bắt buộc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, chăn nuôi phải được kê toa như dược phẩm, khắc phục tình trạng sử dụng tràn lan nông dược, phân bón; kể cả hàng giả, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, tổn thất lợi ích của nông dân (ND) và sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây, một số nơi đã áp dụng quy trình sản xuất tốt VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật khác, bước đầu đạt kết quả tốt, nhưng còn không ít rào cản. Một trong những rào cản đó là thiếu chế tài. Những “qui định xử phạt” hiện hành đối với hành vi sản xuất, mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đã trở thành “chiếc áo pháp lý” quá chật so đòi hỏi thực tế.
Năm rồi, có dịp thăm Đài Loan, thấy cách làm của họ rất hay. Tại lãnh thổ này, ND không chỉ được miễn thuế nông nghiệp mà còn được Chính phủ “khen thưởng” do sử dụng đất cho trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ nông nghiệp. Ngược lại, khi vật nuôi, cây trồng bị nhiễm bệnh, việc đầu tiên là ND phải được “BS nông học” kê toa, mới có quyền mua, sử dụng thuốc thú y, BVTV cho cây trồng, vật nuôi của mình. Những “BS nông học” trở thành “thầy thuốc nông thôn” không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy mà tránh được dịch bệnh lây lan, sản phẩm nông nghiệp sạch, nhiều nông sản của ND vào siêu thị, ra thành phố được giá, làm nông nghiệp có lãi. Quả là một chính sách tam nông đáng được suy ngẫm.
“BS nông học”, ND sử dụng nông dược theo đơn thuốc ... bao giờ là hiện thực của vùng ĐBSCL?
Nhận xét
Đăng nhận xét