Ở các nước theo truyền thống “common law” (thông luật), phán quyết của tòa thường viện dẫn các bản án tương tự trước đó để áp dụng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào quy định sẵn có của pháp luật.
- Án lệ ở các nước - Bài cuối: “Án lệ ngầm” ở Việt Nam
- Án lệ ở các nước - Bài 3: Phải nghĩ bản án mình xử là án lệ
- Án lệ ở các nước - Bài 2: Trí tuệ thẩm phán thành luật
Đó là đặc trưng cơ bả của ncơ chế xét xử theo án lệ mà Việt Nam đang xem xét áp dụng.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong giáo dục ở Mỹ. Ảnh: INTERNET |
LTS: TAND Tối cao vừa có quyết định ban hành đề án phát triển án lệ để chuẩn bị cho việc hình thành án lệ trong hoạt động xét xử. Đây là bước đi cụ thể đầu tiên sau bảy năm kể từ khi Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp giao nhiệm vụ cho TAND Tối cao nghiên cứu chế định này.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số kinh nghiệm về việc hình thành và áp dụng án lệ ở các nước.
Các luật sư ở Mỹ thường có rất nhiều việc để làm, bởi ngoài “rừng luật” mà cơ quan lập pháp ban hành ra, họ còn phải tra cứu hàng trăm ngàn án lệ được công bố từ hàng trăm năm trước để làm cơ sở bảo vệ cho thân chủ trước tòa. Tuy vậy, năm 1997, họ đã thất bại trong việc bảo vệ bà May Jones ở tòa án bang California, khi các công tố viên viện dẫn một án lệ để buộc tội bà đã làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Đó có thể là một phán quyết kỳ quặc với bà Jones, bởi mọi việc bà làm chỉ đơn giản là báo cảnh sát về chuyện bà bị mất ví khi đi mua sắm ở siêu thị và mô tả nhân dạng của người đàn ông mà bà cho là thủ phạm. Điều oái oăm là chiếc ví đã được nhân viên siêu thị tìm thấy sau đó và thực tế đã không có vụ trộm cắp nào xảy ra. Bà Jones không thể nào ngờ được rằng một người phụ nữ tên Elizabeth Manley, trước đó 64 năm, cũng dính vào một vụ án tương tự và vụ án đó trở thành án lệ để xét xử những người như bà. Cả hai người đều bị cho là làm tốn kém nguồn lực của cảnh sát một cách vô ích và đẩy những người vô tội vào rủi ro pháp lý.
Án lệ ra đời như thế nào?
Mặc dù được biết đến nhiều như một đặc trưng của hệ thống pháp luật Mỹ, án lệ lại có một lịch sử dài gấp nhiều lần lịch sử nước Mỹ. Hầu hết các sử gia đều nhất trí rằng truyền thống xét xử theo án lệ đã ra đời từ những cuộc tranh luận của các thẩm phán Anh từ thế kỷ XII. Đây là những thẩm phán của tòa án Hoàng gia, đại diện cho nhà vua để đi xét xử tại các địa phương trên khắp nước Anh.
Ban đầu, các thẩm phán lưu động này xét xử theo luật pháp và tập quán riêng của địa phương nơi xảy ra vụ án, thay vì theo pháp luật của Hoàng gia. Đây là một nỗ lực của một Hoàng gia được cai trị bởi những người Norman (gốc Pháp), đã xâm lược nước Anh từ thế kỷ XI nhưng vẫn tôn trọng các truyền thống đang hiện hữu tại đây.
Vào mùa đông, các thẩm phán tạm ngừng công việc xét xử và trở về London. Tại các cung điện của thành phố này, họ thảo luận với nhau về các vụ án đã và đang được xét xử. Một điểm bất hợp lý nhanh chóng được phát hiện: Do xét xử theo luật pháp và tập quán địa phương, các vụ án như nhau tại các địa phương khác nhau cho ra đời các phán quyết khác nhau. Vô hình trung, điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa người dân ở các địa phương.
Hiểu được sự bất hợp lý này, các thẩm phán dần dần phân tích và chọn lọc ra các vụ án được xét xử dựa trên những lập luận hợp lý để làm khuôn mẫu xét xử cho các vụ án tương tự về sau này, không phân biệt địa phương. Điều này được duy trì trong một thời gian dài, đến mức trở thành một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của các thẩm phán Anh. Các án lệ dần trở thành “luật chung” được thừa nhận và áp dụng trên toàn Vương quốc Anh. Cho đến khi nước Anh trở nên hùng mạnh và thống trị thế giới trong suốt hai thế kỷ XVII-XIX, truyền thống pháp luật này cũng được “xuất khẩu” theo các chiến thuyền và thương thuyền Anh đi khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Hong Kong, Ấn Độ... Nước Mỹ cũng thành công trong việc áp đặt truyền thống pháp luật đó ở Philippines.
Ngày nay, dưới áp lực của quá trình toàn cầu hóa, các quốc gia theo truyền thống luật dân sự cũng đang tìm cách thích nghi với cơ chế xét xử theo án lệ này. Nhìn một cách tổng thể, án lệ là đặc trưng của các quốc gia theo truyền thống pháp luật “common law” (thông luật), bên cạnh một truyền thống pháp luật lớn khác là “civil law” (luật dân sự), với các nước như Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Việt Nam... Truyền thống pháp luật “civil law” hầu như không chấp nhận án lệ như một nguồn luật dùng làm căn cứ xét xử, mà dựa chủ yếu trên các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành.
Linh hoạt và thực tiễn
Trên thực tế, án lệ được coi là cách thức kịp thời và linh hoạt nhất để khắc phục các lỗ hổng của hệ thống pháp luật. Nước nào cũng có một cơ quan lập pháp làm nhiệm vụ ban hành các đạo luật, tuy nhiên dù ưu tú đến mấy, các nhà làm luật cũng không thể dự trù được hết các tình huống phát sinh trong xã hội. Sự kín kẽ của hệ thống pháp luật ở các nước theo truyền thống “civil law” phụ thuộc hoàn toàn vào các văn bản pháp luật và công dân có thể “lách” qua các lỗ hổng mà không có chế tài nào trừng phạt được.
Ở các nước theo truyền thống án lệ, việc lách luật khó khăn hơn nhiều, bởi các thẩm phán được quyền sáng tạo và giải thích pháp luật trong quá trình xét xử. Nghĩa là khi gặp phải một vụ án mà quy định của pháp luật chưa điều chỉnh đầy đủ, thường được gọi là các vấn đề giải quyết lần đầu, thẩm phán sẽ tìm cách trám lỗ hổng hoặc các điểm bất hợp lý của pháp luật bằng những phán quyết riêng của mình. Vụ án của bà Elizabeth Manley được đề cập ở đầu bài là một ví dụ.
Ở một án lệ khác, tòa án lại làm nhiệm vụ giải thích pháp luật để bảo vệ các quyền của công dân trước các cáo buộc vi phạm. Năm 1984, Gregory Lee Johnson, một người biểu tình chống chính quyền Ronald Reagan, đã đốt quốc kỳ Mỹ tại hội nghị quốc gia của Đảng Cộng hòa và bị một tòa án ở bang Texas kết án về tội xúc phạm các vật linh thiêng của nước Mỹ. Tuy vậy, đến năm 1989, Tòa án Tối cao Liên bang kết luận rằng hành vi đốt cờ của Johnson là một phần mở rộng của Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ và được cho là hợp hiến. Vụ án này trở thành án lệ và đã làm thay đổi đường lối xét xử cũng như pháp luật của các bang.
Tuy nhiên, không phải khi nào một án lệ cũng được áp dụng cho các vụ án tương tự về sau, khi các thẩm phán có cơ sở để lập luận rằng chúng đã lỗi thời và không còn hợp lý. Vụ án Brown kiện Hội đồng Giáo dục là một ví dụ điển hình.
Oliver Brown là cha của cô gái Linda Brown, một nữ sinh da đen ở bang Kansas (Mỹ). Vào thời điểm năm 1951, các trường công ở Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc và buộc người da màu phải học trong những trường tách biệt với học sinh da trắng. Cô bé Linda Brown phải đi bộ gần 3 km mỗi ngày để đến trường dành cho học sinh da màu, thay vì học ở một trường tiểu học gần nhà vốn chỉ dành cho học sinh da trắng. Cha của Linda đã nhiều lần nộp đơn xin học cho con vào các trường gần nhà nhưng đều bị từ chối. Ông kiện Hội đồng Giáo dục thành phố ra tòa án bang nhưng thất bại, bởi tòa án bị buộc phải tuân theo một án lệ có từ năm 1896 (Plessy kiện Ferguson), vốn cho phép các công ty xe lửa thiết kế các toa dành riêng cho người da trắng.
Vụ án được đưa ra Tòa án Tối cao Liên bang và đến năm 1954, các thẩm phán tuyên bố sự phân biệt này vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là án lệ Plessy kiện Ferguson cũng bị bãi bỏ cùng với cơ chế phân biệt chủng tộc trong hệ thống giáo dục Mỹ.
HOÀNG THƯ
Kỳ tới: Trí tuệ của thẩm phán thành pháp luật
Ở các nước theo truyền thống án lệ, mỗi ngày có hàng ngàn vụ án được xét xử nhưng chỉ có rất ít vụ án trở thành án lệ và được coi là khuôn mẫu cho các vụ án tương tự về sau. Vậy một bản án như thế nào mới được công nhận là án lệ? Cách thức và thẩm quyền công nhận ấy ra sao?
Nhận xét
Đăng nhận xét