Vài lời: vấn đề ngân sách vùng, quản trị vùng, vai trò "nhạc trưởng" như ý kiến ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tôi đã đặt vấn đề từ năm 2009 qua nhiều bài viết, tham luận, có bài đã chuyển tải lại qua Blog này. Nhưng đáng tiếc, cho đến nay vẫn chỉ là ý kiến. Song, nay đã có nhiều quan chức nói hơn, hy vọng có nhiều người làm hơn.
Mặc dù TP Hồ Chí Minh được đánh giá là “đầu tàu” về phát triển kinh tế và có khả năng kéo các vùng đô thị lân cận cùng phát triển, thế nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng hiện nay vẫn chưa có sự liên kết giữa các vùng một cách hiệu quả trong vùng.
Hội thảo khoa học về CƠ CHẾ LIÊN KẾT VÙNG ĐBSCL trong khuôn khổ MDEC - Cà Mau 2011 (ảnh: hiepcantho) |
Tại diễn đàn quốc tế dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Hướng phát triển siêu đô thị: Cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, được tổ chức vào cuối tuần trước tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết để phát triển siêu đô thị, quy mô dân số đông là một ưu thế để phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy, với hơn 7 triệu dân số như hiện nay, trong đó chủ yếu là dân từ các tỉnh khác đến lập nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nhân tài, chất xám, lao động có trình độ cao, tạo nên một thị trường tiêu dùng rộng lớn (chiếm 20% GDP cả nước), một môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực tế chứng minh, TP Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu về phát triển nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục và internet, viễn thông, giúp cho nhiều người từ các tỉnh khác đổ về để được hưởng những dịch vụ tốt nhất.
Mặc dù cũng muốn liên kết với TP Hồ Chí Minh nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, Lâm Đồng không khuyến khích việc phát triển về dân số vì lo ngại bị phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, Lâm Đồng chỉ mong muốn có sự liên kết về cơ sở hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển du lịch cũng như về giao thương vì TP Hồ Chí Minh là cầu nối quan trọng, có tác động tích cự đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong vùng. Cụ thể là vai trò thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước và trong vùng. TP Hồ Chí Minh càng phát triển, càng thúc đẩy các tỉnh lân cận trong không gian vùng phát triển tương ứng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho rằng: TP Hồ Chí Minh cần mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trước mắt TP Hồ Chí Minh cần phải khai thác được tiềm năng dân số, đây là nguồn tài nguyên vô giá rất quan trọng. Ông Lê Mạnh Hà cho biết: Bên cạnh ưu thế trên, TP Hồ Chí Minh vẫn có những bất cập khi cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển của dân số, dẫn đến sự quá tải về giao thông, đô thị.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Nếu muốn phát triển siêu đô thị, cần tính toán quy hoạch hợp lý, không nên bó gọn trong địa giới hành chính.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch hội Doanh nhân Việt kiều (NICD) đề nghị: Nếu thiếu sự điều hành thì sẽ không có sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương Vì thế, cần lập hội đồng điều hành về chính sách….
Theo ông Lê Mạnh Hà, không có ngân sách vùng và ngân sách chung nên không thể có sự quy hoạch tập trung. Do đó, để liên kết giữa các tỉnh, thành, cần có một nhạc trưởng điều hành, đặc biệt là cần có vai trò của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có một “nhạc trưởng” để điều phối sự phát triển quy hoạch vùng. Bởi dù có ban điều hành, nhưng thiếu một “nhạc trưởng” thì “đoàn tàu” vẫn không thể liên kết được với nhau. Theo đó, nhạc trưởng sẽ là người triển khai quy hoạch và phân phối nguồn lực cụ thể.
Nhận xét
Đăng nhận xét