03 January 2013
Mấy tuần nay đi "săn ảnh" mỏi nhừ đôi chân, và cũng tình cờ gặp được nhiều người cùng có máu du lịch + nhiếp ảnh, dịp Lễ này tôi xin chia sẻ vài bí quyết để bạn chụp hình du lịch như các tay ảnh "pro".
1. Nghiên cứu và chuẩn bị
Chụp ảnh du lịch có vẻ đơn giản lắm. Có gì dễ hơn là đến một địa điểm độc đáo ở một nước đầy vẻ đẹp với cái máy hình và một nắm thẻ nhớ rồi chụp vài tấm hình "hết sẩy"? Nhưng, khi bạn bước chân đến địa điểm, bạn lại nhận thấy rằng điều đó khó hơn nhiều trong thực tế. Nếu bạn làm theo những bước đơn giản sau đây, hình du lịch của bạn sẽ tiến bộ thấy rõ.
Trước khi lên đường, bạn nên tính kế hoạch cho chuyến đi. Nên dành thời gian riêng để chụp hình, đặc biệt nếu người bạn đồng hành lại không cùng chung sở thích với bạn. Đi thám hiểm xung quanh để tự đặt mình vào khung cảnh, âm thanh, và mùi thơm của địa điểm đi chơi của bạn.
Dùng mạng internet để nghiên cứu về những đặc điểm của chỗ bạn sắp tới. Riêng tôi, tôi hơi "cổ lỗ sĩ cho nên đến thư viện thành phố mượn sách về đọc là chắc ăn hơn. Bạn cũng nên tìm hiểu về luật lệ và văn hóa của người địa phương. Có những xứ, họ không thích "bị" chụp hình (như Bolivia) và có những xứ khác, họ lại rất thích được chụp hình (như Ấn Độ).
Luôn luôn cảnh giác về sự an toàn của cá nhân, nhất là khi đang mang đồ nghề nhiếp ảnh mắc tiền, trong những nước kém an ninh như Somalia, Thổ-Nhĩ-Kỳ, và
Việt-Nam (dựa theo những quyển sách về du lịch thế giới).
Khách sạn New York lúc mặt trời mới lên. Đường phố Las Vegas còn vắng bóng người. Du khách ở đây không quen thức lúc 6 giờ sáng.
2. Dùng màu sắc sáng chói
Dùng màu để tạo nên những tác phẩm mạnh mẽ, có ấn tượng. Điều quan trọng là sự đơn giản. Chụp gần để chú ý vào chỉ một hoặc hai màu chính (đỏ, xanh dương). Bạn cũng có thể dùng những màu phụ (như xanh lá cây, hồng)
3. Dùng ánh sáng chiều vàng
Chữ photography (nhiếp ảnh) được phát xuất từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "sơn bằng ánh sáng"; vậy điều này cũng cho bạn biết rằng chất lượng ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Các tay ảnh "Pro" đợi đến lúc ánh sáng đẹp nhất và bạn cũng nên làm vậy nếu bạn cũng muốn có những hình đẹp.
Ánh sáng mặt trời lúc giữa trưa rất gay gắt và có màu trắng bệch. Nên tránh chụp hình ở giờ này.
Đối với nhiều đối tượng ảnh, ánh sáng đẹp nhất là lúc mặt trời còn thấp gần đường chân trời, có nghĩa là giờ đầu tiên khi mặt trời mọc và giờ cuối khi mặt trời lặn. Như vậy, bạn có thể sắp xếp thời gian buổi trưa nắng gắt để đi ăn với gia đình, hoặc đi thăm bạn bè, rồi vài tiếng sau "chuồn" ra để chụp vài tấm ngon lành.
Đôi khi ánh sáng và thời tiết sẽ không tốt như bạn muốn, nhất là khi bạn bị hạn hẹp thời gian. Nên học cách chụp ảnh trong những ngày có mây xám xịt - một trong những khóa học tôi thường dạy các học trò.
Cảnh hồ phun nước nổi tiếng trước khách sạn Bellagio, với góc cạnh sát mặt nước.
4. Tìm góc cạnh khác lạ
Chúng ta ai cũng đã từng thấy những đám khách du lịch sắp hàng để chụp hình ở một thắng cảnh nổi tiếng, thường thường ngay lúc giữa trưa (chúng ta cũng đã biết lúc này là lúc xấu nhất để chụp!) Bạn cũng có thể làm giống họ - nếu bạn muốn có những tấm hình nhàm chán giống mọi người khác. Nếu bạn muốn hình tốt hơn, lạ hơn, bạn phải "chơi khôn" hơn một chút, và tập nhìn bằng con mắt sáng tạo.
Chụp một tấm hình mới lạ của một chỗ nổi tiếng và được chụp hình quá nhiều là một trong những thử thách lớn nhất của người chụp ảnh. Bạn có thể khởi đầu bằng cách có mặt khi có ánh sáng đẹp. Nếu bạn có ống kính tầm dài, hoặc ống kính rộng, nên tận dụng để có những góc cạnh mới mẻ. Điều chủ yếu là cứ thí nghiệm, và... Have fun!
5. Lục tìm các chi tiết
Để ý. Tìm những chi tiết nhỏ mà thể hiện được hồn của nơi bạn muốn chụp. Ánh sáng chiếu nghiêng trên đường gạch, hàng thủ công của các người buôn chợ, những món ăn được trình bày ở cửa tiệm, hoặc những công trình kiến trúc. Bạn không cần những vật lộng lẫy, chỉ cần ghi lại trong trí nhớ của mình những chi tiết nói lên đặc tính của nơi bạn đang có mặt.
6. Tránh những nơi phổ thông
Những chỗ nổi tiếng thì quá dễ. Ai cũng tới đó, và hầu như mọi người cũng sẽ tới. Muốn có hình lạ thì bạn phải chịu khó "thám hiểm" những nơi lân cận. Đừng đi theo dấu chân của những khách du lịch đã đi. (Ở đâu tôi thấy bảng chỉ dẫn cho du khách thì tôi lảng đi hướng khác!)
7. Chụp ảnh ban đêm
Học cách chụp hình ban đêm. Sau khi mặt trời đi ngủ, đời sống chúng ta vẫn còn rất nhộn nhịp. Ở những đô thị lớn như New York, Ba Lê, Hollywood, Thượng Hải,v.v. đèn đuốc vẫn sáng trưng tới 4-5 giờ sáng. Những dòng xe thì để lại vệt sáng màu trắng, màu đỏ. Đôi khi, nếu may mắn, bạn còn được thấy Chị Hằng núp sau những tòa cao ốc đồ sộ.
Bạn sẽ cần có một chân máy (tripod) và sợi dây cáp để bấm hình mà không cần đụng tới máy để khỏi bị run. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm với loại hình này thì nên thực tập ở nhà trước khi bạn khởi hành.
Mùa Lễ sắp đến sẽ có nhiều cơ hội để quý độc giả thực tập và thực hành những kiến thức mới học. Cảnh trang trí Giáng Sinh với cây thông treo đèn, ông già Noel, và đàn nai Reindeer trước các ngôi nhà lớn xem cũng khá đẹp mắt. Còn thêm vài ngày nữa, đêm New Year's ở Las Vegas, New York, Los Angeles sẽ không thiếu ánh sáng muôn màu của pháo bông, cùng những kiến trúc lộng lẫy và hàng trăm ngàn người đang vui mừng. Chúc bạn có được ảnh đẹp! Happy New Year!
Cũng cùng hồ phun nước trước Bellagio, nhưng với góc cạnh "mắt chim" (bird's eyeview). Lưu ý sự sử dụng ống kính rộng khuếch đại để lấy vào bố cục ngọn tháp Eiffel và quả khinh khí cầu Paris.
AN - Dec '12
Không lệ thuộc vào máy móc tối tân nhất, một nghệ nhân vẫn có thể sáng tạo với dụng cụ khiêm tốn. Một “tác phẩm” rất đắc ý của tôi, đi bộ một mình trên bãi biển và tự chụp tấm hình (tấm bóng?) chân dung, dưới chân có mang đôi giày 5-ngón đi biển. Đây là một ý nghĩ sáng tạo bất chợt, chỉ lóe lên khi tôi nhìn thấy bãi cát mịn có texture giống miếng vải vẽ tranh - Photo: Andy Nguyễn, cellphone
Ảnh hưởng của Internet
Rất tiếc, sự phát minh của Internet đã biến tất cả mọi người có máy ảnh trở thành “quân sư quạt mo”, làm cho việc “tìm thầy” rất là khó khăn.
Thế giới Internet là một thế giới ảo, và có cấu tạo tựa như thế giới giang hồ… tạp nhạp đủ mọi tầng lớp, vàng thau lẫn lộn. Làm trong nghề computer mười mấy năm dài đằng đẵng, tôi cũng đã từng phải “lăn lộn” trên “giang hồ” đó. Phải nói, ít có diễn đàn nhiếp ảnh (photography forum) nào mà tôi chưa từng bước chân đến, kể cả diễn đàn quốc tế và của riêng người Việt. Trong những diễn đàn này, trung bình có ít hơn một phần tư người biết cách bình ảnh để giúp đỡ người chụp tiến bộ. Điều này làm bản thân tôi rất áy náy, vì làm sao tôi có thể giúp số người quá đông như vậy được?! Một điều đáng mừng là tôi cũng đã có nhiều người thật sự muốn học và đã “làm bạn” với tôi qua những mạng xã hội. Hy vọng bạn đọc cũng sẽ hưởng ứng theo những chỉ dẫn căn bản trong bài này và giới thiệu rộng hơn bên ngoài phạm vi của tờ báo.
1. Sự Phơi Sáng (Exposure)
Nhìn tổng quát tấm ảnh, trong ảnh không nên có những chỗ quá sáng (trắng) hoặc quá tối (đen) đến nỗi mất chi tiết. Thí dụ: không phân biệt được chi tiết của mây trắng, hoặc sợi tóc.
Ánh sáng trong ảnh nói lên một sự giản dị và cổ kính. Màu sắc (màu đất) biểu hiện sự bình dân. Chiều sâu tột độ cho cảm giác có không gian lớn. Photo Tony Matthews
2. Bố Cục (Composition)
Tìm sự cân đối trong tấm ảnh. Tìm một đối tượng mạnh, đập vào mắt; và thích những hình có chỗ bắt đầu, khoảng giữa, và chỗ cuối… Thí dụ: hình có chiều sâu. Nên có một chỗ để tia mắt bắt đầu (vào hình) và chấm dứt (ra hình). Không nên có những yếu tố bị cắt nửa chừng ra khỏi khung hình (đứt đầu, đứt chân…). Để ý tới các đường ngang và đường dọc thẳng góc (đường chân trời, cạnh building).
Tấm hình rất tầm thường của một nắp cống trên đường phố. “Chiều sâu” của ảnh là do phản chiếu trong vũng nước tạo ra. Bố cục quá hay. Photo Zorzimo Croquezz
3. Hậu Cảnh (Background)
Tìm những hậu cảnh không làm “rối” tấm ảnh, hoặc làm chi phối tia nhìn tập trung vào đối tượng chính.
Và một tấm hình rất “ăn ý” tôi. Phi thuyền được phóng lúc mặt trời gần mọc, để lại vệt khói chạy từ góc dưới bên phải (điểm vào) lên tới góc trên bên trái (điểm ra). Ngoài ra, hậu cảnh bầu trời và phản chiếu dưới mặt nước ửng lên như một bức tranh. Photo Reg Garner
4. Độ Nét (Focus)
Chủ đề chính, hoặc phần quan trọng của chủ đề, nên rõ nét. Thí dụ: trong ảnh người hoặc động vật, con mắt nên luôn luôn rõ nét.
5. Cốt Truyện (Story)
Khi nhìn vào tấm ảnh, tìm dụng ý của người chụp. Tấm ảnh này nói về cái gì? Xin nhắc lại câu châm ngôn nổi tiếng “A picture is worth a thousand words” (Một tấm hình đáng giá cả ngàn chữ).
6. Phẩm Chất Kỹ Thuật (General technical quality)
Tấm ảnh có bị mờ (vì run tay), xanh lét hoặc vàng ố (sai màu), nhiều hột, hoặc bị vọp méo? Màu sắc có bị “đẩy” quá lố hay không (có trung thực không?). Ảnh có bị bụi bặm nhiều không?
7. Tác Động (Impact)
Không đòi hỏi tấm ảnh nào cũng phải có phản ứng như “Wow!” hoặc “Ồ!”. Không cần phải có ảnh hưởng “dễ sợ” đến vậy. Nhưng ít nhất, ảnh phải có ý nghĩa, phải có chiều sâu. Nhìn càng lâu thì càng khám phá thêm những cái hay về nó.
Một tấm hình với sáng kiến rất độc đáo. Thay vì chụp mặt trời lặn thì chụp phản chiếu của bầu trời trong gương kính, và phản chiếu của gương kính trên mui xe. Photo Lilian62
Cuối cùng, cảm giác của bạn về một tấm ảnh cũng quan trọng như vấn đề kỹ thuật của tấm ảnh đó. Trong nhiếp ảnh không có gì đúng hoặc sai, vì vậy nó mới là một nghệ thuật, tức là, tấm ảnh là một tác phẩm nói lên cảm xúc của người chụp trong lúc sáng tác tác phẩm đó. Khi bạn càng trở nên thành thạo trong ngành nhiếp ảnh, bạn sẽ có thể lựa chọn điểm nào nên theo và điểm nào nên bỏ qua. Đó là lý do tại sao mỗi người chụp sẽ có cái “nét” riêng, không ai giống ai hết.
Vài điều nên cẩn thận khi bình ảnh: Nếu khen ngợi để làm đối phương vui lòng là điều tốt nhưng cần biết dừng lại đúng chỗ. Có những người khi nhìn thấy ảnh của người quen thì khen quá đáng, mặc dù tấm ảnh không gì đặc biệt. Điều này đưa đến một sự tự tin quá nhầm lẫn. Người chụp này sẽ vô tình tưởng rằng mình giỏi rồi và sẽ mất cơ hội học hỏi thêm những cái hay.
Lời bình ảnh tốt là một lời bình ảnh vô tư, không thiên vị, khen/chê đúng mức và xứng đáng với tiêu chuẩn, và nhất là thành thật. Quan trọng nhất trong lời khen/chê là phải đi kèm với lý do tại sao. Nếu không có lý do thì người nhận bình ảnh sẽ không biết họ đã làm gì đúng/sai.
Hãy đánh giá những tấm ảnh của chính bạn và dùng những điểm nêu trên, xem thử có thể cải tiến điểm nào không. Đó cũng chính là lý do để có những lời bình ảnh.
A.N., Orlando, July 2012
Facebook: www.facebook.com/wildwingsphotography
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com
Nhận xét
Đăng nhận xét