(DĐĐT) - Trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, một trong những động lực quan trọng là các khu kinh tế (KKT) ven biển, những đòn bẩy vực dậy kinh tế biển các địa phương ven biển. ĐBSCL có 3 KKT ven biển nằm trong qui hoạch trên.
Các KKT ven biển là động lực để tiến ra biển và thực hiện chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (năm 2007).
Đây chính là đường cơ sở để các địa phương ven biển đề ra chiến lược phát triển cụ thể. Ở vùng ĐBSCL hầu như hiện nay các KKT ven biển đều chưa tìm được cho mình "sở trường" để có thể làm nên một diện mạo đặc trưng mà không thể nhầm lẫn với bất cứ KKT nào cả nước.
Và phải nhìn nhận rằng sức hút của các KKT ở ĐBSCL còn rất nhỏ. Trong khi đó, nếu như đúng với tầm và ý nghĩa của một KKT thì nội lực và tiềm năng phải được thể hiện bằng những dự án lớn, những sản phẩm mang tầm chiến lược và tạo được động lực phát triển cho địa phương, cho vùng.
Hiện 3 KKT ven biển vùng ĐBSCL đang trong tình trạng chờ cơ chế, do mời gọi đầu tư chật vật, ngân sách địa phương và Trung ương hạn chế, khó kham nổi vốn đầu tư hạ tầng đến hàng ngàn tỉ đồng.
Cần cơ chế "mềm"
Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo nhất của vùng ĐBSCL. KKT Định An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 339/QĐ - TTg, ngày 11/3//2010 đã mở cánh cửa không chỉ cho địa phương nghèo khó Trà Vinh, mà là tương lai cả vùng ĐBSCL cất cánh. Khi KKT này hoàn chỉnh sẽ kết nối hành lang kinh tế Duyên Hải Nam bộ và hệ thống đô thị vệ tinh trong vùng ĐBSCL.
Tổng diện tích qui hoạch 39.020ha, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng 1,27 tỉ USD được phân kỳ 2 giai đoạn.
Mục tiêu giai đoạn I đến năm 2020 xây dựng hoàn chỉnh một số hạng mục cơ bản về kết cấu hạ tầng trên qui mô 15.403ha. Bao gồm đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải 20.000 DWT vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu du lịch biển Ba Động và một số khu đô thị thuộc thị trấn Duyên Hải và Định An…
Theo Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh Trà Vinh, hiện KKT Định An đã giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tuyến đường số 1, tổng mức đầu tư trên 398,8 tỉ đồng (vốn địa phương 68,8 tỉ đồng); trong đó giai đoạn 1 (2011- 2013) là 150 tỉ đồng, giai đoạn 2 (2014-2015) là 180 tỉ đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ 65 tỉ đồng (2011- 2012).
Ông Lê Tấn Lực, Trưởng BQL KKT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Do điều kiện kinh tế đặc thù của vùng, khả năng thu hút đầu tư phát triển các KKT rất khó. Mời gọi nhà đầu tư, nhưng chính sách không khác biệt với khu công nghiệp, nên nhà đầu tư không mặn mà. KKT Định An thu hút được 16 dự án đầu tư, vốn 228.776 tỉ đồng. Hiện 5 dự án đang triển khai xây dựng (3 dự án vốn Trung ương, 2 dự án vốn doanh nghiệp), tổng vốn đăng ký trên 63.253 tỉ đồng. Muốn vực dậy KKT thì Chính phủ và tỉnh phải dồn sức cho đầu tư hạ tầng, hiện nay các khu chức năng nằm trong KKT chưa có đường giao thông đến".
Ông Lực cho rằng, kênh đào Trà Vinh, Trung tâm Điện lực Duyên Hải là công trình động lực cho KKT, nếu kênh không xong thì các cảng trên sông Hậu khó mà phát huy công năng. Tỉnh đang xin cơ chế đầu tư hạ tầng, khi hoàn chỉnh mới có thể mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.
Trà Vinh đi ra biển Đông sẽ có nhiều lợi thế hơn các địa phương, do nằm trong đường hàng hải quốc tế, tính từ cửa Định An ra biển chỉ 9km, tỉnh đang mời gọi đầu tư vào cảng biển Trà Vinh (trong nhóm cảng biển số 6 vùng ĐBSCL) cho tàu tải trọng lớn để đưa hàng hóa xuất khẩu trực tiếp đi các nước mà không cần vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh.
Còn KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau, do nằm xa các khu trung tâm kinh tế như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, TP Cần Thơ… nên việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư còn nhiều khó khăn.
Theo Quyết định số 296/QĐ-TTg (ngày 12-3-2012) của Thủ tướng Chính phủ, KKT Năm Căn nằm dọc theo hành lang trục quốc lộ 1A, bao gồm thị trấn Năm Căn, xã Hàm Rồng, xã Hàng Vịnh và ấp Ông Do của xã Đất Mới có diện tích tự nhiên 11.000 ha là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Khu phi thuế quan (công nghiệp – thương mại – dịch vụ) và Khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng BQL KKT tỉnh Cà Mau, nói: "So với nhu cầu thực tế cho kết cấu hạ tầng giai đoạn 2006-2012, các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh cần khoảng 1.000 tỉ đồng. Trên thực tế 6 năm qua, mới có hơn 294 tỉ đồng (70 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và gần 10 tỉ đồng từ địa phương) được đầu tư vào đây. Kế hoạch đến năm 2015, tỉnh Cà Mau cần hơn 3.860 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN, KKT. Một bài toán nan giải đặt ra cho các nhà quản lý".
Theo ông Ái, xây dựng các KCN, KKT đòi hỏi nguồn vốn khá lớn cho đầu tư hạ tầng, việc đầu tư này cùng một lúc ngân sách nhà nước không thể đảm bảo được, mà đầu tư dàn trải, nhỏ giọt thì không thể phát huy hiệu quả. Vì thế cần chính sách ưu đãi vốn từ Chính phủ để giảm áp lực cho các địa phương.
Chờ "đòn bẩy" Phú Quốc
Trong 3 KKT ven biển của ĐBSCL chỉ KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang) nằm trong 5 KKT ven biển được đầu tư từ ngân sách nhà nước (tối đa 65%). Tỉnh Kiên Giang cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là chiếc cầu nối vùng ĐBSCL với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: "8 năm qua, tỉnh đã huy động trên 12.587 tỉ đồng đầu tư cho Phú Quốc đã đạt kết quả khá khả quan, nhưng chậm so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch phát triển huyện đảo".
Nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn đầu tư làm ảnh hưởng tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng công trình trên đảo. Thực hiện các thủ tục đầu tư nói chung từ khâu quy hoạch đến giao đất, cho thuê đất còn kéo dài, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều chồng chéo giữa đất lâm nghiệp, đất quốc phòng; phải mất nhiều thời gian thỏa thuận, điều chỉnh. Công tác tổ chức lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ triển khai xây dựng các dự án dân cư, tái định cư chưa đạt yêu cầu. Việc giao đất, cho thuê đất còn nhiều lúng túng về định giá, về phương thức (đấu giá, giao, cho thuê,...).
Nguồn nhân lực cho BQL đầu tư phát triển đảo Phú Quốc còn hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và tiến độ triển khai đầu tư và phát triển trên đảo. Phú Quốc đang thiếu cơ chế, chính sách đặc thù và đủ mạnh để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu phát triển Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Để xây dựng thành công các đặc thù hành chính kinh tế Phú Quốc còn nhiều việc phải làm. Nhưng trước mắt, để giải quyết các vấn đề cấp thiết về cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc đề nghị Chính phủ phê duyệt Nghị định ban hành cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc.
Theo ông Lê Văn Thi, từ nay đến năm 2015, tỉnh ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng cho đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng một số chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư cho dân bị thu hồi đất theo hướng tăng cường vai trò của nhà đầu tư.
Năm 2013 sẽ tập trung phát triển khu phức hợp Bãi Trường, quy mô khoảng 1.000 ha. Bên cạnh đó, Dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc công suất truyền tải 131MVA, tổng mức đầu tư 2.336 tỉ đồng (vốn vay của WB) dự kiến khởi công trong quý II/2013, hoàn thành cuối năm 2014.
Dự án nhà máy nhiệt điện Phú Quốc quy mô 200MW tại xã Gành Dầu do Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đầu tư đã phê duyệt quy hoạch địa điểm, đầu tư 2 giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ than sang khí hóa lỏng...
Những công trình hạ tầng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa Phú Quốc phát triển thời gian tới. Điều này còn tạo ra sức bật mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế biển ĐBSCL trở thành cực phát triển quan trọng của đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét