Vài lời: Cám ơn nhà báo Huỳnh Kim đã có bài giới thiệu một tác phẩm đáng trân trọng của nhà thơ quá cố Lâm Thao. Tôi có một kỷ niệm đẹp với nhà thơ mà tên tuổi gắn với tuyến lửa Vòng Cung. Năm 1983, lúc tôi ở nội trú Trường cấp III - TP. Cần Thơ (Trường Châu Văn Liêm bi giờ), một chiều chủ nhật không về quê Ô Môn mà vẫn ở lại trường, bỗng ghe bảo vệ bảo "có khách". Ra cổng gặp, trước mắt tôi là người đàn ông trung niên, dáng vẻ gầy gò, nói chuyện từ tốn như nông dân, dẫn xe đạp cũ kỹ. Đó là nhà thơ Lâm Thao, cũng là ông Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật thành phố Cần Thơ (nhỏ) đã kết nạp tôi vào Hội và cho đăng 3 bài thơ ngờ nghệch của tôi trong tập san Văn nghệ Cần Thơ ngày 28-02-1985 (Kỷ niêm ngày thành lập Hội). Lần gặp đầu tiên đó, nhà thơ Lâm Thao tìm đến tôi - một thằng học trò 15 tuổi - gửi bài cộng tác viết tay, chỉ vì muốn trao đổi với tác giả về "mấy chữ trong bài thơ" mà ông muốn biên tập lại. Một thái độ nghiêm túc đáng kính trọng. Năm 1985 tôi vào đại học, lên Sài Gòn, chỉ vài lần gặp lại anh Lâm Thao khi về quê, ghé qua chỗ Văn phòng Hội VHNT TPCT ở đường Hùng Vương, gần cầu Nhị Kiều (thời đó cũng là trụ sở cơ quan MTTQ TP. Cần Thơ). Dù nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên lần gặp đầu tiên đó.
“Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom” là hai câu thơ của nhà thơ Lâm Thao, viết về lộ Vòng Cung ở Cần Thơ thời chiến tranh chống Mỹ. Cho tới giờ, nhớ về anh, nhiều người thường nhắc tới hai câu thơ này.
Dạo ấy, anh làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ tỉnh Cần Thơ. Sau ngày giải phóng, nhiều năm anh làm Chủ tịch hội Văn nghệ TP.Cần Thơ, hăng hái góp sức gầy dựng phong trào văn nghệ đất Tây Đô cho tới ngày nằm xuống, vì bạo bệnh. Thời gian này, anh đã cho ra đời nhiều tập thơ, như Mặt trời tương lai, Tiếng võng đưa, Cần Thơ, Hương sảnh hương cam, Tiếng biển, Hương lúa, Hạt phù sa… Gần đây, tháng 9.2012, gia đình và bạn văn đã chọn 55 bài thơ của nhà thơ Lâm Thao, cho in thành tập Hiến ngọc, do NXB Đại học Cần Thơ ấn hành.
Hiến ngọc gồm một số bài thơ viết trong thời chiến, còn lại là những sáng tác chất chứa bao suy tư của Lâm Thao về những năm hòa bình có quá nhiều “nỗi đoạn trường” trong cuộc sống mới. Dường như nhà thơ muốn là người “ghi chép thời sự” bằng thơ vào thời buổi ấy.
Thí dụ hồi tháng 1.1989, anh viết: Đứng ở ngã ba sông/ Vào cái giờ nước nhữn/ Bao giề lục bình lờ lững nổi trôi/ Trong cuộc đời biết bao lần nước nhữn/ Biết bao lần đứng ở ngã ba sông (Nước nhữn). Trước đó, năm 1984, trong bài Đỉnh vinh quang, nhà thơ nói không úp mở: Trong kháng chiến đã bao lần chết hụt/ Hòa bình về tưởng đỡ hơn/ Kiếp buồn đau nhiều khi trào nước mắt. Nhưng Lâm Thao không khép lòng mình lại; vào thời điểm tháng 12.1987, anh lạc quan viết: Chớ nghĩ về cái xấu ở trên đời/ Sẽ làm mất thời gian của bạn/ Sẽ làm tổn thương tình cảm/… Ta phải biết hàm ơn/ Và nhớ hoài những điều tốt đẹp/ Chớ có căm hờn/ Hãy mở rộng vòng tay/ Nhớ những điều người ban phát cho ta/ Cả ánh nắng, lá cây và cả cánh hoa/ Thiên nhiên sẽ làm cho cõi lòng ta xanh mãi (Sống ở đời).
Tới những năm 1990, khi lâm bệnh, cái nhìn nhân tình thế thái của Lâm Thao hóa trầm tĩnh mà ray rứt: Khi chiếc lá lìa cành, chiếc lá có đau không?/ Tôi sắp lìa đời sao đau đớn vậy/ Chất độc hóa học ngấm vào máu tôi ai thấy?/ Để bây giờ tôi chịu nỗi đau chung (Nỗi đau của một người). Và da diết thương yêu cuộc sống: Trên giường bệnh lăn hoài bao nỗi nhớ/ Thuở theo trâu, đá bóng, hớt lia thia/ Lớn lên đi vào trong kháng chiến/ Đêm gối đầu bên báng súng ngắm sao khuya/ Tôi da diết nhớ một người con gái (Nhớ).
Trước đó một năm, tháng 6.1989, Lâm Thao đã viết bài thơ Hiến ngọc và đề tặng nhà thơ Chế Lan Viên. Có lẽ đây là tự sự và tâm sự mà anh muốn gởi lại cho cuộc sống và bạn bè: Suốt một đời hiến ngọc/ Là nước mắt của ta/ Ngọc lặng thầm trong đá/ Ai người đã đi qua/ Có hiểu gì trong đó/ Cho lòng mình thiết tha/ Thời gian bào nhẵn đá/ Ngọc rạng ngọc chói lòa.
Huỳnh Kim
Nhận xét
Đăng nhận xét