(VTV Cần Thơ) - Đưa ứng dụng tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tốt tiềm lực kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Đối với vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước là đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, nguồn vốn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất chưa nhiều, đa số đều lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác nên hiệu quả thật sự chưa cao. Đó là chưa kể những bất cập trong cơ chế, chính sách đầu tư khiến nhiều hạng mục dự án chậm đầu tư triển khai, thậm chí tỏ rõ không phù hợp.
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch là một trong những chương trình trọng tâm nhằm đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây là chương trình lồng ghép giữa 2 ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ, được cụ thể hóa bằng Nghị định 63 của Chính phủ. Thế nhưng, một trong những hạng mục tập trung triển khai là hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp nhằm đẩy cơ giới hóa lại gặp vướng mắc. Đó là việc qui định người mua máy theo chương trình hỗ trợ 100% lãi suất phải là máy có tỉ lệ nội địa hóa tới 60%.
Người nông dân này đầu tư máy gặt đập liên hợp đã 4 năm vẫn chưa thu hồi được vốn do mua máy của Trung Quốc
Ông Đào Văn Cần ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, một trong những nông dân tiên phong tham gia chương trình đã tỏ rõ thất vọng. Bốn năm trôi qua, số tiền 250 triệu ông Cần bỏ ra ban đầu vẫn chưa được thu hồi.
"Máy này khó lấy vốn quá. Cạnh tranh với mấy máy khác thì không nổi. Lại đất của người ta, người ta nói máy Nhật mới mướn nữa. Máy Trung Quốc sợ nó vô nó hư rồi trễ công ăn chuyện làm của người ta.” Ông Đào Văn Cần, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy than thở.
“Trong việc hoạch định chính sách mà đặc biệt là những chính sách hỗ trợ để phát triển khoa học công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần quan tâm, về tư duy, về cách làm. Làm sao để cho những chính sách đó, nó phù hợp, nó đi vào cuộc sống. Tôi thấy có những chính sách chúng ta quan tâm rất là tốt. Tuy nhiên nó chậm đi vào cuộc sống hoặc là nó không phù hợp với nhu cầu của người nông dân thí dụ như cái việc quan tâm hỗ trợ cho cơ giới hóa trong nông nghiệp.” Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - BCĐ Tây Nam bộ nhận định, phân tích.
Ngoài cơ giới hóa sản xuất, thu hoạch lúa là nhu cầu cấp thiết ...
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lương thực trọng điểm với 3 thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản, đóng góp 22% GDP cả nước. Chỉ riêng cây lúa, sản lượng năm nay chiếm hơn 92% kim ngạch xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Thế nhưng các dự án đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học cho lĩnh vực nông nghiệp nơi đây hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thời gian qua, kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ cho đồng bằng sông Cửu Long mới chiếm khoảng 10% của cả nước. Việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ đến với nông dân còn nhiều hạn chế còn bởi lực lượng cán bộ, kỹ sư tham gia chương trình chưa đủ số lượng phục vụ.
“Theo tôi phải nhìn vấn đề, không chỉ là lực lượng khuyến nông của các cơ quan Nhà nước mà chúng ta phải có cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã người ta cũng có nhu cầu để triển khai khoa học công nghệ đến người nông dân.” Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế - BCĐ Tây Nam Bộ đề xuất.
ngành nông nghiệp còn ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình khác mang lại hiệu quả cao.
Không thể phủ nhận hiệu quả đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bởi thực tế đã có những chương trình triển khai đúng mục đích, đúng tầm và sát với thực tế địa phương. Cụ thể như các mô hình trồng hoa kiểng cấy mô, sản xuất chế phẩm sinh học... Tuy nhiên, muốn vực dậy mạnh mẽ thế mạnh nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long, các ngành liên quan với sự chỉ đạo của Chính phủ càng phải quyết liệt vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đầu tư chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ đến với nông dân./. (Tiến Triển)
Nhận xét
Đăng nhận xét