Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển giai đoạn 2001- 2010, ĐBSCL đã có nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, cũng cần nhìn rõ một số hạn chế để có hoạch định một số chính sách, giải pháp đúng, tạo thêm nhiều cơ hội để vùng phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai...
Cần có các chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho toàn vùng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những dấu son thành tựu...
Được thiên nhiên ban tặng các điều kiện tự nhiên thuận lợi để vùng ĐBSCL bay cao, bay xa về phát triển nông nghiệp. Hàng năm, vùng đất Chín Rồng đã đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò số 1 quốc gia về sản xuất nông nghiệp và thủy sản khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng cả nước. Về hàng hóa nông nghiệp, so với tổng sản lượng cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, sản lượng thủy sản chiếm 52%, 80% lượng tôm xuất khẩu, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước,… Theo ông Nguyễn Phong Quang- Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ, tính đến thời điểm cuối năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của vùng chủ yếu là nông- thủy sản đạt hơn 8 tỷ USD. Những kết quả này cùng tiềm năng sẵn có sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nội địa phát triển, xuất khẩu và hỗ trợ tích cực cho các ngành công nghiệp…
Ngoài lợi thế là nông nghiệp, trong thời gian gần đây, vùng ĐBSCL còn được quan tâm đầu tư phát triển. Thể hiện rõ nét nhất là đưa vùng trở thành trung tâm năng lượng lớn. Từ đó, công trình trọng điểm quốc gia là Trung tâm Khí- điện- đạm Cà Mau được hình thành. 2 nhà máy khí điện Cà Mau 1, 2 có công suất 1.500 MW, cung cấp trên 9 tỷ kWh điện/năm. Nhà máy đạm Cà Mau vừa đi vào sử dụng có công suất 800.000 tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu cả nước. Ngoài ra còn có đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn, Trung tâm Điện lực Cần Thơ và các nhà máy điện Duyên Hải, Long Phú, Kiên Lương,… đang được triển khai sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của vùng và cho cả nước trong thời gian tới. Đây chính là cơ sở để có thể khơi dậy tiềm năng và thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xét trên bình diện kinh tế chung, trong 10 năm qua, vùng kinh tế ĐBSCL đã liên tục tăng trưởng mạnh. Hàng năm, bình quân tốc độ tăng trưởng gấp 1,5- 2 lần so với cả nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư nhằm bắt kịp tốc độ tăng trưởng. Theo ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế, xã hội- BCĐ Tây Nam Bộ, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đã có những cải thiện rất đáng ghi nhận. Trục dọc xương sống Quốc lộ 1 được đầu tư nâng cấp, các cầu lớn vượt sông như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu… đang góp phần nâng cao vị thế vùng. Các tuyến về giao thông, cầu trọng điểm, tuyến đường thủy, luồng tàu biển khác đang trong quá trình xây dựng hoặc sẽ triển khai trong thời gian tới...
Để thêm nhiều cơ hội phát triển...
Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng cần nhìn nhận lại các mặt yếu kém để nghiên cứu và có giải pháp kịp thời, đúng đắn, nhằm đưa vùng ĐBSCL vượt qua, vươn lên trong thời gian tới. Theo ông Hiệp, có thể nói vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất là về giao thông, ngoài tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1, cần đầu tư các tuyến đường ngang như: tuyến hành lang ven biển Tây từ Xà Xía (Kiên Giang) về Cà Mau; tuyến hành lang ven biển Đông về phía Nam, đặc biệt là tuyến xuyên Đồng Tháp Mười; các cầu vượt sông lớn như Cổ Chiên, Vàm Cống; các tuyến đường thủy, hàng hải như kinh Quan Chánh Bố, luồng tàu biển về sông Hậu, kinh Chợ Gạo;… Thứ 2 là mặc dù lực lượng lao động đông nhưng chất lượng chưa cao, tay nghề yếu dẫn đến nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới cần đưa ra một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho vùng nhằm nâng cao năng lực lao động, góp phần phát triển kinh tế… Thứ 3 là phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng phần lớn chỉ dựa vào điều kiện có sẵn. Điều này dẫn đến sự thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh sẽ giảm sút và không tương xứng với tiềm năng.
Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, tuy nhiên cần có một sự liên kết để tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bình Minh- Vĩnh Long đang trong giai đoạn sẵn sàng đón đầu tư.
Về phát triển dựa trên điều kiện sẵn có, Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo nhận xét, phần lớn là kinh tế nông nghiệp nhưng nông dân chưa thật sự làm chủ. Sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp thu mua, giá cả thì cứ bấp bênh thiếu sự bền vững. Vì vậy, mặc dù là kinh tế phát triển liên tục nhưng cái nghèo của nông dân vẫn là vòng luẩn quẩn. Do đó, phải có các chính sách để nông dân trở nên giàu, qua việc làm gia tăng giá trị, đạt hiệu quả tối hảo trong các khâu liên kết…
Ngoài ra, theo ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vùng ĐBSCL đang còn yếu về sự liên kết với nhau giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Do đó, chưa xây dựng được tính đặc thù vùng, doanh nghiệp thì có quy mô vừa và nhỏ cạnh tranh chưa hiệu quả...
Tầm nhìn cho sự liên kết
Để khắc phục các mặt chưa làm được, nhất là để đưa vùng ĐBSCL trở thành một khối phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả, lâu dài thì vấn đề liên kết liên tục được đặt ra trong thời gian gần đây. Theo ông Trần Hữu Hiệp, vấn đề liên kết đã được đặt ra và từng bước đạt hiệu quả tốt. Trước tiên, liên kết vùng để liên kết thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; liên kết vùng trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch, chia sẻ thông tinh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, ông Trần Bắc Hà nhận định liên kết vùng là hết sức quan trọng trong vấn đề phát triển vùng một cách toàn diện. Bên cạnh đó là liên kết liên vùng nhằm tạo nên những hiệu quả sâu rộng hơn. Đặc biệt trong thời gian tới nên thành lập Hội đồng doanh nghiệp ĐBSCL nhằm thẳng thắn trao đổi trong hoạt động kinh doanh, khắc phục những khó khăn kịp thời… Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh sự liên kết 4 nhà gồm: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà báo. Có như thế mới phát hiện kịp thời, thông tin chính xác các vấn đề vướng mắc, thực hiện các chính sách đồng bộ, hiệu quả.
Theo ý kiến một đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp ở khu vực hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ, cạnh tranh yếu kém. Do đó cần một sự liên kết vùng chặt chẽ, có thể cơ cấu ngành theo đặc trưng, theo vùng nguyên liệu… Từ đó, tạo nên một sức mạnh tổng hợp sớm đưa ĐBSCL sánh vai với các vùng kinh tế phát triển khác...
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nhận xét
Đăng nhận xét